Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất

TrẻChủ Nhật, 29/08/2021 19:45:00 +07:00

Vùng đất Tây Tạng có rất nhiều điều kỳ bí và tục lệ thiên táng được xem là một trong những ẩn số của văn hóa phong tục nơi đây.

Thiên táng là một thực hành tang lễ, trong đó xác người chết được mang lên núi, để tự phân hủy khi tiếp xúc với thiên nhiên, hoặc bị ăn thịt bởi loài chim kền kền, bởi vậy "thiên táng" còn có tên khác là "điểu táng".

Thiên táng thường áp dụng cho dân thường hoặc những người giàu có. Đây là hình thức mai táng phổ biến nhất ở Tây Tạng, như một cách con người hiến dâng thi thể lần cuối cùng cho trời đất, tạo điều kiện cho linh hồn bay lên và tái sinh trở lại. Thế nhưng, hình thức thiên táng thường gây cảm giác sợ hãi cho những ai chứng kiến. 

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 1

(Ảnh: Great Tibet Tour)

Tại khu thiên táng thuộc thung lũng Larung (Garze, Tây Tạng), những con kền kền đen bay kín trời, chuẩn bị tiến đến thi thể người chết và rỉa xác. Các rogyapa (người xử lý xác chết) thu hút kền kền bằng cách đốt cây bách xù. Trong văn hóa của người Tây Tạng, kền kền được coi là loài vật linh thiêng.

Trước khi diễn ra nghi lễ thiên táng, thi thể người đã khuất được để trong nhà từ 3 - 5 ngày. Sau đó, người thân sẽ đưa thi thể tới khu điểu táng, nằm trên núi cao, cách xa khu dân cư. Mọi thành viên trong gia đình đều được chứng kiến nghi lễ linh thiêng này.  

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 2

 

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 3

 

Theo quan điểm Phật giáo Kim Cương Thừa ở Tây Tạng, gia đình của người đã khuất được khuyến khích chứng kiến nghi thức điểu táng, để đối mặt với cái chết và cảm nhận ''sự vô thường'' của cuộc sống.

Có 2 hình thức điểu táng ở Tây Tạng, một kiểu cơ bản, một kiểu long trọng. Kiểu cơ bản là người nhà đưa thi thể lên núi, tới khu mai táng và để kền kền tự rỉa xác. Hình thức long trọng bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp hơn.

Trước khi hành lễ mai táng, cơ thể người đã khuất được tắm rửa sạch sẽ, phần xương sống bị phá vỡ, sau đó người nhà cuộn thi thể vào tấm vải trắng và khuân lên núi. Các rogyapas sẽ tách rời thi thể thành nhiều phần bằng rìu, sau đó bầy kền kền đậu đen kịt quanh xác chết và bắt đầu nhiệm vụ.  

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 4

(Ảnh: Flickr)

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 5

 

Người Tây Tạng cho rằng, kền kền như thiên sứ, giúp linh hồn của người đã khuất được chuyển kiếp. Theo quan niệm của Phật giáo Kim Cương Thừa, linh hồn là phần quan trọng nhất của cuộc sống con người. Khi về cõi niết bàn, linh hồn tồn tại vĩnh viễn, thân xác chỉ như "chiếc thuyền rỗng" mục rữa. Vì vậy, việc để kền kền rỉa xác như một hành động bày tỏ sự thành kính của gia đình đối với người đã khuất.

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 6

(Ảnh: Atlas Obscura)

Tục lệ an táng kỳ bí - để người đã khuất cho kền kền rỉa xác thay vì chôn cất - 7

(Ảnh: Wonders of Tibet)

Về mặt lịch sử địa chất, cao nguyên Tây Tạng là hệ sinh thái tồn tại ở nơi cao nhất trên thế giới. Đất đá ở đây cứng lạnh. Người Tây Tạng không thể tiến hành chôn cất dưới lớp đá cứng hay băng lạnh, còn đất thì đắt đỏ. Việc hỏa táng cũng rất khó khăn vì gỗ cây, nhiên liệu đốt rất khan hiếm.

Trong khi đó, những đàn kền kền đói lượn khắp bầu trời, và sói lang thang quanh vùng. Với những đặc điểm địa lý đó, thiên táng xem ra là hợp lý nhất với họ.

Dù nhìn nhận của mọi người về tục lệ thiên táng huyền bí có đôi phần "man rợ" nhưng đây vẫn là một trong những nét văn hóa truyền thống thấm nhuần trong đời sống của người dân Tây Tạng.

Cersei(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp