U19 Việt Nam thua tâm phục: Thấy gì từ thất bại?

Thể thaoChủ Nhật, 24/08/2014 10:07:00 +07:00

HLV Lê Thụy Hải từng nhận định phải có hàng trăm đội như U19 Việt Nam hiện tại mới có thể nâng tầm bóng đá nước nhà, và xem ra điều đó chẳng hề sai

HLV Lê Thụy Hải từng nhận định phải có hàng trăm đội như U19 Việt Nam hiện tại mới có thể nâng tầm bóng đá nước nhà, và xem ra điều đó chẳng hề sai.

Chiếc Cúp vô địch đầu tiên vẫn chưa đến với U19 Việt Nam cho dù thêm một lần nữa có mặt ở trận chung kết. Nhưng quả thật, phía sau chiếc Cúp đã mất đó, lứa U19 nói riêng và cả nền bóng đá nói chung có thêm những bài học tốt. Thậm chí là còn tốt hơn cả cái chức vô địch của một giải đấu giao hữu đơn thuần.
1. Nếu so với giải vô địch U19 Đông Nam Á cách đây 1 năm, tuy cũng vào đến chung kết, nhưng có lẽ chưa bao giờ U19 Việt Nam lại gần với chức vô địch đến thế. Gần không chỉ đơn thuần về mặt thành tích mà cả trong suy nghĩ của hàng triệu người hâm mộ, lẫn tính toán của cả giới chuyên môn.
U19 Việt Nam thất vọng sau khi để thua U21 Myanmar 
Dễ hiểu là sau quãng thời gian trui rèn qua các giải đấu khu vực, châu lục tới giải Tứ hùng hồi đầu năm, cùng những chuyến tập huấn, du đấu ở châu Âu, Nhật Bản, sự bổ sung nhân sự, lứa U19 Việt Nam đã mạnh hơn rất nhiều khi đến với Cúp Hassanal Bolkiah. Chỉ để thua Malaysia ở vòng bảng, rồi đã trả đủ món nợ trước U19 Indonesia, hạ gục U19 Thái Lan ở bán kết bằng lối chơi bóng kỹ thuật quen thuộc, nhưng biến hóa và hiệu quả hơn. 
Vậy thì chẳng có lý do gì mà không tin, các học trò của thày Giôm (HLV Guillaume Graechen) đủ sức đánh bại nốt U19 Myanmar trong trận chung kết để bước lên ngôi vô địch. Hơn thế, cũng mới năm trước thôi, chính lứa U19 này đã từng đánh bại U19 Myanmar tới 3-1 ở vòng bảng.
U19 Việt Nam là số 1 Đông Nam Á! Chắc chắn không ít người đã nghĩ thế cho đến trước khi trận chung kết Cúp Hassanal Bolkiah diễn ra. Chỉ có điều bóng đá trẻ thì vẫn cứ là... bóng đá trẻ, U19 Việt Nam cuối cùng cũng đã gặp được đối thủ xứng tầm, nếu không muốn nói có phần nhỉnh hơn mà kết quả chung cuộc 4-3 là tâm phục, khẩu phục.
U19 Myanmar không phải là một sản phẩm "hợp tác quốc tế" kiểu như Học viện HA.GL, nhưng chất lượng đội bóng trẻ của HLV Gerd Friedrich Horst chẳng hề thua kém. Đồng đều về thể hình, vượt trội về thể lực, chơi bóng có kinh nghiệm và kể cả tâm lý thi đấu của U19 Myanmar, chất Đức của ông thày Đức cũng để lại dấu ấn.
Không vô địch, có thể mang tới một chút dư vị buồn, nhưng chí ít thì U19 Việt Nam đã thấy được lần nữa những điểm yếu của mình nếu nhìn vào U19 Myanmar và vào chính trận thua này. Số 1 khu vực ư?  Vẫn còn cần phải hoàn thiện nữa.
Highlight trận chung kết giải U22 Đông Nam Á
2. Và cũng nến nhìn vào trận chung kết Cúp Hassanal Bolkiah để luận về tương lai gần của bóng đá khu vực, thì đó cũng là bài học tốt nữa với bóng đá Việt Nam.
Thực tế là qua giải đấu chỉ là giao hữu, nhưng bóng đá trẻ trong khu vực đang có sự chuyển biến theo hướng khá tích cực khi trinh độ chuyên môn đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn. Chúng ta đang có một lứa U19 chất lượng được hình thành qua quá trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp (dù là sản phẩm chính của cá nhân bầu Đức), tuy nhiên, nhìn vào những đội trẻ Malaysia, Brunei, Indonesia và đặc biệt là U19 Myanmar, hay kể cả U19 Thái Lan thì khoảng cách chuyên môn là không hề lớn.
Vậy nên, trong lúc đội bóng của HLV Guillaume Graechen đang được kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích lớn tại VCK châu Á sắp tới, thì qua Cúp Hassanal Bolkiah rõ ràng việc đứng đầu chỉ tầm khu vực thôi, dù là lứa U19 hôm nay, hay ĐTQG trong tương lai cũng đã trở thành bài toán khó.
Trở lại với nhận định của HLV lão làng Lê Thụy Hải rằng bóng đá Việt Nam phải cần tới cả trăm đội U19 như hiện tại may ra mới vươn tới tầm châu lục. Đúng là không thể phủ nhận, đội bóng trẻ này đang mang lại niềm vui, hy vọng mới, nhưng đó mới đơn thuần chỉ là cú hích, chứ chưa thể nâng tầm cho cả nền bóng đá quốc gia. Đó chính là bài học tốt nhất qua trận thua vừa rồi.
Clip Tuấn Tài bỏ lỡ cơ hội không tưởng

Theo TTVH
Bình luận
vtcnews.vn