Vì sao cần phải đến sân bóng?

Thể thaoThứ Ba, 20/03/2012 08:00:00 +07:00

Bây giờ, vẫn cứ nên xem truyền hình, hoặc đến sân bóng, bởi ít ra nó còn cho ta thấy, cuộc đời vẫn còn đẹp chán.

Có một bạn đưa ra lý luận khá thú vị thế này, sau khi tổng kết một số chương trình trên truyền hình.

Xem xong Bước nhảy hoàn vũ: Ai cũng tự tin là mình có thể nhảy đẹp
Xem xong Vietnam’s Got Talen: Ai cũng thấy mình có tài năng
Xem xong Vietnam Netx Top Model: Phụ nữ nào cũng thấy mình đẹp
Xem xong Ai là triệu phú: Ai cũng thấy mình thật sự hiểu biết, thông minh.

Kết luận là: Hãy xem TV thường xuyên để thấy chúng ta quả là những con người tuyệt vời.

Thực tế thì có thể bổ sung thêm một chút: Xem kết quả lễ trao giải Cánh diều vàng 2012, ai cũng tin chắc mình có thể trở thành ngôi sao phim truyền hình, ngay cả khi số đo vòng 1 phì đại và có thể tỷ lệ nghịch với thể tích bán đầu đại não.

Đến sân để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui (Ảnh: Quang Minh)

Với người xem truyền hình “chiêm nghiệm” ra những điều này, nghe thì có thể là mới, nhưng đối với dân bóng đá nó là chuyện rất cũ.

Xem một trận đấu ở V.League: Ai cũng có thể phán xét về chiến thuật, như thế mình là …Mourinho.

Nhìn cách điều khiển của trọng tài: Ông mù dở cũng tin chắc mình sáng suốt hơn.
Thấy cầu thủ nội chơi bóng: Ai cũng khẳng định mình chắc chỉ kém Messi.
Túm lại, đến giờ này thì trẻ con cũng nghĩ là sẽ điều hành giải đấu tốt hơn hơn ngài Chủ tịch Liên đoàn.

Nghĩa là cũng như xem truyền hình, người hâm mộ hãy đến sân đông hơn, nhiều hơn để thấy chúng ta thật giỏi.
Nói chuyện kéo khán giả đến sân vận động, lâu nay vẫn là chuyện khó, nếu không nói là cực khó.

Nhưng đặt trong các sự kiện làm sóng K.pop đang tràn sang Việt Nam hiện nay, nhất là thông tin về Đại nhạc hội Việt – Hàn vừa rồi, mỗi cặp vé hơn 5 triệu không có mà mua, NHM nức nở khóc khi không được gặp các thần tượng Hàn.


Hoặc ngôi sao Bi Rain biểu diễn, chỉ có vé mời, nhưng nếu bán, cũng sẽ có giá trên trời.

Khi một loạt các chương trình vay mượn từ nước ngoài, được khoác mỹ từ “phiên bản Việt”, hay chính phim truyền hình Việt với giải thưởng khá trời ơi đầy bi hài thì việc một bộ phận giới trẻ quay lưng và tìm đến sao Hàn Quốc để làm thần tượng thay vì sao Việt là chuyện bình thường và dễ hiểu.

Trong lĩnh vực văn hóa, bất chấp nền kinh tế khó khăn nhưng các ngôi sao giải trí nước ngoài vẫn xuất khẩu được văn hóa sang Việt Nam, bán vé và lấy tiền về thì dường như ở góc độ nào đó, chúng ta đã thua ngay trên chính sân nhà.

Cái này không có lỗi của người hâm mộ.

Giải pháp cho vấn đề khán giả và bóng đá, đôi khi là thế này: mỗi trận đấu chỉ nên diễn ra 10 phút, cũng không cần trọng tài cho rách việc, 80 phút còn lại là các màn ca nhạc, đặc biệt là việc mời các sao Hàn Quốc đến biểu diễn.

Đảm bảo chắc ăn và bóng đá sẽ sinh lời.

Bóng đá là sân khấu bốn mặt- câu nói của bầu Kiên hôm nào tưởng chỉ là ẩn dụ- hóa ra có phần đúng, theo nghĩa đen.


Còn bây giờ, vẫn cứ nên xem truyền hình, hoặc đến sân bóng, bởi ít ra nó còn cho ta thấy, cuộc đời vẫn còn đẹp chán. Kệ lương không theo được giá, kệ lợn siêu nạc, kệ bệnh tay chân miệng, kệ các loại phí liên quan đến giao thông…


Chúng ta thật giỏi, thật tuyệt vời.

Thái Hoàng (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn