Ủ phân hữu cơ: Tốt cho cây trồng, tái chế chất thải, giảm ô nhiễm môi trường

Gia đìnhThứ Ba, 19/10/2021 14:38:00 +07:00
(VTC News) -

Mô hình tận dụng rác thải, phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường được nhiều người áp dụng và đem lại những hiệu quả thiết thực.

Để giảm thiểu tối đa những tác động hàng ngày của con người đến môi trường, nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai, trong đó có việc tận dụng các rác thải, phế phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết phương pháp ủ phân hiệu quả, tốt cho cây trồng, làm tăng năng suất nông nghiệp đồng thời bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

Tại buổi giải đáp thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến môi trường thông qua hộp thư "Giảm thiểu ô nhiễm - Bảo vệ môi trường và hành động của bạn" trên Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm VOV FM89 (Đài Tiếng nói Việt Nam), chủ đề “Tái chế rác thải cũng là bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Văn Ái ở Thái Thụy (Thái Bình) có địa chỉ email [email protected] gửi một câu hỏi về hòm thư [email protected] với nội dung như sau:

"Hiện nay nhà chúng tôi vẫn đang tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp và chất thải trong chăn nuôi ủ thành phân hữu cơ. Đây là giải pháp tái chế chất thải, giảm ô nhiễm môi trường. Chuyên gia có thể tư vấn giúp chúng tôi phương pháp ủ phân hiệu quả, tốt cho cây trồng?"

Ủ phân hữu cơ: Tốt cho cây trồng, tái chế chất thải, giảm ô nhiễm môi trường - 1

Trước câu hỏi này, PGS, TS Lê Văn Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Nông Nghiệp Hữu cơ Việt Nam (thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam) đã tư vấn cho bác Nguyễn Văn Ái một số phương pháp ủ phân hữu cơ hiệu quả:

"Hiện nay, đối với phương pháp ủ phân truyền thống, người dân có thể ủ phế thải trong chăn nuôi như phân chuồng của lợn gà, trâu bò, với rơm rạ hoặc cỏ xanh. Để ủ nhanh, có thể dùng một số chế phẩm sinh học như EM hoặc một số chế phẩm khác nhằm phục vụ quá trình này.

Nếu muốn ủ nhanh hơn, bác có thể sử dụng phương pháp ủ nóng. Với phương pháp này, người ủ sẽ phải tạo điều kiện để các chất thải phân hủy trong điều kiện hảo khí. Trong quá trình ủ phân hữu cơ, cần lưu ý rằng, đây là phân hữu cơ, khi phân hủy nó sẽ chuyển đổi từ những chất khó hòa tan đến chất dễ hòa tan nên dễ bị bay hơi, tạo ra mùi khó chịu (chính là mùi amoniac). Chính mùi amoniac này sẽ nói lên chất lượng của phân".

Hiện nay, có 3 phương pháp ủ phân hữu cơ đem lại hiệu quả cao nhất, đó là ủ nguội, ủ nóng và ủ nóng trước, ủ nguội sau. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

Với ủ nóng, nguyên liệu sau khi được chuẩn bị được trộn đều với phụ liệu, tưới ẩm vừa đủ, thường là 60-70%, sau đó xếp thành từng lớp nhưng không được nén.

Sau 4-6 ngày, nhiệt độ đống ủ tăng cao, có thể lên tới 650C. Các loại vi sinh vật phân giải, ưa nhiệt tăng sinh và hoạt động mạnh. Các loại này thường là loại vi sinh vật hiếu khí nên để đảm bảo, cần cung cấp khí trong quá trình ủ bằng cách đảo trộn, thổi khí, tạo độ xốp, độ thoáng khí, đồng thời kiểm soát độ ẩm đống ủ do nhiệt độ cao khiến cho nước bị bốc hơi.

Nhiệt độ trong quá trình ủ nóng có tác dụng tốt giúp tiêu diệt hạt cỏ dại, loại trừ các mầm mống sâu bệnh. Thời gian ủ tương đối ngắn, chỉ sau 30-40 ngày ủ phân chuồng, phân động vật. 

Phương pháp ủ nóng cho chất lượng phân ủ khá đồng đều, vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp vì không phải đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị. Tuy nhiên, nhược điểm là mất nhiều công lao động, công vận chuyển; thời gian xử lý dài đối với loại vật liệu có hàm lượng chất hữu cơ cao; làm thất thoát nhiều đạm và hàm lượng chất dinh dưỡng thấp.

Với ủ nguội, nguyên liệu dùng để ủ phân được tưới ẩm và xếp thành lớp, nén chặt. Trên mỗi lớp phân chuồng rắc thêm lân để tránh thất thoát đạm. Đống ủ được xếp rộng 2-3 mét, trải từng lớp cao 1,5 – 2m, sau đó trát bùn bên ngoài.

Do bị nén chặt nên bên trong đống phân thiếu oxy, môi trường trở nên yếm khí, khí CO2 trong đống phân tăng lên làm cho vi sinh vật hoạt động phân giải chậm. Bởi vậy nhiệt độ trong quá trình ủ nguội không cao, chỉ dao động từ 30-350C.

Đạm trong đống phân chủ yếu ở dạng amoni cacbonat, là dạng khó phân hủy thành amoniac nên lượng đạm bị mất giảm đi nhiều. Theo phương pháp này, hoạt động của vi sinh vật chậm, vì vậy thời gian ủ dài, thường là 5 – 6 tháng phân ủ mới dùng được. Nhưng phân có chất lượng tốt hơn ủ nóng.

Ủ phân hữu cơ: Tốt cho cây trồng, tái chế chất thải, giảm ô nhiễm môi trường - 2

Với phương pháp kết hợp, phân chuồng lấy ra xếp thành lớp không nén chặt ngay, tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động mạnh trong 5 – 6 ngày. Khi nhiệt độ đạt 50 – 600C, tiến hành nén chặt để đưa đống phân sang trạng thái yếm khí.

Sau khi nén chặt lại xếp lớp phân chuồng khác lên, không nén chặt mà để 5 – 6 ngày cho vi sinh vật hoạt động. Khi đạt đến nhiệt độ 50 – 600C lại nén chặt.

Tiếp tục tiến hành cho đến khi đạt được độ cao cần thiết thì trát bùn phủ chung quanh đống phân. Quá trình chuyển hoá trong đống phân diễn ra như sau: ủ nóng làm cho nguyên vật liệu nhanh ngấu, hoai mục, sau đó chuyển sang ủ nguội bằng cách nén chặt lớp phân để giữ cho đạm không bị mất, vi sinh vật vẫn hoạt động nhưng tốc độ chậm.

Để thúc đẩy cho phân nhanh hoai ở giai đoạn ủ nóng, người nông dân thường dùng một số phân khác làm men như phân bắc, phân tằm, phân gà, vịt… Ủ phân theo cách này có thể rút ngắn được thời gian so với cách ủ nguội, nhưng có thời gian dài hơn cách ủ nóng.

Hy vọng rằng, những tư vấn từ PGS, TS Lê Văn Hưng và các thông tin bổ sung từ chương trình sẽ giúp bác Ái cùng nhiều thính giả khác nắm được những phương pháp ủ phân hữu cơ hiệu quả, từ đó lựa chọn phương pháp phù hợp để sử dụng tại gia đình.

Phân hữu cơ mang đến rất nhiều lợi ích cho cây trồng. Phân bón hữu cơ chứa gần như đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, trung lượng và vi lượng cho đất, giúp cây hấp thụ tối đa và phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất.

Bên cạnh đó, loại phân này có nguồn gốc từ việc phân hủy các chất hữu cơ như: phụ phế phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa của con người, chất thải động vật,… nên tuyệt đối an toàn. Các hợp chất dinh dưỡng của phân bón hữu cơ cũng tồn tại ở dạng hợp chất hữu cơ nên cây trồng và hoa màu có thể hấp thụ dễ dàng.

Ủ phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc tái chế các loại chất thải, phụ phẩm nông nghiệp. Ủ phân hữu cơ có chi phí thấp, phương pháp dễ làm, đồng thời mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Đối với chủ đề "Tái chế rác thải cũng là bảo vệ môi trường" nói chung và vấn đề ủ phân hữu cơ nói riêng, các thính giả nghe đài khác nếu có băn khoăn có thể gọi điện thoại đặt câu hỏi qua số hotline 0243.773.8989 hoặc gửi những thắc mắc, những kiến nghị liên quan đến quy định của pháp luật, tình hình thực thi và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường về Hộp thư qua địa chỉ gmail: [email protected] hay gửi tin nhắn về fanpage theo địa chỉ tìm kiếm VOV FM89.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn