Trường học - Xã hội thu nhỏ của con

Tổng hợpThứ Tư, 17/10/2012 09:30:00 +07:00

Ngày xưa khi Bin mới sang đây, 3 tuổi đi học, bị các anh lớp trên đánh, đâm xe đạp làm con ngã, đi học về vạch chân ra hai cái ống đồng đầy vết tím...

Vợ chồng tôi đi nghiên cứu sinh ở Pháp 4 năm và phải mang con trai theo. Ngày xưa khi Bin mới sang đây, 3 tuổi đi học, bị các anh lớp trên đánh, đâm xe đạp làm con ngã, đi học về vạch chân ra hai cái ống đồng đầy vết tím...

Con bị các anh nhổ nước bọt vào mặt và cười chế nhạo, nhưng con không hiểu thế là xấu, nên về nhà con nhổ nước bọt vào mặt mẹ và cười. Tôi vô cùng phẫn nộ, tại sao ở Pháp hệ thống giáo dục nhà trẻ, cô giáo không quan tâm đến con vậy?

Tôi quyết định đến giữa giờ chơi, đứng từ xa, nhìn con chơi với các bạn.Thấy các bạn xô đẩy, đánh con, tôi đau lòng lắm. Có những hôm đứng nhìn con mà nước mắt chảy dài, vừa thương con vừa tức giận, nghĩ đến việc đến gặp các tổ chức bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Tôi khóc vì nghĩ tại bố mẹ đi học, con phải đi theo, đến nơi đây con bé bỏng, lạc lõng với các bạn, con chậm hơn các bạn, không hiểu tiếng, nên hay bị các bạn lớn đem ra làm trò đùa.

Tôi đã cố gắng nói chuyện với cô giáo về vấn đề của con bị các bạn đánh, nhưng hình như tình hình không tiến triển, ở đây cô không phải người trông trẻ.

Tôi chỉ biết phân tích cho con là nhổ nước bọt vào mặt người khác là không tốt, con đi xe đạp phải cẩn thận không được ngã, còn không được xô đẩy, đâm xe đạp vào các bạn khác, các bạn mà đánh con thì con mách cô… nhưng nhìn chung là mọi thứ nói vào thời điểm đó cũng chẳng hiệu quả gì, đi học con vẫn về nhà với đấy vế thâm tím chân tay, mặt mũi.

Nhưng, khi tôi đề nghị chuyển trường, con tỏ ra không muốn, con vẫn muốn được học ở nơi con đang học. Đã 2 năm trôi qua, con đi học lớp lớn, tôi ngạc nhiên nhận thấy rằng con đi học rất vui, con đến trường có nhiều bạn tíu tít gọi tên con, con đi trên đường, có nhiều bạn vẫy gọi con. Không có rào cản về ngôn ngữ, con có những người bạn thân, mà chiều tôi đón con về, nếu bố mẹ bạn chưa đón, con không muốn về, con muốn ở lại chơi với bạn đến khi bố mẹ bạn đến đón, hoặc đề nghị mẹ gọi điện cho bố mẹ bạn ý đến đón. Con chỉ yên tâm ra về, khi con biết bạn cũng đã được đón. Con thích làm bánh, làm quà, tặng các bạn.

 
Tôi phát hiện ra rằng con đã tự mình làm chủ được cuộc sống của con ở trường, không cần mẹ can thiệp, nói chuyện với cô giáo nữa. Mà tôi thấy cái việc đó cũng có vẻ chẳng hiệu quả lắm.

Có lẽ, chính con là người phải tự tìm ra cách giải quyết vấn đề và học cách xử lý các mối quan hệ xã hội của con. Thực ra ở đâu cũng vậy, có người tốt, người xấu, có người thế này, có người thế kia. Mình nhìn thấy con người ta đánh con mình, mình thấy bực lắm, thấy đứa trẻ kia hư, không được giáo dục. Nhưng lúc nào đó khác, không có mặt mình ở đó, con mình lại đánh con người khác, người ta cũng nghĩ về con mình như vậy thôi.

Mỗi gia đình một cách dạy con, từ đó trẻ con lớn lên, mỗi người một tính cách, sau này đi làm, nhiều người tính rất khó chịu, tôi không thích tí nào, nhưng vẫn phải hợp tác. Nếu cứ vì không thích người này người kia mà bỏ việc thì quả thực rất khó sống. Làm sao dung hòa, chịu đựng được người khác, đó chính là nghệ thuật sống của mỗi người. Và có lẽ để thực hành nghệ thuật này thì cần phải có những bước tập từ khi còn bé. Và bước tập ấy đôi khi là để tự con xử lý các vấn đề trong chính cuộc sống của nó.

 
Nếu như một đứa trẻ quá được bao bọc ở nhà, lúc nào cũng được bố mẹ, ông bà chiều, chưa đòi gì, đã được cái đó đôi khi có vẻ khó chấp nhận việc phải chịu đựng, chờ đợi, nhường nhịn ai cái gì đó. Đó là lý thuyết, sách vở ở đâu cũng nói thế. Còn tôi thì nghiệm ra từ Bin là, quá trình thích nghi, tự học cách giải quyết vấn đề của con là một quá trình dài và liên tục. Quá trình này diễn ra rất chậm (có thể đối với Bin thôi) và thực ra luôn luôn phải cố gắng.Vì khi con thích nghi với môi trường của con rồi thì các mối quan hệ xã hội của con sẽ rộng hơn và con lại nhiều va chạm hơn, lại tiếp tục phải thích nghi, cứ như vậy con sẽ dần lớn lên.

Đẻ con ra đã khó, nuôi con càng khó mà dạy con thì khó gấp trăm lần. Nhưng tôi nghiệm ra, trong lúc dạy con bản thân tôi cũng phải mò mẫm để học, để thay đổi tư duy. Không ai kìm lòng được khi nhìn con ngã nhưng hãy nghĩ rằng, ngã là một kinh nghiệm tốt để con học được bài học tự đứng lên. Con cũng có xã hội thu nhỏ của mình, như bố mẹ vậy và ở đó con có thể tự học được cách ứng xử để thích nghi với cuộc sống. Bài học ấy, bố mẹ không thể làm thay con.

 Thơ Trang

 

Bình luận
vtcnews.vn