Tự truyện nhà thơ 16 vợ: Chạy trốn người đẹp, cưới vợ xấu

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 23/08/2014 06:01:00 +07:00

(VTC News) - Mơ cao tới 1,7m, da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt sáng ngời, mũi cao quý phái. Mơ thực sự là hoa hậu.

(VTC News) - Mơ cao tới 1,7m, da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt sáng ngời, mũi cao quý phái. Mơ thực sự là hoa hậu.


Bài 4: Cuộc hôn nhân cay đắng

Nhắc đến Nguyễn Đăng Hành, nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch 16 vợ và số lượng con… chưa nắm được, hiện sống ở làng Khoan Tế (Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người biết đến, bởi VTC News đã đăng tải về cuộc đời ông. Thế nhưng, ít ai biết góc khuất cuộc đời đầy ngang trái của “hồn thơ” đa tình này: Một đời giai, một đời thơ thẩn, nhưng một đời đầy cô đơn, bất hạnh.

Những ngày chống chọi với rất nhiều bệnh tật, cô đơn một mình trong căn nhà rách, nhà thơ 16 vợ đã cay đắng viết tự truyện về những mối tình của mình. Anh viết mải mê, không phải để lại cho đời một tác phẩm vĩ đại, mà để thế hệ sau hiểu rằng: Nhiều vợ khổ lắm. Càng nhiều vợ, càng cô đơn.
Sau 2 năm trời khùng điên, thơ thẩn, thất tình, tôi làm tới mấy trăm bài thơ. Một hôm, ông bạn tên Dũng bảo: “Đếch gì phải đau khổ vì đàn bà. Làm thằng đàn ông mà thất tình thì hèn lắm”. Lời Dũng khiến tôi tỉnh ngộ. Tôi đứng lên làm lại cuộc đời.


Năm 1979, tôi xin vào Công ty xây dựng huyện Gia Lâm, làm công nhân. Bố tôi vốn nghề thợ mộc giỏi nổi tiếng trong vùng, tôi cũng học lỏm được chút, nên có năng khiếu, học thời gian ngắn thì làm việc thành thạo.

Ở phân xưởng có cô gái tên Nghĩa, bằng tuổi, là thợ xây. Nghĩa khá xinh, hay chuyện, thích đùa. Một lần, Nghĩa bảo: “Tớ thích Hành lắm!”. Tôi không thích Nghĩa lắm, nhưng tính lấp chỗ trống nên bảo: “Tớ cũng yêu Nghĩa ngay từ hôm về phân xưởng…”.

Trong đời tôi có ối lần ăn dưa bở. Lần này lại được xơi quả dưa bở to tướng. Nghĩa cười nắc nẻ bảo: “Tớ có người yêu rồi. Dạm ngõ rồi. Mấy hôm nữa là cưới chồng”. Tôi tẽn tò, hơi bực. Nghĩa bảo: “Bắn súng không lên thì đền đạn. Tớ sẽ giới thiệu cho Hành”.

Nghĩa sắp xếp một cuộc gặp, và tôi đã gặp Lụa, là cô họ của Nghĩa, hơn Nghĩa và tôi 2 tuổi. Lụa không xinh, chẳng xấu, tôi chẳng rung động chút nào, cứ lững lờ như tảng băng. Nhưng Lụa thích tôi ngay lần đầu tiên gặp mặt.

Đang bộn bề tính toán, lắng nghe cảm xúc, thì tôi gặp Mơ. Mơ mới 17 tuổi, đang học thì nghỉ. Bố là cán bộ tòa án, xin cho Mơ vào cơ quan tôi, với công việc thợ nề. Tuy nhiên, Mơ chả phải làm gì, cũng chả biết làm gì.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành phải đóng gạch kiếm sống 

Ở công ty Mơ có hẳn phòng riêng, thi thoảng có mặt chỉ để ghi danh. Mục đích của bố Mơ chỉ là tìm cách đưa cô con gái vào biên chế, rồi chuyển sang Xưởng 10.

Mơ cao ráo, xinh đẹp, da trắng ngần, đôi mắt đa tình. Mơ chả khác gì người mẫu. Các chàng trai ở công ty cứ mắt ma mày liếc, ong bướm vây quanh, nhưng cô chỉ khiêu khích, chứ chả để ý anh nào. Tôi biết mình không phải đối thủ, nên cũng chả quan tâm.

Hôm đó, tôi đang làm việc, thì Mơ đến xin đinh. Tôi ngước nhìn với ánh mắt lạnh lùng, ra vẻ khinh người đẹp. Tôi trêu:

- Em xin đinh bao nhiêu phân? Anh chỉ có đinh 20 phân thôi.

- Đinh đó em đầy. Chả thèm!

Tôi có cảm tưởng, Mơ chỉ có mỗi việc đến công ty và tìm cách bắt chuyện với tôi. Mơ nhờ tôi sửa tấm rèm ở phòng riêng. Tôi làm việc, nàng lôi sách ra đọc. Nàng cầm cuốn Bên kia bờ ảo vọng, ra vẻ cũng biết chữ nghĩa.

Tôi bình cho nàng nghe từng nhân vật trong cuốn sách đó. Nàng há mồm nghe. Biết tôi có nhiều sách, Mơ thường xuyên tìm đến nhà tôi mượn. Chả biết nàng có đọc không, nhưng chăm mượn lắm.

Ngày đó, tôi có cái xe cuốc của Nga, giống xe đua. Mơ mượn, đi một mạch đến tối. Tôi phải đi nhờ ông bạn về nhà. Đêm Mơ đạp xe đến trả. Mơ rủ tôi đi chơi. Dù chẳng thích lắm, nhưng tôi cũng đi.

Hai đứa lang thang ra bãi tha ma của làng. Mơ kể cho tôi nghe đến mấy chục chàng theo đuổi, nhưng nàng vẫn không kết được ai. Cuối cùng, nàng cầm tay tôi và kết luận: “Em chỉ thích mỗi anh!”. Cả đời tôi, toàn ở thế bị động so với đàn bà.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành và những đứa con xinh đẹp 

12 giờ đêm, bố mẹ đi ngủ, ánh đèn leo lét ở phòng khách đợi tôi về. Tôi mở cửa nhẹ nhàng để Mơ trốn vào phòng tôi. Mơ chẳng ngại ngần trút sạch quần áo. Ánh đèn dầu leo lét hắt qua khe cửa.

Mơ thực sự là một nàng tiên giáng thế. Mơ cao tới 1,7m, da trắng như trứng gà bóc, khuôn mặt sáng ngời, mũi cao quý phái. Mơ thực sự là hoa hậu. Thế nhưng, hình ảnh Hồng cứ ám ảnh trong đầu khiến tôi không có chút cảm xúc nào với Mơ. Tôi và Mơ nằm ngủ bên nhau, không có chuyện trai gái.

Những ngày sau đó, cứ 12 giờ đêm, đợi bố mẹ tôi ngủ, hai đứa lại trốn vào phòng tôi ngủ với nhau. Sớm hôm sau, khi gà gáy, mọi người chưa dậy, chúng tôi rời nhà ra cống ngồi, đợi trời sáng thì đèo nhau đi làm.

Thời gian sau, bố Mơ phát hiện con gái không ngủ ở công ty, nên nhờ con một ông tướng trong quân đội theo dõi. Anh chàng này đi theo Mơ và phát hiện nàng ngủ với một tay công nhân quèn ở làng Khoan Tế. Bố Mơ đùng đùng nổi giận, nhốt cô ở nhà, không cho ra ngoài.

Một hôm, Mơ trốn nhà, hẹn gặp tôi ở bốt Pháp trên đê đoạn xã Đông Dư. Mơ tặng tôi nhẫn vàng và chiếc gương để làm tin cho tình yêu hai đứa. Mơ bảo bố nàng ép lấy con ông tướng. Anh chàng này đã tốt nghiệp đại học, thành đạt, nhưng nàng lại trúng tiếng sét ai tình của tôi.

Tự Thân

Ngu ngơ từ thuở lên ba
Nắng xế chiều tà ngơ vẫn còn ngơ

Cuộc đời cuộc chiến cuộc cờ
Mình như quân tốt ngẩn ngơ giữa bàn

Đã từng ngược Bắc xuôi Nam
Ngu ngơ chẳng thấy “khôn ngoan” quá thừa

Ngu ngơ ngú ngớ ngù ngờ
Ai kiếm ai chờ ai đợi ai mong?

(Nguyễn Đăng Hành, Tập thơ Hỏi, NXB Lao Động)
Nàng đưa cho tôi xem 37 lá thư tỏ tình của 37 chàng trai. Tôi đọc từng lá thư, rồi bảo Mơ: “Anh thấy chỉ có thằng Hảo văn hay, chữ tốt. Em nên lấy nó”.


Mơ rủ tôi cùng trốn khỏi làng. Tôi từ chối, trả lại nhẫn. Mơ khóc lóc chửi tôi là thằng hèn, không dám yêu Mơ.

Thú thực, không hiểu vì sao tôi luôn sợ gái đẹp. Tôi thấy gái đẹp thường lạnh, ít cảm xúc. Ở bên gái đẹp, mình như nô lệ. Những người đàn bà bình thường, thậm chí xấu, thường lại được ông trời cho thứ khác. Họ có sự gần gũi, nhiều cảm xúc và họ thường nâng niu người đàn ông.

Người đàn bà xấu chạy theo mình, nhưng đàn bà đẹp sẽ bắt mình chạy theo họ. Sẽ rất mệt mỏi với họ. Tôi có thể ngủ với Mơ, nhưng không thể rước một tiểu thư đài các về làng làm vợ, để rồi hầu hạ nàng. Tôi cần một người vợ thực sự. Để từ chối Mơ, để Mơ hết hi vọng, tôi bốc phét là sắp cưới Lụa, người đàn bà hơn 2 tuổi, mà tôi chẳng có chút cảm xúc nào.

Sau này, Mơ cưới Hảo thật. Có lần, tôi đang đi trên đường, gặp Hảo đèo vợ. Khi đó, Hảo đã là trung tá công an. Mơ nhảy xuống xe bắt tôi làm quen với Hảo. Mơ bảo: “Giới thiệu với anh, đây là anh Hành, người yêu cũ của em”. Tôi cười: “Mẹ bố nhà cô. Không chừa được cái tính hay đùa bỡn”.

Chia tay Mơ, để Mơ hết hi vọng, tôi đã nhận lời yêu Lụa. Mơ đã nhờ Băng, là bạn thân của Mơ, là cô gái con nhà đài các, danh giá nhất làng Bát Tràng gặp tôi, khuyên tôi đừng yêu Lụa, mà quay lại với Mơ. Tuy nhiên, tôi đã quyết và không thay đổi ý định của mình.

Ngày đó, Lụa là nhân viên nhà bếp của một xí nghiệp cũng ở Trâu Quỳ, cạnh công ty của tôi. Tôi đã nhanh chóng cưới Lụa, người đàn bà tôi không hề yêu, để trả thù đời, trả thù Hồng và chạy trốn cả Mơ nữa. Đây là quyết định sai lầm lớn nhất của đời tôi. Mối tình không tình yêu với người đàn bà này đã lại một lần nữa khiến tôi trượt dài trong đau khổ, cay đắng.

Một người vợ và những đứa con của nhà thơ Nguyễn Đăng Hành 

Trước khi cưới, tôi nói thẳng là không yêu Lụa. Không ngờ Lụa cũng bảo không có cảm xúc nhiều với tôi. Lụa là con người khô cứng. Gia đình tôi không đồng ý cho tôi cưới Lụa. Gia đình Lụa cũng kịch liệt phản đối Lụa lấy tôi.

Cuộc đời thật… ngược đời. Tuổi trẻ luôn có thói hung hăng. Hễ bị ngăn cản, thì càng quyết tâm thực hiện bằng được. Tôi và Lụa rủ nhau bỏ cơ quan đi Vĩnh Phú chơi. Chúng tôi lên nhà ông bố nuôi của tôi, ăn ở 3 ngày mới về. Đã thế, tôi lại cố tình rêu rao cho cả công ty tôi, cả xí nghiệp Lụa là chúng tôi đi chơi xa với nhau.

Ngày đó, trai gái gần nhau đã là chuyện tày đình, nói gì đến việc rủ nhau trốn đi chơi. Hai gia đình sợ hai đứa làm liều, chửa trước, thì khác nào bôi gio trát trấu vào mặt cả họ, nên đành chấp nhận cho cưới.

Nhà Lụa khá giả, nhà tôi giàu có, nên lễ cưới linh đình. Cưới xong, chúng tôi được cơ quan phân cho căn nhà nhỏ ở thị trấn Sài Đồng. Sống với nhau 5 năm, dù chẳng có tình yêu, không có chút cảm xúc, nhưng chúng tôi lần lượt sinh hai cậu con trai.

Thế nhưng, một ngày, Lụa bỏ nhà đi biệt tích, để mặc hai đứa con cho tôi nuôi. Suốt 15 năm trời, tôi vừa làm công nhân ở công ty, vừa mở xưởng mộc làm thêm để nuôi hai con khôn lớn.

Sau này, tìm hiểu, tôi mới biết, Lụa đã bỏ vào Nam. Lụa đã lấy liên tiếp 2 đời chồng. Một chồng là công an, nhưng có con thì bỏ nhau. Sau Lụa lấy một bác sĩ, nhưng bác sĩ đột tử khi đang tắm.

Thất bại trong hôn nhân, Lụa bỏ con ở miền Nam tìm ra Bắc. Lụa gặp tôi bàn tính bán nhà ở phố về ở cùng, nhưng tôi bảo: “Tớ rất thông cảm với Lụa, nhưng Lụa đừng bịp tớ lần nữa. Cả họ tớ quý Lụa, ghét tớ, chửi tớ, nhưng họ không hiểu Lụa, chỉ có tớ hiểu Lụa mà thôi”.

Bị tôi từ chối, Lụa càng căm tức. Lụa gặp mẹ tôi, bịa chuyện, kể xấu tôi bồ bịch, trai gái, đánh đập vợ, đòi cắt cổ vợ. Mẹ tôi tin lời Lụa. Tôi cũng không giải thích gì với bà. Cả đời bà chỉ coi Lụa là con dâu. Bà không chấp nhận bất kỳ người đàn bà nào khác. Bà phá mọi mối tình của tôi, khiến tôi không lấy được vợ.

Sau 15 năm bỏ nhà, bỏ con biệt tích, không những không nhận ra lỗi lầm, mà Lụa tìm mọi cách sỉ nhục tôi, hãm hại tôi. Người vợ ấy đã thuê giang hồ đến tận nhà dằn mặt, thậm chí định giết tôi. Lụa nhất định không ly hôn, không trả tự do cho tôi.

Người đàn bà ghê gớm ấy đã là cảm hứng để tôi viết cả một trường ca đau đớn. Người đàn bà ấy đã đang tâm bỏ rơi cả hai đứa con, khiến tôi mất hết niềm tin vào đàn bà. Tôi bắt đầu một cuộc đời trượt dài hư hỏng…

Còn tiếp…


Nguyễn Đăng Hành
Bình luận
vtcnews.vn