Trọng tài Hà Anh Chiến bị xử, rồi còn ai nữa?

Thể thaoThứ Sáu, 13/05/2016 08:01:00 +07:00

“Nghề trọng tài Việt Nam nhiều khi muốn tử tế mà người ta không cho mình tử tế!”

Rất nhanh sau khi trọng tài Hà Anh Chiến bị tạm đình chỉ công tác vì sai phạm trên sân Thanh Hóa, các ủy viên Ban Trọng tài đã loại vĩnh viễn “vua sân cỏ” này ra khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp.

Việc ra tay “trảm” trọng tài Hà Anh Chiến được Ban Trọng tài thực hiện rất nhanh trước sự giận dữ của dư luận và các đội bóng. Thế nhưng vẫn chưa có cấp trên nào của ông Chiến trả lời cho những thắc mắc của dư luận vì sao lại có tiếng “còi méo” và với động cơ gì?
Trọng tài Hà Anh Chiến
Năm ngoái, trọng tài Chiến từng gây ra nhiều tranh cãi ở trận Thanh Hóa thắng đội khách HA Gia Lai khi bỏ qua tình huống Hoàng Đình Tùng dùng tay cản bóng trước khi ghi bàn. Mùa này, trọng tài Chiến mới lần thứ hai cầm còi tại V-League và lại “dây mơ rễ má” với chính CLB Thanh Hóa. Liệu đấy có phải chủ ý của Ban Trọng tài trong việc phân công trọng tài ở một trận cầu “nhạy cảm”?

 
Trong lúc đang nước sôi lửa bỏng như thế này thì năm ông thường vụ VFF, một người bệnh giao việc cho cấp phó, một người lo chạy việc nợ nần của công ty, còn ba thành viên còn lại thì đang ở… Mexico, trong đó có ông phó phụ trách bóng đá chuyên nghiệp lẫn công tác trọng tài.
 
Nói như cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng là xuống tay với một trọng tài như một con tốt thí nhằm xoa dịu dư luận là chưa sòng phẳng. Nó cũng giống với việc “đánh bùn sang ao” để che đi nhiều sai phạm ở vòng 9 V-League và cả những vòng trước nữa.


Sự cố trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi lên tiếng chẳng thấy gì bất thường về các trọng tài hay Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng nói trọng tài đang tốt lên…

Cái giá mà trọng tài Hà Anh Chiến đã nhận là quá đắt. Nhưng phần quan trọng hơn là cần phải làm sạch bộ máy điều hành.

Nhớ lại vụ ông Nguyễn Đức Kiên “trảm” hai trọng tài ở mùa giải 2013 do ông có bằng chứng về việc họ nhận tiền để thổi có lợi cho đội bóng. Lần này trọng tài Hà Anh Chiến bị cấm hành nghề ở các giải chuyên nghiệp có phải vì phạm lỗi tương tự? Hoặc ngược lại, nếu trọng tài Chiến sai sót đơn thuần là lỗi chuyên môn thì chính những người phụ trách và phân công nhiệm vụ cho ông phải làm rõ.

Cứ ngẫm lại hoàn cảnh trọng tài Nguyễn Xuân Hòa từng bị ép “bẻ còi” rồi khi tự trọng gác còi vĩnh viễn kể lại rằng: “Nghề trọng tài Việt Nam nhiều khi muốn tử tế mà người ta không cho mình tử tế!” sẽ thấy phần gốc của trọng tài kém hay trọng tài hư không ở cá nhân trọng tài.


Nguồn: PLO
Bình luận
vtcnews.vn