Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022

An toàn thực phẩmThứ Sáu, 17/12/2021 15:23:00 +07:00
(VTC News) -

Công ty CP Dược Phẩm FPT Long Châu và AstraZeneca Việt Nam vừa ký kết hợp tác nâng cao chuyên môn dược sĩ và triển khai chương trình giáo dục y khoa cho cộng đồng.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, cùng với mùa lễ hội sắp tới trên cả nước. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu...

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai Kế hoạch cụ thể, nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.

Triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 - 1

Tăng cường công tác truyền thông về ATTP

Công tác tuyên truyền cần phải được thực hiện trước, trong và sau thời điểm Tết Nguyên Đán và Lễ hội Xuân 2022, nhắm vào các đối tượng là chính quyền các cấp; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Đối với Chính quyền các cấp, các nhà quản lý, cần tăng cường phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội mùa xuân 2022, tuyên truyền các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các văn bản liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm; đưa tin kịp thời về các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước.

Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; đảm bảo các điều kiện bảo quản và chế biến các thực phẩm giò, chả, bánh chưng, bánh tét, mứt cổ truyền; sản xuất, kinh doanh rượu...; 

Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, các bảo quản giò, chả, canh măng, bánh chưng trong ngày Tết; tuyên truyền không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết; khai báo ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Triển khai kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm

Căn cứ yêu cầu công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm có văn bản hướng dẫn việc triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.

Mục đích của việc kiểm tra nhằm kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol;

Ngoài ra, việc kiểm tra góp phần đánh giá công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành từ tuyến tỉnh, huyện đến xã; đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; kiểm soát và xử lý nghiêm minh hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Việc kiểm tra cần đảm bảo thực hiện trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong quá trình kiểm tra cần kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

Kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và mùa Lễ hội Xuân 2022, bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; ngăn chặn và xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm vi phạm.

Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu.

Trong quá trình kiểm tra, các đoàn của tuyến trên căn cứ vào tính chất vụ việc và thẩm quyền để xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương (UBND hoặc thanh tra chuyên ngành về Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương), nơi có cơ sở được kiểm tra đóng trên địa bàn để xử lý theo quy định.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn