Trung tâm NC PTC DTTS& MN tặng quà đầu năm học mớí

Giáo dụcThứ Bảy, 04/09/2010 06:07:00 +07:00

(VTC News) - Tổng giá trị tài trợ trao tặng cho trường tiểu học Xuân Lộc là 180 triệu đồng, bao gồm: 325 cặp sách, 325 bộ sách giáo khoa và 3250 quyển vở...

(VTC News) - Sáng 3/9/2010, trường tiểu học Xuân Lộc (Thường Xuân, Thanh Hoá) đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2010-2011 và đón nhận quà tài trợ từ Trung tâm nghiên cứu  phát triển  các dân tộc thiểu số và miền núi (TTNCPTCDTTS&MN) trường ĐHKHXH&NV – ĐHQHGHN.


Trường tiểu học Xuân Lộc đón nhận món quà tài trợ.

Tổng giá trị tài trợ trao tặng cho trường tiểu học Xuân Lộc là 180 triệu đồng, bao gồm: 325 cặp sách, 325 bộ sách giáo khoa và 3250 quyển vở viết cho học sinh toàn trường và 6 triệu đồng tài trợ cho các quỹ khuyến học tại địa phương.
Xuân Lộc (Thường Xuân, Thanh Hóa) là một trong những xã nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước. Trường tiểu học Xuân Lộc có tổng số 325 học sinh, 22 lớp thì có tới 311 em học sinh thuộc hộ nghèo. Đa số là con em các dân tộc thiểu số. Ngoài khu trung tâm, trường có 6 điểm trường nằm rải rác ở các thôn bản, mỗi điểm cách nhau khoảng 5km


GS.TS Trần Trí Dõi, giám đốc Trung tâm NCPTCDTTS&MN cho biết: Đối với đa phần các gia đình tại địa phương, việc mua sắm SGK cho con em là rất khó khăn. Trong khi đó, SGK không chỉ là phương tiện giáo dục, đảm bảo chất lượng giảng dạy, mà còn là công cụ để phổ biến kiến thức đại cương cho xã hội và nâng cao văn hoá đọc của cộng đồng.

GS Trần Trí Dõi cũng chia sẻ nhiều em học sinh ở  Xuân Lộc không thể đủ điều kiện mua đủ 1 bộ sách giáo khoa chứ đừng nói đến các sách tham khảo, sách bài tập. Mỗi em học sinh  được 1 chiếc cặp sách, 1 bộ sách và 10 quyển vở cho năm học mới sẽ rất thiết thực và ý nghĩa với các em!

Trò chuyện với các giáo viên trường tiểu học Xuân Lộc, chúng tôi được biết, có những em học sinh muốn đến trường  phải đi bộ khoảng 30km. Vào những ngày mưa lũ, nước suối dâng cao, đất đá sạt lở khiến các em học sinh không thể đến trường. Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, nhất là tại các điểm trường lẻ chưa có hệ thống nhà vệ sinh đảm bảo. Trường cũng chưa có giáo viên tiếng Anh và hiện vẫn chưa có một bộ máy tính và máy in để phục vụ công tác giảng dạy.

Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi là cơ sở phối hợp, liên kết một số ngành trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để nghiên cứu ứng dụng, tư vấn, phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trực thuộc ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN).

Trung tâm đang xây dựng “Quỹ Phát triển giáo dục Dân tộc và Miền núi” nhằm giúp đỡ giáo viên, học sinh sinh viên, các nhà trường ở vùng dân tộc thiểu số miền núi, góp phần thúc đẩy hơn nữa sự nghiệp giáo dục ở vùng lãnh thổ đặc thù này của Việt Nam.

Trung tâm đang chuẩn bị hướng tới việc xây dựng ngân hàng dữ liệu để cung cấp thông tin bách khoa về vùng miền núi và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như: tri thức bản địa của các dân tộc, phong tục tập quán, nếp sống, tôn giáo, tín ngưỡng, môi trường xã hội đa văn hóa …




Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn