Về lại miền đất lửa

Tổng hợpThứ Sáu, 28/09/2012 09:47:00 +07:00

Đó là Quảng Bình và Quảng Trị. Bây giờ không còn lửa. Máu thấm vào đất sâu. Chỉ còn lại những con người từng sống và chiến đấu một thời máu lửa...

Có hai miền đất lửa. Một miền ở một tỉnh cuối mút miền Bắc. Một miền ở một tỉnh đầu mút miền Nam. Hai miền đất này hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn giặc Mỹ dội xuống ngăn cản mục tiêu cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc cho non sông Việt Nam một dải.

Phải gọi là miền đất lửa và máu. Đó là Quảng Bình và Quảng Trị. Bây giờ không còn lửa. Máu thấm vào đất sâu. Chỉ còn lại những con người từng sống và chiến đấu một thời máu lửa cùng các thế hệ sau. 40 năm qua hai miền đất máu lửa ấy đã tái sinh xanh tươi ngăn ngắt.

Viếng nghĩa trang Đường 9. 
Thượng tá Hoàng Hữu Trạch săn đón mời tôi vào Quảng Bình với hai lý do. Một, là chứng kiến Lễ ra mắt Ban liên lạc Cựu chiến binh B5 Đường 9 Quảng Trị của tỉnh Quảng Bình nơi anh. Hai, là dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 Quốc khánh 2 tháng 9 này thăm lại chiến trường xưa tri ân những người đã hy sinh giữ nước như câu nói của Bác Hồ “Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta cùng nhau giữ nước!”

Cuối tháng 7 nhóm cựu chiến binh của Hoàng Hữu Trạch ra Hà Nội có ghé thăm tôi, đã mời và bắt hứa. Sau đó anh gọi điện ra hai lần một tuần nhắc và yêu cầu khẳng định. Sợ tôi quên. Anh đay đả Quảng Bình quê anh tuy nghèo nhưng tấm lòng hiếu khách. Và tôi đã đi ô tô suốt đêm từ Hà Nội tới thành phố Đồng Hới vào sáng sớm hôm sau, cả nhóm anh đã đón sẵn ở một ngã tư hẹn trước lúc 4 giờ sáng.

Quảng Bình là một trong hai miền đất lửa trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Quảng Bình hứng chịu bom đạn Mỹ cày nát từ không lực Mỹ thả xuống và từ pháo tầm xa hải quân giặc bắn vào nhằm cắt nguồn chi viện từ Bắc vào Nam. Thượng tá Hoàng Hữu Trạch cười hơ hơ ví người Quảng Bình là “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Sông Nhật Lệ, khúc sông rộng đưa người “ăn cơm Bắc” vượt sông “đánh giặc Nam” là nơi bom đạn Mỹ dội xuống liên hồi như nông dân ta rê thóc, cá chết trôi nổi trắng mặt sông cho tới khi không còn cá nữa.

Hoàng Hữu Trạch và Phan Thị Biển Khơi. 
Vậy mà có một người phụ nữ 60 tuổi kiên cường chở đò từ bờ Bắc sông Nhật Lệ qua bờ Nam vận chuyển quân – lương – khí tài suốt ba năm ròng từ năm 1964 đến 1966. Tính ra mỗi năm người phụ nữ ấy chuyên chở 1.400 chuyến. Ấy là mẹ Suốt. Người mẹ của tất thảy chúng ta. Một người mẹ Anh hùng. “Gan chi gan rứa mẹ nơ? / Mẹ rằng, Cứu nước mẹ chờ chi ai!” Tố Hữu đã mô tả “cái gan” mẹ Suốt như vậy đó. Và “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung / Gió lay như sóng biển tung trắng bờ”. Thành phố Đồng Hới nay có một con đường mang tên Mẹ Suốt chạy ven sông Nhật Lệ. Và trên một khuôn viên bên con đường ấy, bức tượng đài Mẹ Suốt đang chèo con đò cao lộng được đặt hoành tráng chính nơi trung tâm bến đò xưa.

Chiến thắng Quảng Trị miền đất lửa phía Nam lẫy lừng vang dội chiến công là có sự đóng góp xương máu và của cải của quân dân Quảng Bình. Các tiểu đoàn bộ binh, đại đội chiến đấu các huyện, cơ quan ban chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng các huyện thị, khi đi đơn lẻ, lúc lập sở chỉ huy tiền phương vào đóng chốt nơi bắc sông Bải Hà để chỉ huy. Các đơn vị chiến đấu đánh hàng chục trận tiêu diệt trên 5000 tên địch, bắn cháy 47 máy bay, phá hủy 41 xe tăng và xe bọc thép. Có một con số Hoàng Hữu Trạch đưa ra làm tôi sửng sốt. Là Quảng Bình có 38.715 thanh niên, bằng 10% dân số toàn tỉnh lúc bấy giờ lên đường vào Quảng Trị chiến đấu và phục vụ chiến đấu lập công xuất sắc. Có 174 “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “Dũng sĩ ưu tú”, mà tiêu biểu có Phạm Tiến Dũng D45, Phạm Hồng Dụ D46, Nguyễn Văn Giáp D49. Mà đang hiện diện bên tôi là hai dũng sĩ tuyệt vời Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Văn Ngô, anh chỉ còn giữ lại được có một cánh tay.

Nguyễn Văn Ngô nói với tôi: “ Được đeo chiếc Kỷ niệm chương B5 Đường 9 Quảng Trị mà nhớ lại những ngày nằm gai nếm mật hạt gạo chia ba củ khoai bẻ nửa mới thấy hết giá trị tinh thần anh dũng tuyệt vời khí phách một thời đương đầu với giặc Mỹ. Nhìn lại xem lúc này ai còn ai mất. Mất nhiều. Buốt. Đồng đội còn sống sót nay vẫn phải chịu đựng những cơn đau xé tim gan vì vết thương tái phát. Tuy cuộc sống vẫn còn cam khổ, nhưng cái quý là tàn mà không phế. Vẫn tự tổ chức cuộc sống cho chính mình cho con cháu và cho quê hương ngày một tốt đẹp hơn”. Ôi anh Ngô!

 

Trên đường vào Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Sinh Ngợi Ủy viên thường trực Ban liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh B5 Đường 9 Quảng Trị có gọi điện dí dỏm lưu ý tôi về một câu chuyện tình của Phan Thị Biển Khơi có thể viết, hay đấy. Đã là chuyện tình, lại với Biển Khơi, nghe đã thấy lãng mạn đầy chất thơ.

Nhân lúc Hoàng Hữu Trạch giới thiệu với tôi về chiếc cổng thành duy nhất còn lại của tòa thành cổ Đồng Hới, tôi đột ngột hỏi: “- Biển Khơi của anh đâu?” Cái giọng cười Quảng Bình rang rang: “Răng anh biệt?” Rồi anh kể. Thực ra không có gì ly kỳ cả. Anh ở Đồng Hới đi bộ đội. Mỗi lần qua Đồng Trạch công tác thường nghỉ lại ở nhà Biển Khơi. Nói là tình quân dân cũng chẳng phải bởi Biển Khơi cũng là chiến sĩ thông tin.

Nhưng cái điều làm họ thương nhau chứ chưa phải là yêu nhau, ở chỗ Biển Khơi là vợ một liệt sĩ hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị, khi ấy cô có một đứa con trai hai tuổi. Chuyện của Biển Khơi làm Hoàng Hữu Trạch xúc động, mặc dù bom giặc Mỹ ném xuống Đồng Hới cũng đã cướp đi người vợ anh và để lại cho anh hai đứa con nhỏ. Chồng của Biển Khơi quê ở Nghệ An. Trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị đơn vị anh đã lưu lại ở Đồng Trạch, trong căn nhà Biển Khơi. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt giữa sống và chết cách nhau gang tấc khó có thể phân tích tâm lý tình cảm của đôi thanh niên này, chỉ biết ngày mai người chiến sỹ ấy sẽ dấn thân vào nơi máu lửa, đồng thuận, chàng chiến binh Lê Binh Chủng đã để lại cho Phan Thị Biển Khơi giọt máu hồng của anh.


Có thể là Biển Khơi có dự cảm Lê Binh Chủng sẽ ra đi mãi mãi. Giống như câu chuyện giữa cô du kích làng Phù Ninh mà tôi biết thời chống Pháp với một cảm tử quân đánh bộc phá tàu chiến giặc trên sông Đáy được cô cứu và dưỡng thương, sau đó anh lính cảm tử nhận tiếp một nhiệm vụ cảm tử mới, cũng với dự cảm đất nước sẽ mất đi một người anh hùng, cô du kích làng Phù Ninh đã quyết định giữ lại giọt máu anh hùng ấy trong cô. Dự cảm là thế nhưng khi nhận được giấy báo tử của Lê Binh Chủng từ chiến trường Quảng Trị Biển Khơi đã ngất lịm khi ấy cô đang mang bầu sắp đến tháng sinh. Một con trai ra đời thay thế một chiến sĩ đã khuất.

Biển Khơi đặt tên con là Lê Quảng An, mối gắn kết hai tỉnh Quảng Bình – Nghệ An. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm lòng người yếu mềm như sáp ong ở gần lửa. Nhưng Hoàng Hữu Trạch còn kể thêm hai chi tiết khiến anh đột ngột thổ lộ lời yêu với Biển Khơi. Là hôm cô bổ cam mời anh sao cái bàn tay ấy lại bổ khéo đến thế, tám miếng cam đều chằn chặn. Lại khi tiễn anh lên đường, bỗng Biển Khơi thốt lên “- Anh Trạch!” Quay lại, cô cúi mặt không nói thêm. Tôi nói với Hoàng Hữu Trạch: “Trời âm u mãi sét ái tình mới đánh!” Hai chúng tôi cười vang giữa trời Đồng Hới. Chiều. Hoàng Hữu Trạch dẫn vợ đến chào tôi. Chị vẫn là một Biển Khơi rộng mở. Tôi nói lại chuyện Hoàng Hữu Trạch kể. Biển Khơi cười cho rằng chuyện ly kỳ còn chưa hết đâu. 27 năm sau, tức năm 1999, ngành xây dựng cải tạo hầm thoát nước ở Thành cổ Quảng Trị đã phát lộ và khai quật một chiếc hầm chữ A, phát hiện 7 bộ hài cốt trong đó ở tư thế ngồi.

Trong căn hầm ấy còn đầy đủ quân trang của 7 chiến sĩ quân Giải phóng. Những chiếc túi nylon bọc kỹ giấy tờ tùy thân và thư từ, đã xác định một trong số họ là Chính trị viên phó tiểu đoàn Lê Binh Chủng cùng 2 trinh sát, 4 công binh. Dựa vào địa chỉ ghi trong thư của Phan Thị Biển Khơi gửi chồng, cùng cuốn nhật ký anh ghi, người ta đã tìm ra địa chỉ báo cho chị vào Quảng Trị nhận dạng. Lại một lần nữa Biển Khơi ngất. Nhưng lần này có Hoàng Hữu Trạch ở bên. Tôi mường tượng một ảnh hình có hậu. Vong linh Lê Binh Chủng cười vui, đứa con trai Lê Quảng An của anh đã được đồng đội Hoàng Hữu Trạch nuôi dưỡng lớn khôn, đã có hai cháu trai, có một mái ấm gia đình, và mỗi ngày giỗ anh, đứng trước di ảnh là một đại gia đình hạnh phúc tràn trề. Tôi chụp cho vợ chồng Hoàng Hữu Trạch và Phan Thị Biển Khơi một bức ảnh đôi, chị vội giật tay anh nắm cứ như một cặp tình nhân một thời là đồng đội.

 

Dịp này các đoàn cựu chiến binh ngoài Bắc vào và trong Nam ra thăm chiến trường xưa nơi miền đất lửa đông vui như chảy hội. Toàn loại xe du lịch 45 chỗ ngồi hai thành và mũi xe chăng biểu ngữ đỏ cựu chiến binh và cắm cờ tổ quốc.  Tuần tự họ xếp hàng thắp hương nghiêng mình mặc niệm trước vong linh những đồng đội đã khuất nơi đài tưởng niệm bảng lảng khói bay trong tiếng gió lay hiu hắt. Rồi tản ra nghĩa trang cắm những thẻ hương thơm trên các phần mộ. Một nghĩa trang dành riêng cho các liệt sĩ Trường Sơn. Một nghĩa trang cho các liệt sĩ Đường 9. Và một nghĩa trang cho các liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị. Ba nghĩa trang rộng lớn ngần ấy cho ta đủ thấy bao người lính đã hy sinh để cho ta sống, cho ta cuộc sống hôm nay.

Thiếu tướng Trưởng Ban liên lạc toàn quốc Cựu chiến binh B5 Đường 9 Quảng Trị Lê Đình Sô có lần nói với tôi “Phải biết ơn các lệt sĩ. Quân hàm thiếu tướng tôi mang có công lao của những người đã khuất!” Đứng trước nghĩa trang được xây dựng bề thế trang nghiêm quy tụ hàng vạn hài cốt liệt sĩ nơi miền đất lửa, tôi bỗng nhớ tới bài hát “Đồng đội ơi!” có lời ca da diết “Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa… / Xin để cho tôi được khóc / Với những nấm mồ có tên không tên hàng ngang hàng dọc / Vì chúng tôi là đồng đội của nhau”.

Và tôi hiểu tấm lòng một vợ liệt sĩ tôi quen. Mỗi năm chị vào đây viếng chồng đều đặn một lần. Người ta khuyên chị chuyển hài cốt anh về một nghĩa trang nơi chị đang trú ngụ cho tiện việc hương khói. Chị nói làm như vậy là anh “xa - mất” đồng đội. Người chiến sỹ khi chiến đấu cũng như đã hy sinh nằm xuống cũng vẫn cần có đồng đội. Và tôi cũng hiểu vì sao Trung tướng Sùng Lãm đã sáng lập Ban liên lạc Cựu chiến binh B5 Đường 9 Quảng Trị là để những người còn sống có những dịp phôn cho nhau, họp mặt nhau, để mỗi năm lại cùng nhau trở lại chiến trường xưa viếng thăm đồng đội đã khuất.

 
Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị và khúc sông Thạch Hãn bên bờ Thành cổ là nghĩa trang không có mộ chí. Mỗi bước ai đó đi trên nền cỏ xanh đều có hài cốt đồng đội mảnh lẻ không còn nguyên. Người ta chỉ còn biết thắp hương chung trên Đài tưởng niệm và thả những vòng hoa chung xuống dòng sông mênh mang. Chuyện kể nơi đây luôn làm người đến viếng thăm khóc, khóc sụt sùi và nức nở. Đến nỗi chàng trai trẻ thuyết minh viên cũng phải dừng lặng mặc dù đâu phải lần đầu anh thấy nước mắt, mỗi năm anh tiếp vài trăm đoàn với biết bao nước mắt đã chảy khi nghe anh nói về những sự hy sinh đau thắt lòng người.

Chuyện tình giữa anh Chính trị viên phó tiểu đoàn Lê Binh Chủng với cô Phan Thị Biển Khơi được lưu giữ tại Nhà bảo tàng Thành cổ Quảng Trị trong một tủ kính có một số vật dụng và những bức thư cùng cuốn sổ nhật ký ố vàng của Chủng. Một tư liệu sử. Cốt truyện như tôi đã nghe. Chàng trai trẻ kể tha thiết cứ như anh sống cùng thời với Lê Binh Chủng và Phan Thị Biển Khơi. Cảm động. Tôi quyết định dành cho chàng trai trẻ đáng yêu ấy một bất ngờ. Tôi giới thiệu với chàng trai trẻ Thượng tá Hoàng Hữu Trạch chồng của Phan Thị Biển Khơi bây giờ đang đi cùng tôi. Và năm 1999 chính Hoàng Hữu Trạch đã dẫn Phan Thị Biển Khơi cùng đứa con trai Lê Quảng An của liệt sĩ Chủng vào đây nhận dạng và những bút tích của bố mình.

Chàng trai trẻ sững người. Rồi sung sướng ôm ngang lưng Thượng tá Hoàng Hữu Trạch. Đòi tôi chụp cho anh và chú Trạch một bức ảnh kỷ niệm hy hữu.

Tôi tin, có được tư liệu bất ngờ này, trong lời giới thiệu cho những lần sau về câu chuyện tình của Lê Binh Chủng với cô Phan Thị Biển Khơi sẽ có thêm chi tiết anh đã được gặp Hoàng Hữu Trạch người đồng đội của Lê Binh Chủng. Sẽ sinh động hơn. Chân thật hơn. Và bức ảnh tôi chụp sẽ được đưa ra làm chứng. Và câu chuyện về Phan Thị Biển Khơi cũng sẽ trọn vẹn có bi có tráng.

Ghi chép của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn