Hát Quốc ca: Đừng để điều bình thường thành bất thường

Bạn đọc viếtThứ Ba, 11/05/2010 03:27:00 +07:00

(VTC News) - Chỉ có những ngón tay đưa lên thành ngôn ngữ ký hiệu thay cho lời hát không thể cất lên được nhưng vẫn chứa cả niềm tự hào dân tộc..

(VTC News) - Chỉ có những ngón tay đưa lên thành ngôn ngữ ký hiệu thay cho lời hát không thể cất lên được nhưng vẫn chứa cả niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ Quốc và nhân dân. Nhưng cũng có những cánh tay, đôi chân lành lặn vẫn ngồi im vô cảm trước lời hát hào sảng của bản Quốc ca nước nhà.

1. Năm 2008, tôi có dịp ghé qua ĐH An Giang đúng đợt trường này đang tổ chức Hội thi hát Quốc ca. Lúc đầu nghe có vẻ lạ, vì hát Quốc ca cũng được tổ chức thành Hội thi, mà đó không phải là lần đầu ở trường ĐH An Giang. Th.S Võ Quốc Thắng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là hội thi thường niên và đã diễn ra được 3 kỳ. Để chuẩn bị cho hội thi, mỗi đội phải chọn người và tập đội hình hàng tuần trời. Nói thế để thấy rằng việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, để mỗi công dân ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình qua một nghi thức luôn rất được coi trọng ở ĐH An Giang.

Mới đây ngày 29/3, Bộ Giáo dục & Đào tạo có văn bản yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục ở tất cả các cấp học phải hát Quốc ca trong lễ chào cờ thay bằng việc nghe nhạc hay nghe lời bài hát Quốc ca. Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "Đối với các trường phổ thông đến đại học, trong các lễ Chào cờ tất cả giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đều hát Quốc ca (có hoặc không có nhạc đệm). Hiện nay, ở nhiều nơi, mọi người đã không hát Quốc ca hoặc thay hát bằng việc nghe nhạc hay nghe lời bài Quốc ca trong lễ chào cờ. Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ”.

Ngay lập tức Báo điện tử VTC News có loạt bài phản ánh việc thực hiện theo yêu cầu của Bộ giáo dục & Đào tạo về việc hát Quốc ca trong lễ Chào cờ tại một số trường trên địa bàn Hà Nội. Và thật xúc động khi thu về từ trăm ngàn hình ảnh học sinh các trường có hình ảnh các em khiếm thính, khiếm thị tại hai trường THCS Xã Đàn và Nguyễn Đình Chiểu.

Cử chỉ bằng tay thể hiện lòng yêu đất nước khi thực hiện hát Quốc ca của các em học sinh khiếm thính trường THCS Xã Đàn (Ảnh: Quang Tùng) 


Đó là hình ảnh của những bàn tay, ngón tay biểu thị thay cho lời hát đã không thể cất lên thành tiếng, thành lời từ khuôn miệng khuyết bẩm của các em. Đó là những ánh mắt hướng lên cột cờ dù chưa một lần nhìn thấy lá cờ Tổ quốc. Các em đã hát bằng một ngôn ngữ riêng, bằng tất cả sự hăng say và có thể chỉ bằng thói quen khi nhận thức về lòng tự hào dân tộc mới chỉ được định hình trong một khái niệm giản đơn, cụ thể: Quốc ca.

2.Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc trong một lần trả lời phỏng vấn VTC News có hỏi: Sao người lớn không hát Quốc ca? Và rồi ông tự giải nghĩa. Có một điều như nghịch lý mà lỗi chính là ở người lớn: đó là trong khi các đối tượng thiếu nhi, học sinh đều hát Quốc ca thì một hiện tượng trở thành đặc tính của người dân hiện nay là rất ít khi hát Quốc ca. Điều đó thật đáng buồn! Hình như người ta cảm thấy cái đó chỉ là hình thức, không cảm thấy là nhu cầu.

Ông Dương Trung Quốc nói thêm: "Tôi nhớ trong cuộc họp với UBTƯMTTQ mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có nói, trong số những điều ông bức xúc chính là không hát Quốc ca. Chủ tịch nước kể câu chuyện khi ông đến một quốc gia Đông Âu, người ta cử nhạc Quốc ca hai nước thì Quốc ca nước ta không thấy hát, trong khi nước chủ nhà họ hát rất nghiêm túc, người đứng đầu nước bạn hỏi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết "Quốc ca các bạn không có lời à?". Qua câu chuyện, Chủ tịch nước nói đây là bức xúc phải được khắc phục vì đó là điều không bình thường”

Cũng vì “không bình thường” nên ở Hàng Đẫy cuối tuần qua, trong trận đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia giữa CLB Hà Nội ACB với CLB TP.HCM, trong khi phần lớn khán giả ở hai khán đài đứng dậy làm lễ Chào cờ và hát Quốc ca thì vẫn còn đó một số CĐV ngồi im vô cảm. Hôm đó là 30/4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày mà đáng ra chúng ta phải cất cao hơn thường lệ Quốc ca – Bản anh hùng ca về một dân tộc đã chiến đấu, hy sinh để có được độc lập như thế nào - cho dù chúng ta đang ở trong một sân chơi.


Hai "người lớn" ngồi vô cảm trước lời hát Quốc ca, trong lễ Chào cờ trong trận đấu giữa Hà Nội ACB và TP.HCM ở giải Hạng Nhất Quốc gia hôm 30/4 (Ảnh: Quang Minh)  

 

3. Quốc ca là một bài hát ái quốc ngợi ca lịch sử, truyền thống và đấu tranh của nhân dân, được chính phủ của một đất nước công nhận trong hiến pháp là bài hát chính thức của quốc gia. Cần phải hát Quốc ca bằng tinh thần trách nhiệm công dân, và hơn tất cả, bằng niềm tự hào dân tộc.

Trẻ con, thậm chí là những đứa trẻ chỉ với những ngón tay đưa lên làm ký hiệu thay cho lời hát không thể cất lên được nhưng vẫn chứa cả niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc và nhân dân. Vậy sao không ít người lớn, với những bàn tay, đôi chân lành lặn vẫn ngồi im vô cảm trước lời hát hào sảng của bản Quốc ca nước nhà?

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn