Trà đạo: Kết nối người việt trẻ

Tổng hợpThứ Tư, 27/07/2011 02:06:00 +07:00

... Họ gặp nhau ở niềm yêu thích trà đạo. Từ tình yêu trà đạo, họ đã kết nối cùng đi du lịch, đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Các thành viên CLB có người là bác sĩ răng hàm mặt, người là phóng viên, người là cán bộ tổ chức Phi chính phủ, người làm ngân hàng… nhưng họ gặp nhau ở niềm yêu thích trà đạo. Từ tình yêu trà đạo, họ đã kết nối cùng đi du lịch, đi biểu diễn ở nhiều nơi và hơn hết hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống.

 

Nơi gặp gỡ của những cảm xúc

 Văn hóa uống trà có ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản, uống trà không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức trà nữa mà đã trở thành một môn nghệ thuật trà đạo. Tuy nhiên, giờ đây, các bạn trẻ Việt Nam không còn phải mơ ước được sang xứ sở hoa anh đào để thưởng thức một chén trà nữa. Nhiều năm nay, CLB Trúc Diệp, sinh hoạt tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản - Hà Nội đã mở nhiều lớp học, tổ chức các buổi tọa đàm bàn về  trà đạo, biểu diễn pha chế và hơn hết mời trà những ai muốn một lần được thử vị trà đạo bằng chính dụng cụ, nguyên liệu đưa về từ đất nước của những samurai.

Hoạt động đã gần 4 năm nay, tuy nhiên Trúc Diệp thực sự được bạn trẻ biết đến từ năm 2010, khi bắt đầu mở chương trình tọa đàm về trà. Các buổi tọa đàm thường được tổ chức theo chủ đề về: bánh ngọt, nghệ thuật cắm hoa, làm gốm bát trà; hay thư pháp; các loại trà… Trước đó, Trúc Diệp được hình thành từ nhóm học trà đạo tại Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực trẻ đầu năm 2007. Sau 2 tháng, nhiều người từ bỏ, một số người có yêu thích có nhu cầu học tiếp. Cô giáo người Nhật là một chuyên gia khảo cổ tại Việt Nam đã mở lớp trung cấp đào tạo 2 năm liền cho các học viên.

Một phòng trà được bố trí đậm chất Nhật Bản truyền thống, với các vách ngăn gỗ liếp giấy, sàn trải chiếu, phòng treo tranh truyền thống, đặt bình hoa nghệ thuật. Gần 30 bạn trẻ nhanh nhẹn, nhẹ nhàng di chuyển chuẩn bị cho buổi tọa đàm về trà đạo. Thấp thoáng bóng dáng của các cô gái mặc trang phục kimono hướng dẫn các bạn khác đặt bánh, đặt hoa. Họ là các thành viên trong CLB Trúc Diệp. Điều đặc biệt, các thành viên CLB không ai học chuyênh ngành tiếng Nhật nhưng trong buổi tọa đàm, các dụng cụ, nguyên liệu pha chế đều được gọi tên bằng tiếng Nhật.

 Mỗi buổi tọa đàm thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ với hai phần, gồm giao lưu đặt câu hỏi của những người yêu trà đạo, muốn tìm hiểu về trà đạo và phần biểu diễn pha chế, thưởng thức trà đạo. Lần đầu tiên dự tọa đàm, có bạn hào hứng hỏi về tinh thần trà đạo, bạn khác lại hỏi về văn hóa trà đạo, có bạn hỏi về mua nguyên liệu, dụng cụ ở đâu, giá bao nhiêu tiền? Buổi tọa đàm sôi nổi trở lại không khí nghiêm trang khi 5 thành viên CLB Trúc Diệp bắt đầu bày đặt dụng cụ biểu diễn pha chế trà đạo. Được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ đầu nên chỉ chưa đầy 30 phút, từng bát trà xanh bốc khói được người pha đặt lên bàn mời người tham dự. Bên cạnh bát trà luôn có một chiếc bánh để khách ăn trước lúc thưởng trà. Không gian yên tĩnh, phảng phất hương trà dìu dịu, với những dụng cụ pha trà bé nhỏ nhưng rất tinh tế và cầu kì.

Khi mở lớp truyền tình yêu trà đạo cho người trẻ, 5 thành viên CLB đều trở thành cô giáo lớp sơ cấp. Sau lớp sơ cấp, ai muốn theo học sẽ học lên theo lớp của cô giáo người Nhật. Mỗi học viên khi mới đến với CLB đều được làm quen với trà đạo, được giảng những điều cơ bản nhất về trà đạo là gì, nguyên tắc đi đứng, tinh thần trà đạo, cách ăn bánh, uống trà tại phòng. Từ trước đến nay, CLB mở được hơn 5 lớp, đào tạo được gần 40 bạn trẻ. Tuy nhiên, CLB đã truyền tinh thần trà đạo đến hàng trăm bạn trẻ khác qua chương trình tọa đàm theo chủ đề hàng tháng. Hiện nay, CLB đều đặn sinh hoạt mỗi tháng 2 buổi. Một buổi, các thành viên sinh hoạt, luyện tập tự pha với nhau và 1 buổi tọa đàm mở rộng và biểu diễn trà đạo cho nhiều bạn trẻ khác.

 
   Trong phòng trà, cần có nhiều dụng cụ như bát, khăn lau, nồi pha trà, bình hoa, chiếu, nguyên liệu trà…Tuy nhiên, các dụng cụ đó phải gửi mua từ Nhật với giá cả đắt đỏ. Mai Hương cho biết, có những thứ như bánh ăn kèm hay thiếu bát đựng trà không có điều kiện chuyển từ Nhật về thì CLB phải đặt làm ở Hà Nội. Mọi người thường gọi vui là uống trà đạo trong bát gốm Bát Tràng là một bước Việt Nam hóa trà đạo Nhật.

Sau nhiều năm hoạt động, CLB liên tục được mời đi biểu diễn pha trà đạo tại các chương trình văn hóa của Nhật tại Việt Nam như: festival văn hóa Việt Nhật ở Hội An (Đà Nẵng), các sự kiện văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội… Khi được mời, dù bận rộn các thành viên CLB đều tích cực tham gia, sau khi kết thúc mỗi chương trình, Ban tổ chức thường tặng lại những dụng cụ hoặc các hộp trà. “Pha trà trong phòng trà, thưởng thức trà bằng chính dụng cụ, nguyên liệu của Nhật tinh thần khác biệt với pha trà đạo tại gia bằng dụng cụ made in Việt Nam”, Lê Yến Minh nói.

Đến nay, ngoài việc truyền niềm đam mê trà đạo cho hàng trăm bạn trẻ, các thành viên đã dịch 1 cuốn sách The book of tee, giới thiệu về trà hiện đã phát hành và bán ra thị trường.

   Không chỉ là một thú chơi…

 

 

Ban đầu, các thành viên CLB tự sinh hoạt bằng các buổi pha chế, thưởng thức trà với nhau. Sau khi một vài người biết đến và ngỏ ý xin theo học để tìm hiểu văn hóa trà đạo, CLB mới nảy ý tưởng mở lớp dạy pha trà rộng ra cho người trẻ. Mỗi lớp thường hút nhiều người, nhưng do pha trà đạo là môn nghệ thuật đòi hỏi sự kỳ công, sự tỉ mẩn nên không ít người đã bỏ cuộc. Lê Mai Hương, thành viên CLB cho biết: “Mỗi khóa học kéo dài 8 tuần và một tuần tốt nghiệp thường chỉ còn lại 5 đến 6 người. Họ thực sự tìm thấy niềm vui và tình yêu mới ở lại”. Mai Hương tính toán, để theo học trà đạo khá tốn kém vì nguyên liệu, dụng cụ phần lớn đều phải gửi mua từ Nhật, giá cả đắt đỏ. Ví như cái khăn lau dụng cụ giá gần 1 triệu đồng, nồi pha trà giá 6 triệu đồng…

Một trong 5 trưởng nhóm, Mai Hương có thâm niên 8 năm theo trà đạo. Hương chia sẻ, nhiều người thắc mắc về cách pha trà đạo quá nhiều nguyên tắc, chuẩn mực làm sao đủ kiên trì để ngồi 3-4 giờ đồng hồ liên tục chỉ để có bát trà. Hương và các thành viên CLB đều có chung câu trả lời, điều đó thể hiện tình yêu, niềm đam mê vả lại khi làm nhiều mình sẽ không thấy nó phức tạp, cầu kỳ nữa mà trở thành thói quen. Gắn việc uống trà với những nghi thức long trọng, những yêu cầu khắt khe về sự thanh khiết, người dâng trà muốn thể hiện sự tôn trọng đối với người được mời trà.

Các bạn học viên đến với trà đạo thường xuất phát từ tình yêu với... manga và anime. Thế nhưng, khi đã đam mê với nghệ thuật trà đạo, các bạn ấy lại càng muốn tìm hiểu thêm về văn hóa nước Nhật. Trước khi học, nhiều bạn thường bày tỏ sự tò mò muốn tìm hiểu văn hóa, muốn học để pha cho gia đình thưởng thức hoặc có bạn vì sắp đi học, đi làm tại Nhật. Bác sĩ trẻ Lê Yến Minh, một trong 5 thành viên CLB chia sẻ, cũng có bạn đến với lý do rèn luyện tính cách mềm mại, kiên trì. Điều này đúng, tuy nhiên để học được như vậy đòi hỏi phải trải qua quá trình rèn luyện, học hỏi lâu dài, chị Minh khẳng định.

Ngoài kiến thức phong phú và am hiểu tường tận với văn hóa Nhật Bản, để trở thành một người pha trà “lành nghề”, bạn phải rất chăm chỉ, tỉ mỉ và cẩn thận nữa. Để pha được một tách trà đạt đến độ thanh mát và có sắc xanh tinh khiết của một tách trà đạo “chuẩn”, bạn phải luyện tập trong một thời gian nhất định. Học pha trà có nhiều quy tắc như: ngồi quỳ, nói cảm ơn, gọi tên đồ dùng bằng tiếng Nhật, đi lại nhẹ nhàng thể hiện cốt cách, tnh thần của trà đạo… Nguyễn Diệu Linh, sinh viên ĐH Ngoại Thương cho biết: Ban đầu, Linh thấy khó nhất là quỳ gối suốt quá trình học và động tác lau dụng cụ tỉ mẩn. Nó đòi hỏi sự khéo léo ghê lắm”, cô chia sẻ.

Cuộc sống xung quanh vốn ồn ào với nhịp sống hối hả, tấp nập dường như dừng lại trong khoảnh khắc pha trà. Đó là khi tâm hồn, suy nghĩ đều tập trung hướng về các bước pha trà, nhờ thế mà người pha trà luôn cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhõm trong không gian dìu dịu hương thơm của trà. Việc học trà đạo đòi hỏi học viên phải có sự hiểu biết sâu sắc và khả năng cảm thụ được sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố trực giác và tinh thần. Chính vì vậy, học tập để trở thành một thầy giáo dạy trà là rất khó, đòi hỏi thời gian và sự say mê. Một học viên có thể học thuộc các bước cơ bản để thực hiện một buổi tiệc trà hoàn chỉnh sau ba năm, nhưng để trở thành một giáo viên dạy trà chuyên nghiệp thì việc học hỏi, tìm hiểu sẽ không bao giờ kết thúc.

Cho dù quy trình của buổi tiệc trà rất phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố, nhưng các bạn trẻ vẫn học. Họ cảm thấy rất thú vị  và xứng đáng. Mỗi buổi tiệc trà, theo hình thức nào đi nữa cũng luôn luôn góp phần làm cho con người quên đi những nhọc nhằn thường nhật, tâm hồn trở nên thanh thoát hơn và muốn hướng đến điều thiện hơn.

 Hương Rin

Bình luận
vtcnews.vn