UBCKNN cấm các công ty chứng khoán đặt lệnh tự động: Chuyên gia lý giải

Đầu TưChủ Nhật, 10/09/2023 14:37:00 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) yêu cầu các công ty chứng khoán dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động.

Các chuyên gia đồng tình với việc UBCKNN yêu cầu dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động, đặt lệnh bằng robot, và cho rằng, lệnh cấm này sẽ giảm bớt rủi ro, hạn chế thao túng, trục lợi trong chứng khoán.

Đặt lệnh tự động, đặt lệnh bằng robot là gì?

Ông Nguyễn Văn Toại, Giám đốc tư vấn đầu tư - Công ty CP Chứng khoán VPS phân tích, đặt lệnh tự động là việc một số công ty cho phép nhà đầu tư có thể can thiệp vào IPi (đặt lệnh trực tiếp).

“Nghĩa là copy trade (sao chép lệnh của người khác). Chẳng hạn tôi có 1 tài khoản đang giao dịch nhưng có thể cho hàng trăm, hàng nghìn người theo dõi, copy theo. Còn với robot, lệnh đã được lập trình sẵn. Đến một thời điểm nào đấy, nó sẽ sinh ra nhiều lệnh tương tự.

Việc sử dụng đặt lệnh tự động, sử dụng robot đặt lệnh vốn trước nay không bị cấm, song cũng không được cơ quan nào cho phép. Một số công ty chứng khoán tự triển khai, cho phép nhà đầu tư can thiệp kết nối IPI tự động hoặc kết nối với robot”, ông Toại nói.

UBCKNN cấm các công ty giao dịch bằng robot.

UBCKNN cấm các công ty giao dịch bằng robot.

Ông Toại cũng cho biết, việc sử dụng robot đặt lệnh tự động hiện chưa diễn ra nhiều, chỉ mang tính tự phát ở một số nhóm nhỏ hoặc một số công ty chứng khoán nên việc UBCKNN yêu cầu dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động cơ bản cũng không ảnh hưởng gì đến hoạt động chứng khoán của các nhà đầu tư.

Tương tự, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam cũng nhận định, hiện nay ở Việt Nam có một số công ty cung cấp một số dịch vụ có robot tự động giao dịch, làm cho khối lượng lệnh nhiều lên.

“Cộng thêm một số người đặt lệnh "lái cổ phiếu" theo kiểu ăn lên 10 cổ, 20 cổ, 30 cổ… và tạo nên số lượng lệnh quá lớn. Cách đây khoảng 1 tháng, có phiên mà các công ty chứng khoán bị đơ, nhiều khả năng là vì loại lệnh này”, ông Phục phân tích.

Tiềm ẩn rủi ro, dễ thao túng thị trường

Theo các chuyên gia, hoạt động giao dịch chứng khoán tự động, giao dịch bằng robot tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, làm gia tăng lệnh đột biến từ các công ty chứng khoán vào Sở Giao dịch Chứng khoán trong cùng thời điểm, dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống.

Bên cạnh đó, còn gây ra nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến việc quản trị rủi ro của công ty chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Văn Toại, hiện nay hệ thống giao dịch chưa đủ khả năng cho phép cùng một thời điểm sinh ra quá nhiều lệnh. Khi robot can thiệp, dễ dẫn đến tắc nghẽn, treo bảng lệnh. Chẳng hạn, trong điều kiện chỉ cho phép điều hành 1 tỷ lệnh, nhưng robot đủ sức đẩy lên tới 2-3 tỷ lệnh thì dẫn đến quá tải, treo lệnh, treo hệ thống, ảnh hưởng đến các giao dịch.

Biểu đồ giao dịch của một cổ phiếu trên sàn HSX.

Biểu đồ giao dịch của một cổ phiếu trên sàn HSX.

“Với thanh khoản như vậy, dễ sinh ra lũng đoạn thị trường chứng khoán. Do đó, việc cấm giao dịch bằng đặt lệnh robot, đặt lệnh tự động là hết sức cần thiết. Bởi có những tài khoản lợi dụng việc này. Ví dụ, họ mua cổ phiếu từ trước, hàng đã về rồi nhưng chỉ mua một lệnh nào đấy để bán hàng ra để trục lợi khi copy trade giá cao thì đẩy bán đi và trục lợi rất dễ”, ông Toại phân tích.

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Trần Phục cũng cho biết, việc UBCKNN yêu cầu dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động nhằm giảm tải cho hệ thống.

“Việc cấm giao dịch bằng lệnh tự động hoặc bằng robot là tốt cho thị trường, tạo sự ổn định, hạn chế sự thao túng. Vì giao dịch bằng robot rất phức tạp. Thứ nhất là lệnh đó quá nhiều lệnh, vì chỉ trong thời điểm nhất định nó có thể kích hoạt hàng trăm, hàng nghìn lệnh. Thứ hai, khi áp dụng robot tự động nó sẽ làm cho thị trường biến động mạnh hơn.

Chẳng hạn khi thị trường chứng khoán có dấu hiện bán mạnh tới ngưỡng nào đó thì tất cả các con robot sẽ bị kích hoạt, thị trường sẽ bị “dập” một cách không thương tiếc. Phiên giảm hơn 50 điểm ngày 18/8 là ví dụ”, ông Phục nêu dẫn chứng.

Ông Phục cho rằng, việc sử dụng robot sẽ làm cho thị trường nhiễu loạn, phùng bong bóng, rủi ro tăng lên, lúc tăng thì tăng quá đà, khi giảm thì giảm quá đà.

“Do vậy, việc cấm giao dịch bằng robot sẽ làm thị trường ổn định hơn”, ông Phục nói.

Ngoài ra, các chuyên gia thống nhất cho rằng lệnh cấm chính thức của UBCKNN còn giúp thị trường chứng khoán chuyên nghiệp hơn, hướng tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần.

Ngày 9/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo hiện tượng sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động xuất hiện với tần suất rất lớn. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường chứng khoán. Cụ thể, làm gia tăng lệnh đột biến từ các công ty chứng khoán vào Sở Giao dịch Chứng khoán trong cùng một thời điểm, dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống.

Bên cạnh đó, còn gây ra nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường chứng khoán diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến việc quản trị rủi ro của công ty chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện ngay việc rà soát và dừng ngay hình thức đặt lệnh tự động như trên. Đồng thời, có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các hình thức đặt lệnh tự động và yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt hình thức đặt lệnh tự động khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn