Vật thể kỳ quái, 'lai' giữa sao chổi và tiểu hành tinh

Khám pháThứ Hai, 02/11/2020 11:21:40 +07:00
(VTC News) -

Các nhân mã có bản chất là các tiểu hành tinh, nhưng lại tạo ra các đám mây bụi và khí khi chúng bốc hơi giống như sao chổi.

Nhân mã là các hành tinh nhỏ, có nguồn gốc từ Vành đai Kuiper băng giá, ở rìa hệ Mặt trời của chúng ta.

Các vật thể này cực kỳ hiếm. Từ năm 1927, các nhà thiên văn học mới chỉ phát hiện thấy 18 Nhân mã. Chúng rất khó quan sát vì mờ nhạt, ở xa và di chuyển theo những cách khác thường.

Vật thể kỳ quái, 'lai' giữa sao chổi và tiểu hành tinh - 1

Hình ảnh mô phỏng trên bề mặt của 1 nhân mã. (Ảnh: NASA)

Bất chấp những trở ngại này, nhóm các nhà khoa học tới từ Đại học Bắc Arizon đã phát triển một kỹ thuật mới để theo dõi một Nhân mã có tên là 2014 OG392. Nhờ đó, họ đi tới một khám phá quan trọng.

Trong quá trình 2014 OG392 chuyển đổi từ thể rắn thành khí - quá trình được gọi là thăng hoa, nó để lại một vầng hào quang dài giống sao chổi.

Nhờ mô hình máy tính, nhóm nghiên cứu cho rằng carbon dioxide và amoniac có thể đã bị đốt cháy, tạo ra vầng hào quang này.

Từ phát hiện trên, 2014 OG392 đã "từ bỏ" trạng thái Nhân mã để trở thành sao chổi chính thức. Nó thậm chí còn có tên mới và giờ được tạm gọi với cái tên C/2014 OG392. 

"Tôi rất vui mừng khi Trung tâm Tiểu hành tinh trao cho tên gọi sao chổi mới phù hợp với hoạt động mà chúng tôi phát hiện ra trên vật thể bất thường này", Trưởng nhóm nghiên cứu Colin Chandler cho hay. 

Các thiên thể như 2014 OG392 được cho là đã có từ buổi bình minh của Hệ Mặt trời và hầu như không thay đổi trong hàng tỷ năm kể từ đó. Các chuyên gia hy vọng việc nghiên cứu chúng sẽ làm sáng tỏ cách các hành tinh, bao gồm cả Trái đất được hình thành và phát triển.

Diệu Hoa(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn