Không hộ khẩu, tôi có được coi là người Hà Nội?

Tâm sựThứ Sáu, 17/09/2010 06:43:00 +07:00

(VTC News) - Chẳng lẽ “người Hà Nội” được xác lập bằng một cuốn hộ khẩu, một cuốn sổ đỏ, bằng cái khoảnh khắc người ta cầm trong tay những giấy tờ vô hồn đó?

(VTC News) - Chẳng lẽ “người Hà Nội” được xác lập bằng một cuốn hộ khẩu, một cuốn sổ đỏ, và bằng cái khoảnh khắc người ta cầm trong tay những giấy tờ vô hồn đó hay sao? Còn tình yêu và cống hiến của những người như vợ chồng tôi cho mảnh đất này thì không được tính đến?

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung gió cát. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội là khi cùng bố khăn gói quả mướp ra thi đại học. Từ đó đến nay đã 7, 8 năm, từ một cậu sinh viên năm nhất ngu ngơ, đến giờ tôi đã đi làm và lập gia đình, tất cả đều trên đất Hà thành.

 

Tất nhiên, tôi yêu và tự hào về quê hương của mình, nhưng đối với tôi, Hà Nội giống như quê hương thứ 2, nơi đã giúp tôi trưởng thành, lập nghiệp và tìm thấy hạnh phúc. Vợ tôi cũng không phải người Hà Nội, nhưng cả hai chúng tôi đều xác định sống và làm việc lâu dài tại đây, con chúng tôi sau này cũng sẽ học hành tại Hà Nội.


Không phải người Hà Nội gốc, nhưng tôi yêu và gắn bó với mảnh đất này (Ảnh minh họa) 
 

Vấn đề là hiện nay, chúng tôi chưa đủ điều kiện mua cho mình một căn hộ, nên đang phải ở nhà thuê, và tất nhiên, chưa có hộ khẩu Hà Nội. Dĩ nhiên, tôi không dám so sánh với những người Hà Nội gốc mà cha ông họ đã có hàng trăm năm gắn bó với mảnh đất này; huống nữa, tôi cũng tự hào về quê hương gốc gác của mình, một mảnh đất tuy nghèo nhưng con người cần cù hiếu học, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài kiệt xuất.

 

Nhưng tôi có những người bạn cũng đến từ tỉnh ngoài, ở lại làm việc tại Hà Nội, họ có điều kiện hơn tôi nên đã mua nhà, nhập hộ khẩu, và như một lẽ tất yếu, từ khi nhập lại hộ khẩu, làm lại chứng minh thư, họ nghiễm nhiên trở thành người Hà Nội. Con cái họ sinh ra sau này sẽ nghiễm nhiên có hộ khẩu Hà Nội, nghiễm nhiên là “người Hà Nội”, với những thuận lợi hơn khi xin học, hay nhiều vấn đề khác sau này. Khi so sánh với những người bạn kể trên, tôi cảm thấy có chút chạnh lòng: chẳng lẽ “người Hà Nội” được xác lập bằng một cuốn hộ khẩu, một cái sổ đỏ, và bằng cái khoảnh khắc người ta cầm trong tay những giấy tờ vô hồn đó hay sao? Còn tình yêu và cống hiến của những người như vợ chồng tôi cho mảnh đất này thì không được tính đến?

 

Tôi thiết nghĩ, bên cạnh khái niệm “Hà Nội gốc” như một sự xác lập của lịch sử, niềm tự hào về cha ông, dòng họ, điều mà bất cứ người con ở bất cứ tỉnh thành nào, miền quê nào cũng nên có, thì khái niệm “người Hà Nội” cũng cần phải xác định dựa trên nhiều yếu tố khác, như là sự gắn bó của họ trong hiện tại và tương lai đối với Thủ đô. Cần phân biệt “người Hà Nội” và “người có hộ khẩu Hà Nội”, trong đó “người Hà Nội” phải được đo đếm bằng những yếu tố ít cơ học và vật chất hơn.

 

Đại lễ Nghìn năm đang đến gần, nhìn thủ đô thay da đổi thịt, tôi thấy mình cũng dự phần tự hào, nhìn những điều còn bất cập, tôi cũng thấy buồn như bất cứ người dân thủ đô nào khác. Nhưng có những lúc, tôi cảm thấy mình… vô duyên, khi vui buồn với những cái chẳng ai công nhận là của mình; và thỉnh thoảng một nỗi trăn trở lại dấy lên trong lòng: Tôi có được coi là người Hà Nội không?

 

Phạm Tuấn Anh

Bạn có từng trăn trở về ý nghĩ: "Thế nào là người Hà Nội"? Khái niệm này cần xác định bởi những yếu tố nào? Hộ khẩu Hà Nội có phải là điều kiện cần và đủ? Hay phải có một thước đo khác thuộc về tinh thần? Có phải tất cả những người đang sống và cống hiến cho Thủ đô đều xứng đáng được gọi là "người Hà Nội"? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] để vấn đề được nhìn nhận một cách toàn diện nhất. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn