Tội phạm ngày càng trẻ hóa và phạm tội nghiêm trọng

Pháp luậtChủ Nhật, 23/10/2011 03:02:00 +07:00

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng cục CS phòng chống tội phạm đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý hơn 22.000 đối tượng, trong đó 75% là thanh thiếu niên.

Theo tổng kết sơ bộ của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh thiếu niên. Điều đáng nói là so với những năm trước, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội cũng như tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn.

Những vụ thảm sát kinh hoàng

Vụ thảm sát tại tiệm vàng Bắc Giang đã qua hơn 2 tháng nay vẫn khiến cho dư luận chưa hết bàng hoàng, căm phẫn. Hung thủ của vụ án khủng khiếp này là một đối tượng chưa đủ 18 tuổi - Lê Văn Luyện. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ phạm tội của một bộ phận người trẻ, cùng những hành vi gây án ngông cuồng, manh động đang dấy lên sự lo ngại về tình trạng gia tăng bạo lực trong giới trẻ.

Tội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn hành vi phạm tội 

Tại huyện Đức Cơ (Gia Lai), mới đây anh Hồ Đình Tân 22 tuổi đã bị một học sinh lớp 10 dùng dao đâm nhiều nhát gây tử vong ngay tại chỗ.

Vụ án này xuất phát từ chuyện rất nhỏ: chiều 3-9, anh Tân tới một quán karaoke hát, uống bia và gặp nhóm của Long tại quán. Anh Tân đã mời Long và các bạn của Long uống bia nhưng Long từ chối khiến hai bên lời qua tiếng lại, giằng co trong quán.

Vụ việc tưởng như được giải quyết xong, hai bên đã “hạ nhiệt” khi có người vào can ngăn. Rời quán karaoke, anh Tân cùng ba người bạn đi ngang qua trường THPT Lê Hoàn thì gặp lại Long, tại đây anh Tân hỏi Long: “Sao chú còn nhỏ mà hỗn với anh?”, Long không trả lời, rút dao trong cặp đuổi đâm anh Tân túi bụi cho tới khi anh gục ngã.

Người dân sống trên đường 17, P.Tân Quy, Q.7 (TP.HCM) đến nay vẫn còn sợ hãi khi nhắc về câu chuyện xảy ra từ giữa tháng 7, một cô gái mang theo cây xăm gõ cửa nhà ông Phạm Văn Năm (68 tuổi), vừa thấy ông mở cửa cô gái này đâm ông gục ngã ngay tại chỗ. Con gái ông Năm thấy vậy la lên kêu cứu rồi chạy ra ngoài hòng trốn thoát, tuy nhiên cô cũng bị hung thủ đâm nhiều nhát cho tới khi người dân nghe tiếng ập vào khống chế, bắt giữ.

Người bị bắt là Hồ Thị Bích Phương (25 tuổi, ở Q.4). Phương khai chỉ vì có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, quan hệ giữa Phương và con gái ông Năm, Phương đã tức giận, mang theo hung khí tới “xử” cha con ông Năm cho hả giận.

Hay vụ Võ Ngọc Tú Anh bị sát hại ngay tại một khách sạn trên đường Hồng Hà (TP.HCM) ngày 25-5-2011, mà thủ phạm không ai khác chính là người yêu cũ của cô, chàng thanh niên 19 tuổi Châu Tấn Việt vì mẫu thuẫn tiền bạc.

Một vụ án khác gây chấn động tỉnh Hà Giang vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Tân Mão vừa rồi mà thủ phạm là hai anh em họ Nguyễn Văn Đế (25 tuổi) và Nguyễn Văn Nội (19 tuổi) - đều trú tại xã Phương Độ, tỉnh Hà Giang.

Chỉ trong một đêm, hai kẻ côn đồ này đã sát hại cả một gia đình 3 người là anh Đặng Thành Đông (43 tuổi), chị Dư Thị Yên (39 tuổi) và con gái Đặng Thị Huyền (15 tuổi) hòng cướp tài sản. Tháng 5-2011, tại quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra vụ trọng án khiến một cô gái bị bắn chết giữa đường khi đang ngồi trong xe taxi mà nguyên nhân chỉ vì số nợ 10 triệu đồng.

Điểm qua những vụ án trên cho thấy một thực tế đáng lo ngại là các vụ giết người, đối tượng đều còn rất trẻ, có đối tượng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hành vi giết người hết sức dã man, côn đồ mà động cơ  đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, 6 tháng đầu năm, trong khi mức độ phạm tội chưa có dấu hiệu giảm thì số lượng thanh niên vi phạm pháp luật đã gần xấp xỉ so với năm ngoái.

 

Nạn tự tử, hút, lắc, và “bay”, bỏ học, bỏ nhà đi hoang, tập hợp thành băng nhóm, gây án lấy tiền thỏa mãn những cuộc vui, cơn nghiện ngày càng phổ biến. Những đối tượng này phần lớn đều ở độ tuổi… học sinh. chỉ vì những xích mích nhỏ, lòng tham, tính hiếu thắng mà sẵn sàng đánh nhau, uy hiếp, cướp giật.

Nguyên nhân do đâu?

Là người đã trực tiếp chỉ huy lực lượng cảnh sát hình sự đấu tranh với các loại tội phạm hình sự tại địa bàn trọng điểm, Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Nội cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng là đạo đức xã hội đang xuống cấp.

Lớp trẻ hiện đang bị “đầu độc” bởi quá nhiều thứ văn hóa nghe nhìn, giải trí có nội dung kích động bạo lực. Chỉ cần bật các kênh truyền hình được cấp phép hoạt động cũng thấy hàng ngày đang có quá nhiều phim bạo lực. Rồi Internet, game online có nội dung bạo lực tràn ngập.

Đây chính là nguyên nhân xã hội đang từng giờ từng ngày tác động tới tâm sinh lý của một bộ phận thanh thiếu niên. Bởi ở độ tuổi đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, khi tiếp cận với quá nhiều thứ giải trí bạo lực sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động.

Bên cạnh đó, ma túy tổng hợp gây ảo giác cũng là một nguyên nhân khiến gia tăng các vụ trọng án.

Xét ở một góc độ khác thì vai trò giáo dục của nhà trường và xã hội đối với giới trẻ hiện nay có phần mờ nhạt nếu như không muốn nói là buông lỏng. Có vẻ như nhà trường tập trung vào nhồi nhét kiến thức chạy theo thành tích nhiều hơn là dạy các em về nhân cách, về văn hóa ứng xử, về trách nhiệm công dân đối với xã hội.

Phương pháp giáo dục truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn” của nền giáo dục xưa giờ đang bị coi là lỗi thời, lạc hậu. Điều đó dẫn đến một hệ quả là cho ra lò những sản phẩm giáo dục méo mó về nhân cách.

Một bộ phận giới trẻ sống nhạt, thờ ơ vô trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa ứng xử xuống cấp thảm hại. Ranh giới giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, trên - dưới đã không còn mực thước. Khiến cho giới trẻ không có những “tấm gương” để học tập và dễ dàng bị tác động bởi những thứ văn hóa ngoại lai.

Song điều quan trọng nhất là sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình. Nếu các bậc phụ huynh quan tâm đến con sẽ biết con học hành ra sao, quan hệ bạn bè thế nào. Hiện nay, nhiều cha mẹ rất giỏi kinh doanh và cứ nghĩ cho con tiền tiêu thoải mái là quá đủ. Nhiều bố mẹ khi cơ quan công an gọi hỏi thì mới ngã ngửa ra rằng mình toàn cho tiền để con đi chơi chứ không phải là đi học.

Theo TS tâm lý Nguyễn Thu An, việc nhận ra những điểm khác thường của con trẻ là rất quan trọng. Nếu thấy con mình hay đóng cửa phòng một cách bí mật, gọi điện thoại, một số hành động lạ nhiều hơn bình thường thì cần quan tâm, theo dõi. Nhất là với lứa tuổi 14, 15, 16 các bậc phụ huynh cần phải biết con mình chơi với ai, chơi như thế nào để có những định hướng cần thiết.

 

Khi một đứa trẻ không được giáo dục, không còn biết sợ vì bị bố mẹ đánh đập quá nhiều đến mức chai lì thì các em sẽ hành động theo quán tính. Tiếp xúc với phim ảnh bạo lực, với hành vi bắn giết vô tội vạ trên game được mô tả một cách kỹ lưỡng, lại có khả năng kiềm chế kém nên khi gặp những tình huống thật ngoài đời sống các em dễ bị kích động và hành xử theo quán tính, chém giết như lúc đang chơi game.

Một số phạm nhân phạm tội giết người bị nghiện game online mà nhóm nghiên cứu tiếp xúc cho biết cách hành xử bị ảnh hưởng nặng bởi game. Khi bị tấn công thực ngoài đời các em tưởng tượng ngay đến cảnh trong game và hành xử như cách mình làm trong thế giới ảo.

Chúng ta thường lên án và kiểm soát chặt chẽ văn hóa phẩm đồi trụy vì nó tác động xấu đến giới trẻ, nhưng những trò chơi, đồ chơi mang tính chất bạo lực không được kiểm tra đúng mức.

Luật sư Phạm Hồng Hải (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho biết, giải pháp tối ưu phải tạo “công ăn việc làm” cho trẻ. Khi con người ta được học hành hoặc có việc làm thì rõ ràng thời gian để có thể làm những việc không có ích, những việc bất lợi cho xã hội sẽ không có, hoặc hiếm hơn.

Tuy nhiên để hiện thực hóa điều này không phải dễ. Vậy vấn đề ở đây chính là cách giáo dục và quản lý con em của từng gia đình.

Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại hiệu quả gắn kết của “tam giác”: gia đình - nhà trường - xã hội. Gia đình, đặc biệt là cha mẹ, những người quyết định trực tiếp đến sự trưởng thành và nên người của các em. cần quan tâm đúng mức đến nguyện vọng của con trong từng giai đoạn trưởng thành, cho các em con đường học tập rộng mở để các em không bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi bạn bè và Internet.

Khung hình phạt đối với trẻ vị thành niên cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều tội phạm phạm tội có tính chất man rợ, giết nhiều người cùng lúc nhưng vì chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu mức án cao nhất là tử hình hoặc chung thân.

Đây cũng là kẽ hở khiến tội phạm lợi dụng. Vì vậy, bên cạnh việc “phòng ngừa” là tạo dựng những môi trường sống tốt cho giới trẻ thì cũng cần những hình phạt đủ để răn đe đối tượng phạm tội. Đối tượng phạm tội trẻ hóa đang ngày càng gia tăng, đã đến lúc các nhà làm luật cần tính tới sửa đổi bổ sung điều luật liên quan đến tội phạm vị thành niên để phù hợp với tình hình thực tế.

 
Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã nghiên cứu về tội phạm giết người trong giai đoạn từ tháng 1-2009 đến     9-2010 với trên 4000 phạm nhân đang thụ án tại 4 trại giam thuộc Bộ Công an quản lý. Kết quả cho thấy: 14% đối tượng có độ tuổi từ 14 - dưới 18,41% có độ tuổi từ 18 - dưới 30,34% có độ tuổi từ 30 - dưới 45,8% các độ tuổi còn lại.

Hoàn cảnh gia đình tội phạm là: 11%  tội phạm có bố mẹ ly hôn, 29% số bố mẹ không đáp ứng nhu cầu của các em như ăn ở, giáo dục, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và giáo dục, 45% do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con cái. 


TheoMai Hà/An ninh thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn