Từ 1/1/2015, TP.HCM thu phí đường bộ dành cho xe máy

Thời sựThứ Ba, 30/12/2014 02:15:00 +07:00

Các đại biểu HĐND TP.HCM vừa nhất trí 100%, thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc thu phí đường bộ dành cho xe máy kể từ ngày 1/1/2015 sắp tới

(VTC News) – Các đại biểu HĐND TP.HCM vừa nhất trí 100%, thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc thu phí đường bộ dành cho xe máy kể từ ngày 1/1/2015 sắp tới.

Sáng 30/12, HĐND TP.HCM khóa VII đã tổ chức kỳ họp bất thường, lần thứ 17 để thông qua một số tờ trình quan trọng của UBND TP.HCM.

Với 100% số đại biểu tán thành, HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua tờ trình thu phí sử dụng đường bộ áp dụng theo đầu phương tiện, đối với xe gắn máy trên địa bàn TP.HCM, bắt đầu từ ngày 1/1/2015.

Mức thu cụ thể như sau: Xe có dung tích đến 100 phân khối sẽ đóng 50.000 đồng/xe/năm, xe có dung tích từ 110 đến 175 phân khối sẽ đóng 100.000 đồng/xe/năm, xe có dung tích trên 175 phân khối sẽ đóng 150.000 đồng/xe/năm.

Đối tượng phải chịu thu loại phí này là các loại xe gắn máy, mô tô 2 bánh có biển số kiểm soát tại TP.HCM, kể cả các loại xe gắn máy có biển số tỉnh, thành phố khác, lưu thông tại TP.HCM nhưng chưa đóng loại phí này tại nơi đăng ký biển số.

Từ ngày 1/1/2015, TP.HCM thu phí đường bộ dành cho xe máy
100% đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua tờ trình thu phí đường bộ áp dụng cho xe gắn máy - Ảnh: P.L

Nếu phương tiện đã đóng phí đường bộ tại các tỉnh, thành phố khác thì không phải đóng tại TP.HCM nữa.

Đối tượng được miễn đóng phí này là các xe của lực lượng quân đội, công an, sinh viên – học sinh đang học tại các trường học đóng trên địa bàn TP.HCM, những người có công với cách mạng và thân nhân của người có công.

Về tỷ lệ phí để lại để thực hiện cho công tác thu, cấp độ phường thị trấn sẽ được giữ lại 10% để trang trải chi phí tổ chức thu theo đúng quy định, cấp độ xã sẽ được để lại 20% số phí thu được, số phí còn lại, sau khi đã khấu trừ cho các đơn vị thu phí thì được chuyển lại một phần cho UBND các quận huyện chi cho công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn.

Video: Khó khăn trong việc thu phí bảo trì đường bộ ở Hà Nội

Các trường hợp trốn tránh không nộp, hay nộp chậm phí đường bộ có thể bị xem xét xử phạt, nhẹ nhất là cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 1 đến 3 lần mức thu phí đường bộ bình thường, cao nhất là 50.000.000 đồng.

Người dân có thể đến UBND phường xã, thị trấn để nộp, hoặc cơ quan chính quyền sẽ cử cán bộ đến thu tận nhà.

Phát biểu kết luận tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nhấn mạnh: Các đại biểu HĐND TP.HCM và người dân rất quan tâm đến việc thu đúng, thu đủ, công bằng, công khai, minh bạch nguồn thu phí đường bộ này. Do đó, các cơ quan thực thi công vụ trong trường hợp này phải làm cho đúng theo luật quy định.

“Trong trường hợp quá trình thực hiện có phát sinh bất cập, vướng mắc, cần phải báo cáo về HĐND TP.HCM để có kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của TP” – bà Tâm cho biết.

Cũng trong kỳ họp bất thường cuối năm nay, HĐND TP.HCM đã biểu quyết, thông qua bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM, áp dụng bắt đầu từ ngày 9/1.

Như vậy, trong năm tới, TP.HCM sẽ có 19 quận huyện áp dụng giá đất dành cho đô thị đặc biệt, từ 1,5 triệu đồng/m2 tới 162 triệu đồng/m2. Có 5 thị trấn của 5 huyện áp dụng khung từ 120.000 đồng/m2 đến 15 triệu đồng/m2. Giá đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2014.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đã quyết định tăng mức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí cầu Phú Mỹ, tăng từ 1,16 đến 1,5 lần so với mức phí hiện tai. Mức thu này cũng chính thức áp dụng từ ngày 9/1.

Phương Linh

Bình luận
vtcnews.vn