Trà Ô long Tea+Plus: Chất lượng Nhật Bản nằm ở đâu?

Kinh tếThứ Bảy, 23/01/2016 05:24:00 +07:00

In đậm dòng chữ "Chất lượng Nhật Bản" bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên vỏ chai, trà Ô long Tea+Plus đang khiến người tiêu dùng hoài nghi chất lượng

(VTC News) - In đậm dòng chữ "Chất lượng Nhật Bản" bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên vỏ chai, trà Ô long Tea+Plus đang khiến người tiêu dùng hoài nghi sau khi rộ lên thông tin về nguyên liệu của sản phẩm này được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chất lượng "Nhật Bản" nằm ở đâu?


Kể từ ngày 23/10/2012 - Công ty đồ uống lớn nhất Nhật Bản Suntory mua lại 51% cổ phần của PepsiCo tại Việt Nam và PepsiCo giữ 49% cổ phần còn lại. Đến ngày 4/4/2013, hệ thống nhận diện thương hiệu của PepsiCo tại Việt Nam đã được thay đổi với logo Suntory PepsiCo.
"Chất lượng Nhật Bản" được in đậm trên vỏ chai trà Ô long Tea+Plus
Công ty này cũng xác định đối thủ trên thị trường là các sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Công ty URC Việt Nam


Thị trường mục tiêu chủ yếu của Suntory PepsiCo là đối tượng khách hàng trên 16 tuổi, nên khi đưa sản phẩm trà Ô long Tea+Plus ra thị trường Việt Nam, công ty đã định giá sản phẩm tương đối thấp để gia tăng thị phần, nên sản phẩm phổ biến là chai trà 350ml có mức giá chỉ 6.000 đồng, chai dung tích 455ml có giá bán 8.500 đồng/chai.

Suntory PepsiCo kích thích khách hàng mua sản phẩm bằng cách đưa ra những lợi ích của trà mang lại như: giảm cholesterol, chống oxi hoá...Đặc biệt là dòng chữ “ JAPANESE QUALITY “ (chất lượng Nhật Bản) được in đậm bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên vỏ chai, trở thành thông điệp trong chiến lược truyền thông rầm rộ trên TV.


Tuy nhiên, theo tờ khai hải quan được mở tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thì nguyên liệu sản xuất trà Ô long Tea+Plus được nhập từ Trung Quốc, không phải từ Nhật Bản. Ngoài ra dây chuyền sản xuất của trà Ô Long có phải của Nhật Bản hay không cũng đang bị hoài nghi.

Tổng cộng, trong 6 tháng cuối năm 2015, Suntory Pepsico Việt Nam đã nhập từ Trung Quốc về Việt Nam 30.672kg bột trà Ô long .Tổng trị giá của tổng lô hàng trên là 1.272.365 USD. Địa điểm xếp hàng xuất phát là Hồng Kông (Trung Quốc)

Điểm cập bến ở Việt Nam là cảng Cát Lái, TP HCM. Các địa điểm từng được Suntory Pepsico Việt Nam lưu kho hàng là cảng Sài Gòn khu vực I, Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Không hề sử dụng nguyên liệu trong nước

Mặc dù các sản phẩm của Trung Quốc không hẳn là xấu, chất lượng kém nhưng tại sao PepsiCo Việt Nam lại có hành động mang tính che dấu và quảng cáo "mượn danh" trà đạo Nhật Bản? Mặt khác nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục đặt dấu hỏi liệu có "chuyển giá" hay không từ việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc?

Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu trà Ô long từ Trung Quốc thì người nông dân Việt Nam đang phải vật lộn tìm đầu ra cho nguyên liệu sản xuất sản phẩm này. Trả lời trên báo chí, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước đang tồn kho khoảng 2.000 tấn trà Ô long.


Lâm Đồng được biết đến là nơi có nhiều doanh nghiệp lớn thu mua trà Ô long như: Công ty TNHH Hà Linh, Công ty TNHH Fusheng, Công ty TNHH HaiYih, Công ty cổ phần chè Cầu Đất... Nhưng do xuất khẩu bế tắc nên hiện nay người dân và doanh nghiệp trồng trà Ô long tỉnh Lâm Đồng rơi vào cảnh lao đao.


Thậm chí, có nơi trà Ô long bán với giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với trước. Các doanh nghiệp trên liên tục ra thông báo hạn chế, tạm dừng thu mua nguyên liệu trà Ô long khiến người trồng chè gặp nhiều khó khăn.


Chưa có đơn vị nào xác nhận cung cấp trà nguyên liệu cho nhà máy của
Suntory PepsiCo

Tại sao PepsiCo không thu mua nguyên liệu tại Việt Nam để hỗ trợ người sản xuất tại đây mà lại phải nhập từ Trung Quốc? Ngoài nguyên liệu Trung Quốc, dây chuyền sản xuất Trà Ô long của PepsiCo có đảm bảo "chất lượng Nhật Bản" không?  


Trên trang cá nhân, Facebooker Nguyễn Thị Hương Giang (công tác tại công ty KPMG - TP.HCM) viết: "Cá với các bạn luôn là vô nhà máy các bạn sẽ không thể thấy kho chứa lá trà xanh, vì không thể để tồn kho lá trà tươi trong nhiều ngày, lá trà khô cũng chưa chắc có vì công tác bảo quản rất khó và không đủ chỗ chứa để sản xuất hàng ngày cả chục cả trăm ngàn chai"


Trước thông tin sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus của Tập đoàn Suntory PepsiCo Việt Nam được quảng cáo sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản nhưng nguyên liệu từ... Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết sẽ cho kiểm tra và sớm có phản hồi.

Việc công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam nhập nguyên liệu Trung Quốc để sản xuất mặt hàng trên nhưng lại công bố thông tin cho thấy hoàn toàn là công nghệ từ Nhật Bản có thể là hành vi giả mạo về nguồn gốc của nguyên liệu hàng hóa.


Thái Anh
Bình luận
vtcnews.vn