Triệu phú đô la Việt: Tiền không bao giờ là mục tiêu!

Kinh tếThứ Sáu, 14/01/2011 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Lãnh đạo Vndirect - công ty CK có vốn 1.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 về thị phần tại Sở Giao dịch CK HN, bà Hương tâm niệm: Nghĩ như voi,làm như kiến.

(VTC News) - Với bản thân vị Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vndirect Phạm Minh Hương, tiền không và chưa bao giờ là mục tiêu mà bà đặt ra. Điều quan trọng cần làm bây giờ đối với bà và chồng bà (cũng là một doanh nhân) không phải là kiếm được nhiều tiền mà là làm sao để tuyển dụng và đào tạo được những nhân sự xuất sắc cho VnDirect và IPA, “giúp họ cũng thành công như chúng tôi, trở thành triệu phú đôla trong tương lai".

“Hãy để ngày mai hãy tính” – Câu nói của Scarlett trong “Cuốn theo chiều gió” trở thành câu nói tâm đắc của bà ngay từ khi còn nhỏ, để rồi mỗi khi gặp thất bại, hay khó khăn, vị “phận nữ nhi thường tình” dám dấn thân thử thách trong lĩnh vực tài chính này luôn đọc như một câu thần chú, tự nhủ với lòng mình: Hãy bình tĩnh và luôn có giải pháp giải quyết cho sự việc đó.


Vừa qua, nhiều người quan tâm đến ngành chứng khoán ngạc nhiên khi bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vndirect - công ty có vốn 1.000 tỷ đồng trao quyền điều hành (tổng giám đốc) cho một thanh niên mới 24 tuổi.

Giao lưu với hơn 1.000 sinh viên kinh tế của các trường Đại học ở Hà Nội trong buổi gặp gỡ và trò chuyện “Bí mật của CEO”, bà Hương tiết lộ: Với bản thân bà, tiền không và chưa bao giờ là mục tiêu mà bà đặt ra. Điều quan trọng cần làm bây giờ đối với bà và chồng bà (cũng là một doanh nhân) không phải là kiếm được nhiều tiền mà là làm sao để tuyển dụng và đào tạo được những nhân sự xuất sắc, “giúp họ cũng thành công như chúng tôi, trở thành triệu phú đôla trong tương lai". 
 
CEO = “Phải nghĩ như con voi là làm như con kiến” + “Đừng sợ thất bại”

Là một người rất yêu mến sinh viên, chia sẻ xung quanh chủ đề kinh nghiệm làm giàu với tầng lớp thanh niên – những người trẻ tuổi, bà Hương nói rằng: Nếu như những người khác kiên trì và mơ về một hoài bão rất lớn thì bà lại đặt cho mình một mục tiêu ngắn, tại một thời điểm rất nhanh: “Phải nghĩ như con voi là làm như con kiến, cứ tiến dần, tiến dần, cứ làm và một lúc nào đó, bạn giàu lên mà không biết là mình giàu”.

Theo bà Hương, để thành công, may mắn là điều kiện cần nhưng không đủ. Sau khi đọc cuốn “Cha giàu, cha nghèo”, bà Hương rút ra một điều rằng: Phải làm thế nào đó để đạt được tới cảm giác: Tiền không còn là mục tiêu nữa, tức là phải đủ tiền để làm những gì mình mong ước. “Khi mong ước đạt tới độ cháy bỏng, lớn tới mức: mình có thể cảm nhận được mình nên làm gì, lúc đó bạn sẽ tìm ra cơ hội mà người khác không thể nhìn thấy”. 

 Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vndirect nhắn nhủ với sinh viên: Muốn thành công thì đừng sợ thất bại. (Ảnh: Hoàng Hà - VNE)

Trong cuộc đời, người ta thường chia ra làm nhiều giai đoạn: Từ 20 – 30 tuổi là giai đoạn tích lũy kỹ năng, tích lũy kiến thức và trang bị hành trang vào đời, từ 30 – 40 tuổi phải cố gắng để đạt mức độ ở “tự do tài chính”, từ 40 tuổi trở đi phải đủ tích lũy để không phụ thuộc vào công việc của mình, có nguồn thu nhập từ các nguồn đầu tư khác. Và cuối cùng, cái đích mà những nhà kinh doanh hay ngay cả những con người bình thường khác đều phấn đấu để đạt được đó là: Thực sự không phải lo về con đường tài chính, và “khi đã có đủ tiền tức là bạn đã giàu rồi” – bà Hương nói.

Để trở thành một người thành công trên thị trường chứng khoán, câu nói “dắt lưng” của tỷ phú Warren Buffett – người đặc biệt nổi tiếng trong đầu tư: “Hãy tham lam khi người ta đang sợ hãi và hãy sợ hãi khi người ta đang tham lam”, theo bà Hương là luôn luôn đúng như không đơn giản. Bà chia sẻ: “Không phải ai cũng có bản lĩnh làm khác đám đông vì đa số đều sợ thất bại nên luôn chọn những cái đám đông lựa chọn”. Trong chứng khoán, cơ hội và rủi ro rất gần nhau.

“Tôi rất sợ khuyên các bạn trẻ đầu tư mã ngành nào vì nó có thể là cơ hội của tôi nhưng không phải cơ hội của các bạn, cũng như là cơ hội của Warren Buffett chứ không phải của chúng ta, vì mỗi người có vị thế tài chính và sức khỏe  tài chính cũng như tầm nhìn tài chính khác nhau. Và nếu như, chúng ta không nhận ra điều đó, kết quả sẽ như dân gian đã nói: “Đốt chó nửa đường hết rơm” thì cũng không đi đến đâu. Do đó, quan trọng nhất là phải tích lũy đủ bản lĩnh, xem bạn cần cái gì, phải có kiến thức để vừa nhận biết được cơ hội, rủi ro vừa hiểu được mình là ai, hãy nghe bản thân mình, xác định điều bạn lựa chọn, nếu có bất kỳ điều gì đó xảy ra mà không ảnh hưởng tới cuộc đời bạn thì cứ thế mà làm” – Bà Hương chân thành nhắn nhủ.

Cơn bão khủng hoảng tài chính năm 2008 là một cú sốc lớn đối với bà và tất cả những ai quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Công ty chứng khoán của bà -Vndirect ra đời năm 2006, đúng lúc thị trường chứng khoán phát triển, “chúng tôi đặt nhiều mục tiêu lắm” nhưng tới năm 2008, gần như có lúc đã muốn bán công ty với giá 1 USD để làm sao mọi người nhận hết trách nhiệm cho mình. Cuộc khủng hoảng không chừa một ai, công ty còn quá non trẻ nên mọi người không thể đủ vững tin để ngồi lại với nhau. “Nhưng may mắn là: Tôi biết điểm dừng và quan trọng nhất là đặt mục tiêu đúng và phù hợp. Lúc đó chỉ cần sống và vượt qua được giai đoạn đó” – Bà Hương tâm sự về những khó khăn trong quá trình lãnh đạo doanh nghiệp.

Với công ty mới thành lập 2 năm, thất bại đầu đời đó là một tài sản vô cùng quý giá, đã giúp bà Hương nhìn nhận ra đường đi phù hợp hơn và tìm ra định hướng đúng đắn hơn. “Sau năm 2008, tôi xác định được là: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu thị trường có tồi tệ đến mức như thế nào cũng không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của chúng ta trong hiện tại thì bạn có quyền làm khác người khác và đủ kiên nhẫn chờ, chắc chắn bạn sẽ thành công”.

Tháng 2.2009, không ít chuyên gia còn nghĩ đến một sự hoảng loạn dây chuyền. Thế nhưng, bà Hương là một trong các lãnh đạo chứng khoán hiếm hoi tin tưởng vào sự hồi phục với lý do: "Kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đã xuống đến đáy rồi, chỉ có con đường đi lên thôi và thị trường chứng khoán cũng vậy".


Hàng nghìn sinh viên kinh tế từ khắp các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội đổ về tham gia giao lưu và đặt câu hỏi tìm hiểu kinh nghiệm làm giàu từ những CEO đứng đầu Việt Nam.(Ảnh: Hoàng Hà - VNE)

Ai gặp bà cũng bảo: “Sao lúc nào bà cũng nhìn thấy cơ hội ngay cả những lúc rủi ro, sóng gió”, trong buổi giao lưu với sinh viên, bà Hương bật mí kinh nghiệm: Phải biết cách lạc quan, luôn tin là mình sẽ làm được, nhưng để lạc quan được phải có bản lĩnh, để có bản lĩnh thì lại cần kiến thức và trải nghiệm thất bại. Đã từng trải và nếm nhiều đắng cay, bà khuyên các bạn trẻ: Đừng sợ thất bại.

“Trên thị trường chứng khoán, kiếm tiền rất nhiều và rất dễ nhưng sau một chặng đường dài, phải chiêm nghiệm sau 3 - 5 năm, họ còn lại gì… vì cuộc đời còn dài lắm, vì trong tài chính luôn đầy rẫy rủi ro, phải chấp nhận thất bại nhưng cố gắng thất bại nhưng đừng để ngã, và nếu ngã đừng để mình không đứng lên được” -  Điều tưởng như rất đơn giản nhưng theo bà Hương lại vô cùng khó thực hiện.

CEO = không sợ cô đơn, dám thử thách và chấp nhận thất bại

Được biết đến là một người phụ nữ luôn biết cách biến khó khăn thành thách thức, thay đổi để tự khẳng định mình, điều hành một công ty chứng khoán hùng mạnh, luôn nằm trong top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên thị trường, công ty đạt vị trí thứ 2 về thị phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và thứ 7 ở Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trong năm 2010. Cho tới tận bây giờ khi được hỏi về “bí mật của CEO”, bà Hương chỉ trầm ngâm trong giây lát rồi trả lời ngắn gọn: Phải chấp nhận sự cô đơn vì làm CEO phải hi sinh và từ bỏ rất nhiều trong cuộc sống. “Nếu được làm lại, tôi sẽ không làm CEO. Bởi làm Giám đốc lúc nào bạn cũng cảm thấy cô đơn, tôi luôn rất thích một bức tranh vẽ một người đàn ông dắt một con chó, một con chó dắt một đàn cừu, tôi luôn hỏi: vị trí CEO là đâu, CEO chính là con chó đó”…

Xuất thân từ Đại học Bách Khoa, tự hào là một sinh viên giỏi toán, sau khi ra trường, từ một giáo viên, người đàn bà này đã ngược dòng, dấn thân vào thị trường tài chính - chứng khoán, vượt qua lòng tham cũng như nỗi sợ hãi khi giao dịch cổ phiếu để trở thành một người thành đạt và danh tiếng như ngày hôm nay. Nhìn lại cả chặng đường mình đã đi, khi chia sẻ kinh nghiệm với các tầng lớp sinh viên, bà luôn nhấn mạnh, giục giã một điều thôi thúc: Hãy tự tạo cho mình một cơ hội để thay đổi. “Nếu thấy mình không phù hợp thì hãy mạnh dạn thay đổi, chứng minh là mình có đủ khả năng để thay đổi. Sự thay đổi đó sẽ tạo bản lĩnh cho mình. Nắm bắt và làm theo điều mình thích và tự tin rằng nó đúng”.

Kể về những ngày đầu tiên khởi nghiệp và lý do tại sao một “nữ nhi thường tình” lại bén duyên với lĩnh vực tài chính, vươn lên trở thành lãnh đạo một công ty tầm cỡ như vậy, bà Hương chỉ cười: Có lẽ đó là cơ may.

Theo chia sẻ của các CEO hàng đầu Việt Nam: Để cạnh tranh trên thương trường, cần phải biết  mình là ai và điểm mạnh của mình là gì? (Ảnh: Hoàng Hà - VNE)

“Khi mới đi làm, lương của tôi chỉ là 105.000 đồng/tháng”, sinh viên vừa tốt nghiệp Phạm Minh Hương phải lên lớp dạy học, cô cực kỳ bối rối với sự lựa chọn đầu tiên của mình. Cô giáo trẻ Minh Hương luôn luôn băn khoăn “mình chọn nghề này có đúng không”, luôn cảm thấy mình chỉ đọc sách và dạy lý thuyết nhưng không thể kiểm nghiệm thực tế những kiến thức mà mình giảng. Bên cạnh đó, cảm giác thiếu tự tin luôn ám ảnh Hương bởi “mình chỉ đi trước học sinh có nửa cuốn sách”. Có lẽ cũng vì lẽ đó, sau 4 năm làm cô giáo, Phạm Minh Hương quyết định tìm một công việc khác.

Một cơ duyên đã đến với Hương khi thi vào Citibank, với bằng kỹ sư, cô giáo Minh Hương trúng tuyển ngay vào vị trí Network Manager với mức lương 500 đô la. “Từ mức lương 105.000 đồng lên 500 đô la là một bước tiến khủng khiếp với tôi, đó quả là một điều may mắn. Công việc của tôi hàng ngày là cắm lại máy in, suốt ngày chui xuống gầm bàn của các nhân viên công sở và “chỉ toàn ngửi thấy mùi tất”, vì thế, sau một thời gian, tôi lại đổi việc” - Vừa tếu táo pha hài, bà Hương chậm rãi kể giữa hàng nghìn con mắt tò mò và chăm chú lắng nghe của sinh viên đang vây đông kín trong hội trường Đại học Kinh tế chiều hôm qua.

“Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao mình dám nhận vị trí đó (vị trí Country Treasurer, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường Vốn – một vị trí quan trọng tại ngân hàng nước ngoài), vì nó đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm và phải có một trách nhiệm nhất định, tương đối lớn lao. Có một bạn đến nói rằng: Em cần 400.000 USD, lúc đó, tôi cũng không biết lấy ở đâu ra số tiền lớn như vậy, “sếp” cũng không dạy, nhưng tôi nghĩ: Môi trường Citibank đã dạy cho tôi một bài học để thành công đó là: Dám tin, dám nhận trách nhiệm, thì sẽ luôn có cách giải quyết vấn đề. Và tôi chuyển sang lĩnh vực tài chính là vì thế”.

Sau đó, bà tiếp tục từ bỏ vị trí Country Treasurer tại Citibank - người mang lại lợi nhuận cho ngân hàng 40%, bà Hương gia nhập ngành chứng khoán với vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), vào tháng 9/2003, khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Thời điểm đó, VnIndex chỉ còn 137 điểm, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ vài tỷ đồng. Bà Hương đã dành toàn bộ số tiền tích góp của mình sau nhiều năm làm việc tại Citibank để mua lại cổ phần của một cổ đông sáng lập và một vài người khác tại SSI dù lúc đó niềm tin trên thị trường chứng khoán gần như kiệt quệ.

Cùng với các cộng sự, bà Hương đã gặt hái được nhiều thành công lớn trong một thời gian ngắn. Cuối năm 2006, rời SSI để thành lập Công ty đầu tư IPA và tiếp đó là Công ty chứng khoán Vndirect với vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng, bà Hương cũng như các cộng sự của mình quyết định thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào các công ty có triển vọng kinh doanh tăng trưởng bền vững nhưng giá thị trường giá thị trường chưa phản ánh hết vào giá, nhờ đó, công ty đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ và đưa vốn điều lệ của Vndirect đạt 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2010.

Bí quyết thành công của bà là luôn rất lạc quan và tin rằng: mình có thể làm được mọi thứ, thay đổi sau lại tốt hơn thay đổi trước. Sau tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời, bà nghiệm ra một điều rằng: “Tai nạn rồi thành cơ hội”, có thử thách để rồi thành công. “Cứ một cái vấp này thì lại là một cơ hội cho những bước đi tiếp theo” – Bà Hương nói.

Mặc dù, ngày nay, doanh nhân đã bắt đầu được tôn vinh nhưng với những gì mình đã hi sinh, “nếu được chọn lại, tôi sẽ không làm CEO nữa”. Lý giải cho điều này, bà Hương cho biết: “Để lựa chọn CEO, bạn không có nhiều lựa chọn, chỉ có một con đường duy nhất đặt mục tiêu chung làm sao cân bằng được tất cả các mối quan hệ. Đó là một sự hi sinh không nhỏ mà xã hội chưa ghi nhận hết”.

Trước khi chia tay với các bạn trẻ, bà Hương  vẫn không khỏi trăn trở: “Ở tuổi các bạn để biết mình biết gì, cần gì là điều không thể vì có biết nhiêu hoài bão mà bạn chưa có trải nghiệm…Muốn chọn ngành nào đó, hãy nhìn tiềm năng trong 5 năm tới chứ đừng nhìn trong hiện tại. Nếu có lời khuyên, tôi chỉ khuyên các bạn chọn lĩnh vực nơi mà có nhiều bạn bè – những người có thể theo bạn đi tiếp những quãng đường còn lại và cơ hội nào cho bạn tích lũy kinh nghiệm cho cuộc sống. Hãy tự khẳng định bản thân mình và chọn cái gì phù hợp nhất với mình theo đúng niềm đam mê và sở thích của mình…” - Hãy cứ đi rồi “để ngày mai hãy tính” như câu nói của Scarlett mà bà vẫn thích.

Tiểu Phương


Bình luận
vtcnews.vn