Vào rừng tìm doanh nhân

Tổng hợpThứ Hai, 08/11/2010 10:37:00 +07:00

Một chương trình có cái tên khá mới lạ “Doanh nhân cộng đồng” vẫn đều đặn phát sóng nhưng hầu như không thấy xuất hiện một bóng dáng nào giống doanh nhân...

Lâu nay, trên kênh VTC1, một chương trình có cái tên khá mới lạ “Doanh nhân cộng đồng” vẫn đều đặn phát sóng nhưng hầu như không thấy xuất hiện một bóng dáng nào như người ta vẫn thường thấy ở các “doanh nhân”. Phải chăng có sự nhầm lẫn trong việc đặt tên cho chương trình này?

 

BTV Bá Thành cùng một già làng ở Hạnh Dịch - Nghệ An

Doanh nhân ở đâu?

Trong hình dung, chúng ta vẫn nghĩ rằng Doanh nhân là người làm công việc kinh doanh, thành đạt, nhiều tiền, đi xe hơi, sống cuộc sống sang trọng và luôn bận rộn với những chiến lược cạnh tranh khốc liệt trên thương trường để chiến thắng đối thủ bằng lợi nhuận và những hợp đồng làm ăn. Vì vậy, thật ngạc nhiên, khi chương trình đề cập đến doanh nhân nhưng khán giả chỉ thấy trong đó là những già làng kêu gọi bà con đi trồng rừng, phổ biến kinh nghiệm trồng cây thuốc nam chữa bệnh, cô gái người H’Mông trẻ hướng dẫn bạn học cách làm phân bón cho vườn cây thuốc... Vậy, “doanh nhân” ở đâu?

Trong một tài liệu có nói rằng, khái niệm Doanh nhân cộng đồng hay Doanh nhân xã hội xuất hiện chỉ trong gần hai thập kỷ mới đây. Họ được hiểu là những người tạo nên đột phá, hoặc có những ý tưởng giải quyết các vấn đề của xã hội và tạo nên những thay đổi làm cho xã hội tốt hơn, vốn lâu nay vẫn được cho là thuộc trách nhiệm của nhà nước, hoặc các doanh nghiệp thương mại “có tâm”. Họ đưa ra những ý tưởng dễ áp dụng, dễ hiểu, có đạo đức, và kêu gọi sự ủng hộ của nhiều người để có thể tối đa hóa số lượng những người dân địa phương cùng đứng lên, nắm bắt ý tưởng, và thực hiện.

Nếu như doanh nhân thương mại chỉ tập trung phát triển doanh nghiệp, lấy mục tiêu lợi nhuận làm trọng, thì mục tiêu của doanh nhân xã hội là làm thế nào để giải quyết triệt để một vấn đề xã hội. Hơn nữa, họ không làm một mình, mà hiệu quả của công việc được tính bằng số người hưởng lợi từ các hoạt động đó, giúp chính những người dân địa phương có được nguồn tài chính và kĩ năng để tự họ làm cải thiện môi trường sống của mình tốt hơn.

Chương trình Doanh nhân cộng đồng do VTC phối hợp với Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách Xã hội (SPERI) thực hiện chính là nhằm phổ biến khái niệm này và qua đó thể hiện mong muốn ngày càng có nhiều những con người với những công việc cao cả góp phần cải tạo xã hội, làm thay đổi cuộc sống hiện tại theo chiều hướng tốt hơn lên. Chương trình bắt đầu lên sóng số đầu tiên vào tháng 8 năm 2009. Ban đầu, mỗi tháng có hai số, thời lượng 20 phút. Sau 24 tập, tháng 8 năm nay, mỗi tháng sẽ còn lại một số nhưng thời lượng phát sóng tăng lên 30 phút một số và phát sóng vào 10 giờ sáng Chủ nhật cuối cùng trong tháng.

Ngô Bá Thành, chủ nhiệm chương trình chia sẻ, nếu xem một cách thuần túy, khán giả sẽ nghĩ đơn giản, đây là chương trình nêu gương người tốt việc tốt. Những người vừa làm kinh tế giỏi vừa là tấm gương trong cuộc sống hàng ngày, trong quan hệ giữa người với người ở những nơi rừng núi xa xôi hiểm trở, nơi con người phải sống nương tựa vào thiên nhiên, dựa vào nhau mà sống. Nhưng ở đây, điều những người làm chương trình mong muốn là thông qua những tấm gương này, khán giả hiểu hơn về khái niệm Doanh nhân cộng đồng cùng với những đóng góp của họ cho xã hội. Để qua đó, dành cho họ sự tôn vinh xứng đáng.

Có dạng như những phóng sự thực tế, những số qua chương trình đưa khán giả đến với những bản làng, những khu vườn sinh thái, những rừng cây do bàn tay con người gây dựng... ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, khi là Sơn La, Lào Cai, thậm chí là Lào và Campuchia - những địa danh hiếm khi xuất hiện trên truyền hình hoặc khán giả ít khi có dịp nghe tới. Nhưng chính ở đó, nơi con người phải đối chọi với đủ thiếu thốn và khó khăn lại xuất hiện những tấm gương, những nhân vật điển hình như em học sinh người H’Mông ở Hạnh Dịch, là học sinh của viện  SPERI có nhiều sáng tạo trong việc trồng và chăm sóc vườn sinh thái, giỏi vận dụng những kinh nghiệm của người dân tộc bản địa để làm phân bón và hướng dẫn các bạn có nhiều phương pháp làm phân bón dinh dưỡng hơn. Quan trọng nhất, em là người tìm ra nguồn nước để tưới cho cả vườn thuốc đang trong nguy cơ chết khô; hay già làng Vừ A Lềnh ở Yên Châu, Sơn La, người có tấm lòng nhân hậu và những kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc Nam tài tình. Bệnh nhân của ông có một thanh niên gần đứt lìa tay đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội các bác sĩ đều khuyên cắt bỏ nhưng đã được già chữa khỏi nhờ kết hợp đắp thuốc Nam kết hợp với Tây Y trong vòng hai năm. Nhiều bệnh nhân đến với ông, có người nghèo ở rất xa, khi đến còn được ông dựng nhà cho ở để chữa bệnh... Họ đều được gọi là những Doanh nhân của xã hội.

 

 

Gian nan làm chương trình

Để tìm và đưa được những điển hình này đến với khán giả quả là thách thức không nhỏ với những người làm chương trình, đặc biệt với Bá Thành là một cô gái trẻ. Cô chia sẻ, năm đầu tiên khi chương trình còn phát sóng một tháng hai số, cả ekip phải đi công tác triền miên bằng phương tiện chính là ô tô, rất mất thời gian đi lại. Rồi để vào được các bản làng phải đi bộ, đi ngựa leo dốc rất vất vả. Có những chuyến đi liền một tuần chỉ kịp về dựng và cho phát sóng khoảng hai ngày rồi lại tiếp tục vác ba lô lên vai và đi.

Một tháng có khi Thành phải đi công tác hai lần, cao điểm là ba lần. Mỗi chuyến đi ngắn thì mất hai ngày, lâu thì khoảng hai tuần. Những điểm đến chủ yếu là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La. Xa hơn là Lào, Campuchia. Đến nơi, ăn nhà dân, ở nhà dân và sinh hoạt cùng với họ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn khiến cho Bá Thành có những trải nghiệm thú vị, sự trưởng thành, rắn rỏi và những cách nhìn nhận tích cực về cuộc sống.

Phương tiện di chuyển chính là ô tô nên thời gian đi đường khá dài. Chưa kể trên đường đi hoặc trong quá trình công tác còn gặp phải những khó khăn phát sinh khiến cho mỗi chuyến công tác thêm phần vất vả. Một trong những chuyến nhớ đời đó của Bá Thành là chuyến đi Lào 2 tuần. Mất 8 ngày đi đường, đến nơi được hai hôm thì Thành ốm, sốt cao... Đi công tác xa, công việc không có ai thay thế nên dù ốm, cô vẫn phải cố gắng tác nghiệp, vẫn cuốc bộ, leo lên đồi núi, vẫn phỏng vấn ghi hình. Và chỉ chịu bó tay khi sốt quá cao, khắp người đau nhức, nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết. Mọi công việc còn lại phải nhờ một tay quay phim Minh Tuấn lo liệu. Bá Thành vẫn nhớ như in, cảm giác sợ... chết nơi đất khách quê người nên nằng nặc đòi về Việt Nam bằng được. Trời nóng như rang, một mình cuộn tròn trong chăn bông dày cộp ngồi cạnh lái mà vẫn run cầm cập.

 

Một lần khác đi vào rừng thuốc nam cộng đồng của người Thái ở Hạnh Dịch, Nghệ An để ghi lại những chia sẻ kinh nghiệm trồng thuốc Nam của người dân bản địa. Hôm đó, trời nắng và khô ráo, ấy vậy mà không ngờ, thấy cô phóng viên từ miền xuôi lên, một con vắt từ đâu bò ra bám lấy chân khiến cho Bá Thành khi phát hiện ra thì ôi thôi, hoảng hồn vì con vật căng một bụng máu. Sau lần đó, hễ cứ mỗi lần vào rừng là Bá Thành thấy chột dạ nhưng rồi công việc bắt buộc nên sợ mấy thì sợ vẫn phải đi.

Rồi chuyến lên Simacai để làm phóng sự về em học sinh có công tìm ra nguồn nước tới cho cả khu vườn sinh thái, do trời tối nên bị vấp ngã bong gân. Chân đau nhức, ấy vậy mà vẫn phải đi bộ hơn 20 phút đi quay đến nỗi đến được nơi thì chân sưng to không nhấc nổi. Những lúc như vậy, mới thấm thía sức khỏe và tình cảm đồng nghiệp khi khó khăn, vất vả quan trọng biết nhường nào.

Tác nghiệp trong điều kiện hết sức khó khăn

Bá Thành cho biết, đặc điểm của chương trình là phương tiện không đáp ứng được việc đi liền mạch. Nếu đi ô tô thì không thể quay cảnh đẹp, xe máy thì hiếm nên cách duy nhất là bắt buộc phải đi bộ. Vì vậy, mỗi lần đi công tác đồ đạc quần áo tư trang càng gọn gàng càng tốt. Trước khi làm Doanh nhân cộng đồng, Bá Thành luôn chỉn chu với Vest, váy đầm công sở nhưng từ khi làm chương trình này, những trang phục cô thường xuyên diện là quần jean, áo phông, giầy ba ta vừa cơ động lại không bị đau chân. Ngoài ra, thuốc thang, Salonpas... phòng những lúc ốm đau, leo đồi núi nhiều đau chân, sái khớp lúc nào cũng phải mang theo trong túi.

Mặc dù làm chương trình này, phóng viên luôn phải tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và đặc biệt bất tiện đối với nữ nhưng đổi lại, Bá Thành cho hay, cô cảm thấy rất thích thú với những chuyến đi xa, trút bỏ phía sau lưng những tiện nghi, hiện đại để được trải nghiệm với cuộc sống đòi hỏi con người phải vận dụng những kỹ năng sống bản năng để tồn tại. Cảm giác những tối chếnh choáng với rượu cần, hay lần đầu nhóm lửa nấu cơm thay vì dùng bếp ga, lúc ốm đau phải tự xoay sở, những khi vắt đốt hoặc vấp ngã giữa rừng, hoặc khi leo lên thung lũng ăn sống một ngọn rau cải sạch, thứ rau sống bằng uống sương và khí trời... Quan trọng nhất, là được sống gần gũi, thân thiện với những người dân tộc rất hồn hậu, trong sáng và chân thật để cảm thấy dường như mình bớt tính toán hơn, bớt lo toan hơn để sống thật nhân hậu và trong sáng.

Với đặc thù của chương trình, phóng viên Nam còn có lúc thấy chồn chân mỏi gối huống chi một một cô gái chân yếu tay mềm. Nhưng với Bá Thành, thân gái dặm trường không thành vấn đề, bản thân cô cũng không ngại khó ngại khổ. Thậm chí, như người xưa vẫn nói, đi một ngày đàng học một sàng khôn, có đi, có trải qua những khó khăn mới nhận ra tình cảm đồng nghiệp gắn bó, thân thiết, thứ tình cảm mà khi làm việc bình thường sẽ ít có cơ hội thể hiện; có lặn lội mới gặp được những con người bình thường nhưng làm được những công việc vĩ đại; có dấn thân, có lăn xả mới có một chương trình Doanh nhân cộng đồng được khán giả đón nhận và yêu quý.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn