Tóm sống hổ xám khổng lồ chuyên ăn thịt người ở Tuyên Quang

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 22/03/2015 06:07:00 +07:00

Nhóm thợ săn trói nghiến con cọp xám to như con bò, rồi xiên gậy vào khiêng tòng teng xuống thuyền dưới sông Lô.

(VTC News) – Nhóm thợ săn trói nghiến con cọp xám to như con bò, rồi xiên gậy vào khiêng tòng teng xuống thuyền dưới sông Lô.

Kỳ 3 (kỳ cuối): Tóm sống cọp dữ

Đang lúc cư dân xã Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang) muốn trả thù con hổ, thì ông Nguyễn Xuân, người trong làng Việt Hương bị con cọp thọt tấn công kinh hoàng.

Ông Xuân lên nương vào sáng sớm và bất ngờ bị con cọp vồ. Ông Xuân vốn là người khỏe mạnh nhất xóm. Khi đó, ông mới 30 tuổi, cao 1,8m, nặng 80, sức vóc hơn người.

Ông Xuân từng vật nhau với gấu rồi dùng dao quắm bổ chết con gấu ngựa nặng hơn tạ, vác về làng xả thịt chia cho mọi người cùng ăn.

Vì có sức vóc hơn người, nên ông chẳng coi hổ báo ra gì, khi mặt trời chưa lên, khi mọi người chưa dám ra khỏi nhà, ông đã lên nương làm việc.

Hổ thường bắt người lúc nhập nhoạng tối và sáng sớm, nên mọi người không dám lên nương, vào rừng sáng sớm và thường về nhà trước khi mặt trời lặn. Riêng ông Xuân thì không sợ.
Hổ xám thường trèo qua dãy núi này về xã Thái Bình 
Hôm đó, khi trời mờ sương, đang phát nương, thì con cọp thọt xông ra gầm gừ, rồi nhảy xổ vào tát ông Xuân. Sẵn dao quắm trên tay, ông Xuân tả xung hữu đột, liên tiếp tránh cú tát của nó, rồi vùng dao chém tới tấp về phía con cọp.

Con cọp trúng mấy nhát dao, song càng bị thương nó càng hăng máu, liên tiếp giương móng vuốt vả về phía ông. Nghe tiếng cọp gầm, người dân cùng bộ đội vác súng chạy về phía nương sắn nhà ông Xuân.

Khi mọi người đến, thì thấy ông Xuân đang đánh nhau với cọp, toàn thân bê bết máu. Nghe tiếng súng nổ, con cọp chạy tót vào rừng, biến mất hút.

Clip: Say rượu trèo vào chuồng thú bị hổ trắng vồ chết


Mọi người khiêng ông Xuân về làng chữa trị. Con cọp tát, cào khiến da thịt ông Xuân tơi tả, da lột nhiều chỗ, toàn thân choe choét máu me.

Mặc dù vậy, ông Xuân vẫn rất tỉnh táo, nói chuyện vui vẻ. Rất nhiều thầy lang trong vùng đến đắp thuốc, cứu chữa, nhưng vết hổ cào rất độc, khiến thịt thối, dòi bọ lổm ngổm bò trong da.

Khoảng nửa tháng sau thì ông Xuân qua đời. Anh trai ông Xuân, là ông Thập phải đào mộ rất sâu, vùi xác ông xuống, rồi đắp đá dày, cắm nhiều cọc nhọn, để hổ không moi xác lên báo thù.
Ông Phan Đình Mùi chỉ khe núi hổ xám thường về bắt người 
Theo lời ông Phan Đình Mùi, loài hổ biết báo thù. Nếu ai tấn công nó, thì nó sẽ nhớ dai, thù lâu và tìm cách sát hại. Nếu ai là kẻ thù của nó, thì dù chết rồi, nó vẫn moi xác lên ăn. Điều này không biết có đúng không, nhưng chuyện hổ moi xác người lên ăn, thì xảy ra như cơm bữa ở vùng Yên Sơn ngày xưa.

Hồi đó, người dân chôn xác khá sơ sài, chỉ bó chiếu rồi vùi xuống đất, chứ không đóng áo quan. Khoái khẩu của hổ là thịt thối, nên chúng thường tìm cách quật mộ moi xác người lên ăn. Nhiều gia đình bị mất xác người thân vì chôn sơ sài.

Bọn hổ thường mò về nghĩa địa, và thấy có đất mới đắp, là chúng biết mộ mới, liền đào lên ăn xác. Vì thế, người dân vùng Yên Sơn thời điểm đó phải đào huyệt rất sâu, rồi đắp nhiều đá tảng lớn bên trên, tránh việc hổ ăn mất xác.

Thời điểm những năm 50 thế kỷ trước, chiến sự với Pháp khá ác liệt. Bộ đội đóng trên này cũng nhiều. Đường mòn qua xã Thái Bình cũng là con đường hành quân lên Điện Biên. Ngay cả bộ đội cũng bị hổ vồ ăn thịt.

Hổ thường núp bên đường mòn rình mồi để vồ. Nếu gặp đông người thì nó bỏ đi, thấy một người là nó xông ra chụp.
Bà Lê, người bị hổ xám cắn rách chân 
Bấy giờ, ở trong làng Việt Hương có một kho quân lương, nằm trong núi, cách bờ sông Lô khoảng 1km. Có 4 đồng chí bộ đội trong giữ kho quân lương này.

Thế nhưng, vào năm 1957, một đồng chí bộ đội, không rõ người ở đâu, đã bị con hổ thọt vồ, tha vào rừng mất xác. 3 đồng chí bộ đội còn lại, cùng dân quân vào rừng truy tìm mà không thấy xác đồng chí kia đâu, chỉ thấy dấu chân con hổ thọt và dấu máu.

Tin hổ thọt khổng lồ ăn thịt nhiều người dân, bắt cả bộ đội để ăn thịt lan truyền rộng rãi. Người dân Việt Hương đã gửi thư về Hà Nội, đề nghị trợ giúp bắt con cọp khổng lồ chuyên ăn thịt người.

Clip: Hổ tấn công người và voi giữa cánh đồng


Đầu năm 1958, một đoàn cán bộ từ Hà Nội đã lên làng Việt Hương làm công tác tiêu diệt con cọp. Đoàn diệt cọp có 5 người, có nhiều súng ống, cạm bẫy.

Ngày xưa, vùng nào có cọp dữ, hay về bắt người, thì đoàn diệt cọp sẽ tìm đến giúp dân. Đoàn diệt cọp này đặt bẫy ở khắp nơi. Đêm họ kéo vào rừng dựng chòi để bắn cọp. Các đường đi lối lại trong rừng đều giăng bẫy.

Người dân đi lại, thấy có biển báo: “Chú ý có cạm beo”, thì vòng tránh đường khác, kẻo cạm bập đứt chân. Ở mỗi cạm beo, đều nhốt một con chó làm mồi. Cọp thấy chó xông đến quắp, sẽ dính bẫy. Đoàn diệt hổ săn lùng suốt mấy tháng trời, diệt vô số hổ, nhưng vẫn không giết được con cọp thọt chân.
Nơi ông Xuân đánh nhau với hổ 
Ông Phan Đình Mùi nhớ lại: “Hồi đó là tháng 6 năm 1958, sáng sớm tinh mơ, tôi bị đánh thức bởi tiếng hùm gầm vang động cả núi rừng. Tôi chưa bao giờ nghe tiếng hùm kêu to như thế. Lát sau thì nghe tiếng chân người chạy rầm rập, rồi tiếng la hét đã tóm được hùm lớn. Thấy vậy, tôi cũng chạy theo.

Chạy đến gần khe Cửi, thì đã thấy mấy ông thợ diệt hùm trói nghiến 4 chân con hùm lại. Tôi đến gần, thì kinh hãi nhận ra chính là con hùm thọt. Con hùm này đã bị dính bẫy. Giời ạ, con hùm to như con bò, dài ngoẵng, lông vàng xám. Đúng là một chân sau của nó teo lại, nhỏ hơn các chân khác.

Mấy thợ săn hùm xiên gậy vào chân, rồi mọi người khênh tòng teng nó xuống thuyền ở sông Lô. Bắt được con hùm thọt rồi, họ cũng thu hết đồ nghề xuôi về phía hạ lưu. Sau đó, tôi không biết thân phận con hùm ăn thịt bao nhiêu người ấy ra sao, nhưng chắc là nó bị án xử tử”.

Cũng theo lời ông Phan Đình Mùi, sau khi tóm được con cọp thọt khổng lồ, thì ở làng Việt Hương không ai bị cọp ăn thịt nữa. Thi thoảng cọp vẫn từ đại ngàn hoang rậm Trung Sơn mò về bắt trộm trâu bò của dân, nhưng không dám bắt người. Có lẽ, loài mãnh chúa rừng xanh đã biết sợ con người.

Giờ đây, tuy Trung Sơn vẫn còn rừng rú rậm rạp, nai hoẵng vẫn tác, thi thoảng thợ săn vẫn tóm được gấu, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng cọp.

Mãnh chúa rừng xanh chỉ còn trong những câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa. Dù chúng không còn nữa, nhưng chuyện về chúng vẫn khiến người dân nơi đây gai cả người.

Video bị hổ vồ khi đang biểu diễn

Dương Phạm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn