Trương Anh Ngọc và khoảng trống mênh mông ngoài sân cỏ

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 12:15:00 +07:00

“Phút 90++” là một góc ống kính ưa sục sạo của tay phóng viên thạo nghề, nhìn thật xa vào những khoảng tối mênh mông phía ngoài sân cỏ.

Lý do Trương Anh Ngọc đặt tên “Phút 90 ++” cho cuốn sách thứ hai, vì theo anh: 90 phút là thời gian cố định cho một trận bóng đá, trên khoảng sân cố định là 90 x 60 = 5400 m2. Dấu cộng thứ nhất vẫn diễn ra trong sân, có thể là 30 phút đá bù giờ với những hồi hộp đến nghẹt thở, là cách CĐV thể hiện mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của mình. Còn “Phút 90++” là một góc ống kính ưa sục sạo của tay phóng viên thạo nghề, nhìn thật xa vào những khoảng tối mênh mông phía ngoài sân cỏ, nơi đó là dân nghèo, là khu ổ chuột, là những điều chính phủ nước sở tại muốn giấu giếm đi trong tháng World Cup hào nhoáng…

 

Facebook sao, người hao hao làm vậy! 
Đọc Facebook của Trương Anh Ngọc, thấy mến hơn con người với nụ cười rộng mở và dáng vóc cao lớn rất thể thao này. Nếu như các cầu thủ chỉ đơn thuần cống hiến cho người xem những pha bóng đẹp, thì xét ở một khía cạnh nào đó, các bình luận viên cá tính và đa năng như Anh Ngọc lại góp phần quan trọng truyền lửa cho cổ động viên. Những giờ cuồng nhiệt cùng bóng đá trong ca bin nhỏ bé và nóng nực không chỉ đem đến tình yêu, thông tin về trái túc cầu, mà còn thể hiện cách đánh giá, nhìn nhận về con người, về xã hội thông qua câu chuyện bóng đá. Ngoài những sở thích cá nhân đặc biệt, Anh Ngọc dường như luôn đau đáu một trách nhiệm vô hình đối với bạn đọc. Đến đâu, anh cũng cố gắng ghi chép lại bằng chiếc máy ảnh ít khi ngừng hoạt động, những dòng note trong sổ ghi vội cảm xúc và dòng thông tin cuồn cuộn trôi chảy qua đầu, trên những chặng đường di chuyển liên tục của phóng viên thể thao. Lịch trình theo các trận đấu của Euro và World Cup đến nhiều vùng đất khác nhau, phải sắp xếp chỗ ăn chỗ ở, tìm đường sá, kết nối với cổ động viên…, bận rộn là vậy nhưng Anh Ngọc vẫn cố gắng lách thời gian, tìm ra những khoảng trống hiếm hoi để lang thang đến những nơi mà không phải phóng viên nào cũng đủ kiên nhẫn và dũng cảm đến. Vì thế, cuộc hành trình 10.000 cây số qua Nam Phi và Ukraina, qua một mùa World Cup và hai mùa Euro đã ra giúp cuốn sách này ra đời. 

 

Đến đâu, dường như Anh Ngọc tha thiết một nỗi niềm, làm thế nào để chuyển tải cảnh đẹp này, thực trạng này, nỗi buồn đau này, đời sống thiếu thốn, những số phận, chân dung vui buồn ở khắp nơi trên thế giới đến với độc giả tại Việt Nam. Không ai bắt anh phải làm nhiệm vụ người thư ký trung thành và đầy xúc cảm đó. Anh hoàn toàn tự nguyện. Mỗi bức ảnh được chụp là những ghi chú rất cẩn thận, chi tiết, tỉ mẩn và chính xác địa danh, thời gian, khoảnh khắc, và cả cảm xúc thu gọn ở thời điểm đó. Người đọc ngồi nhà, đọc Facebook của Anh Ngọc, có thể cảm nhận và hiểu được phần nào những tình huống, câu chuyện anh đã gặp, đã trải qua trong hành trình rất dài của mình. 
Cũng giống như khi đọc “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”, độc giả trước đó chưa từng yêu nước Ý hoặc hiểu về đất nước hình chiếc ủng này một cách mù mờ, cũng sẽ phải xiêu lòng trước tình yêu đậm sâu của Anh Ngọc. Đúng là qua lăng kính của tình yêu, một phong cảnh, một con người, một sự việc dù bình thường, giản dị nhất cũng đẹp đẽ và đáng yêu khác thường. Anh Ngọc là vậy, anh biết cách để thuyết phục người ta, nhờ tài quan sát thiên bẩm, những kiến thức phong phú đã học được qua trường đời và sách vở, cũng như khả năng kiên trì sục sạo vào mọi ngóc ngách mà anh tò mò trên đường: những quán bar nổi danh nhất, những nơi u buồn lẫn nghèo khó, những địa danh gắn với lịch sử vui buồn của các thành phố… 
Ấn tượng sau những trang sách là sức làm việc, sức viết dồi dào của một nhà báo thể thao quốc tế. Nhiều lần lao như điên cùng máy móc tác nghiệp lỉnh kỉnh trên sân bay, chạy đua tránh khỏi tử thần ở những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, Trương Anh Ngọc đã rút ra rằng: “Bạn sẽ chỉ biết đâu là giới hạn khả năng của mình cho tới khi thực sự đối diện với sinh tử”. 

 

Gọi sách du ký, là “oan” cho Anh Ngọc 
Sách du ký dừng lại ở mức đi đâu, làm gì, cảm nhận ban đầu ra sao, nhưng cuốn “Phút 90++” lại là một cuốn nhật ký hành trình giàu chất báo chí. Mở đầu cuốn sách, BLV Trương Anh Ngọc viết: “Tặng gia đình, bạn bè và những người muốn bước ra, hòa mình vào thế giới…”.  Từ thời thơ ấu, những nhà ga sân bay có một sức thu hút kỳ lạ với nhà báo Trương Anh Ngọc. Đó là ấn tượng về sân bay Gia Lâm còn sơ sài cách đây vài chục năm trong nhiều lần ra tiễn mẹ đi công tác dài ngày. Đó cũng là điểm khởi đầu, điểm khớp nối, điểm kết thúc của mỗi cuộc hành trình đưa anh đi xa theo các giải bóng đá sau này. Thế giới trong cuốn sách hiện lên phía sau hậu trường các giải Euro 2008, 2012 và World Cup 2010 của anh, với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam. Các sân vận động rực sáng, nhưng đôi mắt tác giả lại bị hút vào những khoảng tối mênh mông vây bọc lấy sân cỏ.  
Sự rạo rực khát vọng của các cổ động viên, mang theo ước vọng chứng kiến đội tuyển của mình đi xa nhất có thể, và mong muốn khám phá mọi ngóc ngách của đất nước mới mẻ. Và ngoài cổ động viên, những đội quân khác cũng theo dòng hải lưu World Cup chảy về các sân vận động, nhưng mang theo những khát vọng khác, thực tế và nghiệt ngã hơn. Đó là thế giới của những khu ổ chuột, của khó khăn, thiếu thốn phía sau hào quang sân cỏ. 

 

Binh đoàn gái gọi, những đứa trẻ nghèo và đại dịch AIDS 
Anh Ngọc đã thấy gì trong những khoảng tối ấy? Cô gái điếm Thái Lan trong đoàn quân hơn bốn mươi nghìn gái gọi tràn tới Nam Phi mùa World Cup, chắc chắn không phải để xem bóng đá. Địa ngục Khayelitsha nằm kề sát thiên đường Cape Town. Những đứa trẻ nghèo tương lai mờ mịt. Những ngôi làng chết gần nửa số dân vì HIV – AIDS mà nhiều người đến tận phút cuối đời vẫn không biết mình chết vì bệnh gì. Những người lái taxi hay ăn gian nhưng cũng rất cởi mở… Và suýt nữa, anh đã thấy cả Tử thần trong lưỡi dao của hai tên cướp đuổi giết anh khi liều lĩnh xuống xe chụp ảnh bọn trẻ chơi bóng. 
Hai năm sau, anh lại thấy một Ukraina giằng xé giữa hai bờ Đông – Tây, những người già đang bán đi chút tài sản cuối cùng khi không sống nổi với đồng lương hưu chết đói, hay cả một thế hệ thanh niên mất phương  hướng và lạc lối. Những cô gái Ukraina xinh như mộng nhan nhản trên đường và tràn vào các quán bar mỗi tối để tìm cách “học tiếng Anh” cũng như tìm cơ hội đến phương Tây hào nhoáng. Căn phòng giống hệt như khu tập thể Kim Liên thời bao cấp tại thủ đô Kiev mà tác giả ở trọ trong suốt một tháng diễn ra giải bóng đá, cùng những vật dụng từ thời chiến tranh Vệ quốc giống như cha ông ta thuở nào. Sự khác biệt, là nếu như các cựu chiến binh Việt Nam tự hào với huân huy chương đeo đỏ ngực và có kỷ vật để kể cho con cháu sau này, thì cựu chiến binh ở Ukraina đau lòng ra phố bán đi những kỷ vật cuối cùng để nuôi miệng ăn. 
Du ký theo kiểu Anh Ngọc, không chỉ là du ký báo chí, mà còn là du ký lịch sử. Anh tìm đến những địa danh lừng lẫy năm xưa ở các quốc gia, tìm ra sự thật hoặc cố gắng giải đáp những khúc mắc hay những điểm tối của lịch sử mà mình chưa biết, trò chuyện với người dân nhiều lứa tuổi để biết quan điểm riêng của họ. Nhờ đó, người đọc theo chân anh đã có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu đáng quý. Đọc những dòng anh viết cùng với tinh thần học hỏi thực sự, sẽ biết thêm nhiều điều. 

 

Nhưng cuốn sách của Trương Anh Ngọc tuyệt nhiên không chỉ là những câu chuyện đau thương. Ngòi bút của anh dẫu trần trụi và day dứt nhưng vẫn tráng lệ và mát lành một niềm vui sống, khát khao được sống. Một cậu bé bị down đứng trên đường phố Ukraina ngày ngày để giơ tấm biển quảng cáo dịch vụ vẽ mặt cho cổ động viên. Ánh mắt cậu bất động, không vui, không buồn, không xúc cảm. Nhưng xét theo một khía cạnh khác, cậu là người hạnh phúc vì không biết quá nhiều. Cậu không biết đủ nhiều để quên lãng, còn người cựu chiến binh đã biết quá nhiều, chỉ mong được quên và giải thoát khỏi nhọc nhằn mưu sinh trĩu đôi vai gầy. 

Đi như là sống! 
Trong mọi hoàn cảnh, những câu chuyện của Anh Ngọc vẫn luôn thấp thoáng nụ cười, niềm hạnh phúc được tồn tại trên cõi nhân gian, ẩn trong sự vĩ đại của thiên nhiên, trong nụ cười và mê say trên gương mặt những đứa trẻ da đen, trong những ước mơ ngô nghê của chúng, quên đi thực tế hàng ngày rằng một bữa ăn no cũng đã là xa xỉ; trong lời nhận xét bình dị của ông lái xe taxi ở Nam Phi rằng: “Mọi thứ ở đây chưa đến mức tồi tệ lắm. Một khi người ta còn biết chăm sóc sắc đẹp cho mình thì họ vẫn còn yêu đời lắm”. Đó là một triết lý sống đẹp có thể giúp độc giả vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc đời. 
Nói về sự lạc quan của Anh Ngọc, một người bạn anh, đạo diễn Việt Tú đã viết: “Nếu tin vào thuyết luân hồi, tôi nghĩ kiếp trước, Anh Ngọc chắc hẳn phải là người Bhutan, quốc gia Phật Giáo có chỉ số Hạnh Phúc cao nhất thế giới. Còn kiếp sau chắc chắn anh ta sẽ phải là Người Ý, quốc gia Địa Trung Hải có chỉ số Lãng Mạn cao nhất thế giới.” 
Trên những nẻo đường anh đã đi qua, Trương Anh Ngọc đã từ chối các cung đường an toàn cho khách du lịch. Anh đi con đường của một nhà báo, tự ý thức hết cạm bẫy hiểm nguy nhưng vẫn dấn thân, liều lĩnh nhưng cũng đầy tỉnh táo. Cuốn sách này, bởi vậy, đem lại cho ta những điểm nhìn và xúc cảm mà dù bàn chân ta trực tiếp đặt lên những vùng đất xa xôi kia, chưa chắc ta đã có thể trải nghiệm. Anh Ngọc nghĩ rằng nếu ta đi đến một đất nước nào mà luôn giữ trong mình định kiến rằng đất nước này là xấu xa, là tệ hại, chúng ta sẽ không nhìn thấy những cái đẹp ẩn giấu phía sau nữa. Nhưng dù có từng mạo hiểm, anh vẫn nhắc đi nhắc lại với bạn đọc của mình rằng, may mắn không mỉm cười với những kẻ liều lĩnh nhiều lần. Mỗi lần đặt chân đến một vùng đất mới, anh luôn tự tin là đã tìm hiểu đầy đủ những thông tin cơ bản và cả những nguy hiểm rình rập ở nơi mình đến. Anh gọi đó là cách đi bằng tri thức. 

 

Trên đường, Trương Anh Ngọc di chuyển bằng những phương tiện giao thông tổng hợp mà anh có thể thâm nhập. Có những lúc anh đi bộ, lang thang ở các khu phố, có lúc lại đi bằng taxi, tàu hỏa, ở toa hạng bét để được ngồi và trò chuyện cùng dân nghèo. Ngày mới và đêm thâu nối dài nhau trên những chuyến tàu chạy dọc Nam Phi, đi qua những vùng đen thăm thẳm lẫn những cảnh đẹp rực rỡ. Có lẽ vì thế mà nhà báo Hoàng Anh Tú – Anh Chánh văn của báo Hoa học trò đã gọi Trương Anh Ngọc là “nhà văn giỏi nhất trong số các bình luận viên, và là bình luận viên giỏi nhất trong số các nhà văn”. Anh có tư chất bẩm sinh của một nhà văn, một người kể chuyện có tài! 
Với “Phút 90++”, Anh Ngọc đã thể hiện sự say nghề của một nhà báo, với con mắt quan sát sắc sảo, thấm đẫm tình người, dù đứng ở Nam Phi rực nắng, trên thảo nguyên mênh mông của Ukraina hay dưới bầu trời Châu Âu rộng mở. 

Profile: Trương Anh Ngọc là một cái tên quen thuộc với những người yêu bóng đá, đặc biệt là bóng đá Ý. Anh cũng là phóng viên Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay được tạp chí bóng đá Pháp France Football mời tham gia bỏ phiếu trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng FIFA, danh hiệu cho cầu thủ và huấn luyện viên xuất sắc uy tín nhất của bóng đá thế giới. Từ năm 2012, những người yêu mến nhà báo, bình luận viên nổi tiếng này còn biết tới anh trong vai trò mới: một tác giả sách bán chạy với cuốn “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”. Nhiều lần tái bản liên tục và sách bán chạy đã khẳng định anh là một cái tên có nhiều sức hút với độc giả. Và tháng 10/2013 này, anh trình làng cuốn sách thứ hai, với ngòi bút sắc sảo hơn, chất báo chí cao hơn, sự đầu tư về hình ảnh kỹ càng hơn, trước khi lên đường nhận nhiệm kỳ làm việc mới tại Italia. Một kỷ niệm đẹp của Anh Ngọc với quê hương trước khi tạm xa nhà trong 3 năm tới, sang nhận cương vị Trưởng đại diện phân xã của Thông tấn xã Việt Nam tại Italia. 

Diệu Ngân

Bình luận
vtcnews.vn