Tùng Dương – Li ti hạt bụi bay bay lạc…

Tổng hợpThứ Ba, 24/05/2011 10:01:00 +07:00

..Vật vã giữa cái nắng 38 độ đầu hè, tôi cũng mò được lên quán cà phê quen thuộc của Dương. Khác với không khí nóng nực ngoài trời, ly nước cam đá rất mát và...

Trước khi đến gặp Dương, thú thật tôi cũng hơi… sờ sợ. Người ta nói Dương đanh đá lắm, lại kén phóng viên, hỏi không khéo lại bị Dương “bật” cho tanh tách ấy... Vật vã giữa cái nắng 38 độ đầu hè, tôi cũng mò được lên quán cà phê quen thuộc của Dương. Khác với không khí nóng nực ngoài trời, ly nước cam đá rất mát và Tùng Dương cũng rất đỗi dịu dàng…!

 

Đơn giản chỉ là… cống hiến

Viết về Dương rất khó, khó vì Dương không giống ai, không là bản sao của ai, không thuộc một “tuýp” nghệ sĩ nào đó. Nhưng lại dễ vì cứ thế mà cảm nhận thôi, mà thích thú, mà ố á với sự khác biệt của Dương, khác biệt nhưng không hề xa lạ.

Không phải lần đầu tiên Dương được nhận giải thưởng Cống hiến nhưng chủ nhân của anbum “Li ti” vẫn thú nhận rằng giây phút được xướng tên ở hai đề mục Album của năm và Ca sĩ của năm trong giải Cống hiến 2010 vẫn là khoảnh khắc bất ngờ và hạnh phúc thực sự.

Người ta có thể chê Dương “quái”, “điên”, “khùng” nhưng rồi vô tình lại bị cái điên khùng đó dẫn dụ, dìu dắt vào những cõi ma quái, mộng mị do chính Dương vẽ ra. Cũng phải thôi, giữa một mớ âm nhạc ná ná nhau, sến sến và rẻ tiền, một Tùng Dương dẫu có “xấu” đến mấy đi nữa thì cũng là cái “xấu lạ”. “Lạ” là tốt rồi. Lạ cũng là cách để được người ta nhớ mãi, không nhập nhằng với bất cứ ai. Người nghe của Tùng Dương, đã ghét thì như xúc đất đổ đi, vừa nhìn thấy Dương trên truyền hình là tắt tivi ngay nhưng đã yêu thì yêu điên cuồng, mê đắm. Tôi cứ đồ rằng, fan hâm mộ của Tùng Dương không thuộc hàng quái thì cũng loại… khác người. Nhưng tôi nhầm, người nghe của Dương có đủ tầng lớp, độ tuổi và có cả những người ngày trước đứng trong hàng ngũ “anti-fan” của Dương… Không phải là tất cả, nhưng những người yêu phong cách của Dương đã đủ tiếp thêm cho “nhân vật chính” niềm đam mê và nội lực để bùng nổ trên sân khấu, hết mình với âm nhạc… đơn giản chỉ để cống hiến.

Dòng nhạc mà Dương đeo đuổi (Blues, Jazz, New Age, World music) không cần quá chú trọng về vũ đạo, ngoại hình, tuy nhiên, để cân bằng được yếu tố nhìn trong trình diễn, Dương đã chọn một cách để người khác nhớ về mình bằng những trang phục biểu diễn rất lạ, riêng, và quái. Có cảm giác, mỗi phần trình diễn của Dương là một lớp của vở tuồng không biết hồi kết thúc. Sự sáng tạo và hết mình trong âm nhạc lẫn trong trang phục, cho thấy sự nghiêm túc với nghề, nghiêm túc với âm nhạc và nghiêm túc với khán giả của Dương.

Âm nhạc của Dương luôn chia làm hai thái cực. Một là mình chơi nghề, làm những điều thật tìm tòi sáng tạo, nghệ thuật. Bên còn lại duy trì những giá trị cũ mà các thế hệ nhạc sĩ đi trước để lại. Trong một show diễn của Dương, người ta vẫn thấy hai phần, một phần hát theo số đông khán giả, một phần hát những bài mà Dương yêu thích. Kết quả là đều nhận được hiệu ứng như nhau từ khán giả. Người ta nói anh đang quá ảo tưởng về bản thân khi một lúc đi cả hai con đường. Nhưng Dương nhận diện được chính mình, anh biết anh nên làm gì và có thể làm được những gì.

Nhạc của Dương không bác học, cũng chẳng quá bình dân. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể nghe được. Vui quá, hay buồn quá đều chẳng thể hợp với những ca khúc của Dương. Vấn đề là phải có bối cảnh và không gian, cảm xúc phù hợp. Nghe để cảm nhận, để trải nghiệm, để thấy mình trong đó.

Dương đã chọn một con đường gai góc, độc hành cất bước và Dương cứ hát bằng chính niềm tin của mình.

Có thể nói Dương là một kẻ liều lĩnh và gan dạ, bởi anh không phải diện “đại gia” đi hát cho vui miệng. Anh vẫn phải “cày” cật lực trên mảnh đất nghệ thuật để tiếp tục có “vốn” đầu tư cho những "vụ mùa" mới. Nhưng anh dám đương đầu với những thách thức “khó nhằn” đi theo hướng mà ít ai dám thử thách. Mê hoặc khán giả bằng chính đam mê của mình với một thể loại âm nhạc riêng. Nhiều đêm diễn, khán giả khá ngạc nhiên và thích thú khi thấy Tùng Dương vừa “biến" mình thành con cò thoáng một cái đã lại hóa thân thành con nhện.

Người ta nói trong thị hiếu "trai xinh gái đẹp" của làng nhạc trẻ Việt Nam, Tùng Dương là một “nhan sắc” cá biệt. Dương không phải là hình ảnh chàng bạch mã hoàng tử được các 8x đời cuối và 9x đời đầu “thầm yêu trộm nhớ” hay dán đầy ảnh trên tường phòng ngủ như phần lớn ca sỹ thần tượng khác. Các fan nữ không gào lên khi anh xuất hiện hay run rẩy xúc động khi được đứng cạnh anh. Không teenager nào ăn mặc theo phong cách của Tùng Dương. Dòng nhạc của Dương lại kén người nghe và không phải ca khúc nào cũng có thể thẩm thấu được. Nhưng không phải vì thế mà Dương kém nổi tiếng. Dương sống sòng phẳng với đời và với nghề. Với Dương, nghệ thuật không có uyên bác hay bình dân mà chỉ có hay và không hay. Dương cũng hiểu rằng giá trị của một sản phẩm không phải là những cái vỗ ngực tự sướng mà là điều khán giả tự cảm nhận và đánh giá. Nếu như nhiều ca sỹ hiện nay đến với âm nhạc theo kiểu “ăn xổi” thì Dương lại để quá nhiều thời gian, tiền của để kiếm tìm những sáng tạo mới lạ cho âm nhạc. Có người nói anh dại, vì sẽ “lỗ”. Nhưng Dương biết khán giả bây giờ tinh lắm, làm một chương trình chất lượng cũng giống như cho họ một bữa ăn ngon. Một khi họ đã thích thú và thỏa mãn thì tiền không còn là vấn đề quan trọng nữa. Và sự thật là Dương “lãi” to nhờ những sự sáng tạo của mình. Sự đầu tư, tìm tòi của Dương đã được trả công xứng đáng. Dương đang thu hoạch những mùa quả ngọt ngào, những giải Mai vàng, Album vàng, Bài hát Việt và gần nhất là giải Cống hiến.

Theo quan niệm của Dương, một nghệ sĩ thành công thì có 50% là năng khiếu trời cho, 45% là rèn luyện và 5% là may mắn. Nếu bản năng quá thì sẽ dễ đi sai đường mà lý trí quá thì dễ khô cứng. Bởi vậy người nghệ sĩ phải biết cách hài hòa, cân bằng để tạo nên phong cách của mình.

 

Một Dương thô sơ đến một Dương… electronic

Trải qua 10 năm ngồi trên ghế Học viện Âm nhạc quốc gia, dưới sự dìu dắt của NSND Quang Thọ cùng với sự sáng tạo, tìm tòi và luôn hết mình trong âm nhạc, Tùng Dương nói âm nhạc với anh luôn là một thử thách, có thử nghiệm tất sẽ có thành công.

Với Li ti - album mới nhất, Tùng Dương khẳng định phong cách chủ đạo anh đang theo đuổi là nhạc điện tử. Li ti là một thử nghiệm kết hợp các giai điệu pop Việt Nam với phong cách điện tử và dàn nhạc giao hưởng Tây phương. Một đầu bài khá xương nhưng kết quả cuối cùng cũng đã được nhìn nhận. Li ti chiến thắng oanh liệt trong giải Cống hiến, là đề cử duy nhất đạt lượng phiếu bầu quá bán, gấp hơn 5 lần đề cử tiếp theo.

Dẫu được giới chuyên môn và báo chí đánh giá cao nhưng Li ti vẫn là một món ăn lạ mà không phải ai cũng “thưởng thức” được. Dương chấp nhận bởi mọi sự tiên phong không phải lúc nào cũng được ghi nhận ngay. Nó cần thời gian để thẩm thấu. Khó nghe vì lạ, vì ở Việt Nam chưa ai dám làm. Nhưng Dương tin rằng rồi khán giả sẽ thích phong cách này và electronica cũng sẽ là dòng nhạc mà anh theo đuổi đến cùng.

Dương quan niệm phải hát cái gì gần với số đông công chúng nhưng vẫn phải nâng cao nó hơn. Có thể lấy ví dụ ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau đã qua bao nhiêu danh ca thể hiện nhưng Dương vẫn hát lại với một hương sắc mới qua bản phối dữ dội có âm điệu của Rock ballard, mang đẫm hơi thở thời đại.

Dương muốn mọi người nghĩ đến Tùng Dương như một nghệ sĩ đương đại, có khuynh hướng độc lập và sáng tạo, hoạt động nghệ thuật với khả năng của mình. Người nghệ sĩ vẽ thế giới riêng của mình để bay bổng và Dương cũng có một thế giới như thế. Người ta nhìn một ly nước theo chiều ngang còn Dương lại nhìn từ đáy cốc nhìn lên. Vạn vật xung quanh được Dương nhìn gai góc hơn. Dương đi đến tận cùng những cảm xúc ấy bằng cảm nhận, cảm xúc của mình thông qua âm nhạc. Con đường đi đến thành công, càng đi càng thấy sâu hun hút nhưng Dương luôn tâm niệm càng biết nhiều, càng lung lay, càng dốt đi, càng vỡ vạc lại càng thấy mình muốn khám phá.

 

… hay một Tùng Dương đanh đá…?”

Rapper Hà Okio, trong nhạc phim của “Nụ hôn Thần chết” có một đoạn rap, đại loại “chừng nào xăng thôi không tăng giá, chừng nào Tùng Dương thôi không đanh đá”… Có nghĩa, việc Tùng Dương …đanh đá đã trở thành giai thoại trong làng nhạc.

Người ta cứ đồn thế, chứ tôi lại thấy Dương hiền. Khi tôi trêu “Nếu một người con gái ngồi đối diện và nói rằng họ thật sự thích Dương thì sao đây?”, anh chàng lúng túng đỏ mặt và chỉ biết… cười xòe. Giải thưởng Cống hiến mà Dương vừa nhận «cú đúp» vừa qua cũng vậy. Người yêu thì nói anh quá xứng đáng, kẻ ghét thì phán anh là kẻ... «quái thai»... anh lắng nghe hết và cũng chỉ cười bỏ qua bởi Dương hiểu rõ con đường mà mình đang đi, sự lựa chọn và những được - mất.

“Fan cuồng” nhất của Tùng Dương gần đây là một… bác gái 60 tuổi. Trong đêm trao giải Cống hiến, sau khi Dương biểu diễn, bác gái này đã cầm hai tờ 500 ngàn lên tận sân khấu tặng Dương. Anh chàng qua bất ngờ và bối rối không biết phải xử lý thế nào. Bác gái bảo: “Đây không phải là bác tặng mà là nhân dân tặng vì cháu đã rất thành công”. Xúc động trước tình cảm chân thành ấy, Dương đành cầm lấy và lí nhí nói lời cảm ơn.

Dương kể, có lần đi lưu diễn ở Đức, khi hát bài Trên đỉnh phù vân và Mưa bay tháp cổ, Dương hát nhập đồng đến nỗi một số khán giả ở dưới bắt đầu có những hành động khấn, vái lạy. Phải đến khi Dương dừng hát một lúc thì họ mới thoát ra được và ủng hộ bằng những tràng pháo tay vang dội. Cũng dễ hiểu thôi, bởi khi thể hiện các ca khúc, Dương luôn tìm cách giải phóng cơ thể và đầu óc của mình. Nó như một cuộc chiến và anh phải thoát ra khỏi sự trình bày đơn thuần để nâng bài hát lên một tầng cao nữa. Âm nhạc có nhiều trạng thái khác nhau và “quái” ở Dương là “quái” tìm tòi, “quái” đúng lúc, có tư tưởng chứ không phải là làm những điều dị hợm.

Dương hơi mê tín và tin vào số phận. Hầu như ai làm nghệ thuật cũng tín một chút. Trước khi làm một việc gì đó quan trọng, Dương vẫn có thói quen tự lẩm nhẩm trong miệng câu “nam mô A di đà phật”. Dương bảo, … Rất nhiều người ví von ở trên sân khâu đôi khi Tùng Dương nhập tâm quá, như thể nhập đồng nhưng sự thật là anh chàng này chưa một lần… đi xem hầu đồng. “Vật bất ly thân” của Dương là chiếc vòng bạc luôn đeo ở tay do một người bạn đã tặng từ những ngày Dương còn chưa nổi tiếng cho đến giờ.

 Thế giới của Dương rất đẹp, rất riêng và có lẽ chỉ mình Dương chạm tới được nó. Tuy nhiên, nó không phải chỉ toàn những ma quái, mộng mị mà còn có cả tình yêu thiêng liêng, những sắc màu cuộc sống và triết lý nhân sinh. Dương bảo lúc nào anh cũng cảm thấy như đang yêu. Tình yêu của anh không chỉ đơn điệu mỗi âm nhạc mà còn cả bóng hồng luôn dõi theo anh. Dương là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi biết giữ kín chuyện riêng của mình. Anh không phải là người thích khoe, đặc biệt là chuyện tình cảm. Người ấy của Dương không thuộc về giới showbiz nhưng Dương tin vào số phận. Ai đó bảo rằng, chỉ nhìn vào mắt cũng biết được người ta có đang hạnh phúc hay không, mà tôi thấy mắt Dương vẫn còn long lanh lắm. Đành rằng là người của công chúng nhưng anh vẫn cố dành lại cho mình một góc riêng tư nhất, bất khả xâm phạm. Đó là cách để Tùng Dương sống “khỏe mạnh” giữa lòng showbiz.

Dương không nghĩ mình đanh đá nhưng thừa nhận có sự ngông cuồng, nông nổi của tuổi trẻ. Nhưng Dương của hôm nay đã thật sự khác với Tùng Dương của thời 20 tuổi. Có sự chín chắn, có suy tính, cẩn trọng, có cái đằm của một chàng trai sắp bước vào ngưỡng 30…

Cũng đã đến thời điểm để Dương thực hiện một liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của mình. Sẽ vẫn là những bài hát đã từng theo Dương từ những bước chân đầu tiên nhưng được hát với tâm thế mới, phong cách mới với sự trải nghiệm của bản thân Dương. Cuối năm cũng là thời điểm Dương sẽ hoàn thành album nhạc xưa cùng với ca sĩ Thanh Lam. Cũng trong năm con mèo này, chàng ca sĩ trẻ còn có tham vọng ra thêm một album nhạc xưa nữa với tên gọi “Tình ca số 1”.

… “Dương sẽ là người cô độc ở Việt Nam và cần thời gian để khán giả thẩm thấu”-  Xin mượn lời Hà Trần nhận xét về Dương để tạm kết… Và dù nói gì đi nữa thì tôi vẫn thật sự… thích Tùng Dương!

 ● Tên thật: Nguyễn Tùng Dương

● Sinh năm 1983 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là ca sĩ nghiệp dư, ông trẻ là cố nhạc sĩ Trần Hoàn.

● Các Album: Chạy trốn (2004), Những ô màu khối lập phương (2007), Li ti (2010)

● Các Giải thưởng:Huy chương Bạc Giọng hát hay PTTH toàn quốc năm 1995, Giải ba Giọng hát trẻ Hà Nội năm 1999, Giải ba Giọng hát hay Hà Nội năm 2001, Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 2003, Giải Hội đồng nghệ thuật bình chọn SMDH 2004, Giải thưởng Ca sĩ của năm - Cống Hiến năm 2004, Giải Nam ca sĩ hát dân ca - Mai Vàng năm 2006, Giải Cống hiến cho Anbum của năm và Ca sĩ của năm 2010

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn