'Tôi có nhiều thuận lợi khi từng làm Phó thủ tướng'

Thời sựThứ Bảy, 06/08/2011 10:24:00 +07:00

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc từng đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng sẽ giúp ông có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đảm nhiệm tốt cương vị mới


Tại cuộc họp báo quốc tế chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc từng đảm nhiệm cương vị Phó thủ tướng sẽ giúp ông có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đảm nhiệm tốt cương vị mới.

Ngay sau khi bế mạc phiên họp thứ nhất của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn đã chủ trì buổi họp báo và trả lời câu hỏi của phóng viên.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân
tại buổi họp báo. Ảnh: Tiến Dũng
 


- Ông từng làm Phó thủ tướng thường trực nay chuyển sang làm Chủ tịch Quốc hội, theo ông đâu là những thuận lợi và khó khăn?

- Một đại biểu bám sát cuộc sống, thực tiễn chắc làm sẽ tốt nhiệm vụ. Tôi đang làm ở Chính phủ, bám sát công việc nên chuyển sang Quốc hội có nhiều thuận lợi. Nhưng cái khó của tôi là từ cơ chế thủ trưởng - quyết định mọi việc, nay chuyển sang Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị, thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Hai công việc đó rất khác nhau.

Tôi từng làm Bộ trưởng Tài chính sau đó làm Phó thủ tướng, hai công việc đó cũng khác nhau nhưng tôi vẫn ngồi đúng vai. Trong cương vị mới tôi chắc mình sẽ không nhầm vai (Quốc hội - Chính phủ).

Tôi cũng mong Quốc hội thông cảm về tác phong của mình, thời gian tới sẽ cố gắng tập để làm tốt vai trò Chủ tịch Quốc hội. 14 ngày điều hành Quốc hội vừa qua, những vấn đề tôi đưa ra đều được Quốc hội bỏ phiếu cao có nghĩa là mình điều hành cũng được Quốc hội chấp nhận.

- Tại kỳ họp vừa qua, Chính phủ đã báo cáo về tình hình biển Đông. Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội đã đặt ra cho Chính phủ yêu cầu gì để đảm bảo an ninh, chủ quyền biển?

- Chúng ta phải nhất quán vấn đề chủ quyền và quyền chủ quyền phù hợp với pháp luật quốc tế, Luật công ước biển 1982. Việt Nam phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình, hữu nghị; tăng cường xây dựng quan hệ đối tác chiến lược tùy theo đặc điểm tình hình của mỗi quốc gia. Đây vừa là nguyện vọng vừa là trách nhiệm của dân tộc ta vừa phù hợp với pháp luật quốc tế. Vừa qua, chúng ta đã giải quyết tốt với Trung Quốc trong các vấn đề còn có quan điểm khác biệt.

- Trong nhiệm kỳ này, theo Chủ tịch, Quốc hội, các ủy ban cần đổi mới theo hướng nào để nâng cao hiệu quả hoạt động?

- Quốc hội có 3 chức năng, nhiệm vụ lớn là lập hiến lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát. Đổi mới gì thì cũng phải xoay quanh các chức năng, nhiệm vụ đó.

Trước hết chúng ta phải kế thừa ưu điểm và nhận thấy các khuyết điểm của 12 khóa Quốc hội. Chúng ta phải đổi mới chương trình xây dựng pháp luật, sát với công cuộc đổi mới, tránh tình trạng luật vừa ban hành nhưng vào cuộc sống lại phải sửa ngay.

Chúng ta đổi mới từ lúc soạn thảo luật cho tới lúc thảo luận, thông qua ủy ban, qua Thường vụ rồi mới ra tới Quốc hội. Theo tôi, cần lọc ra những gì là quan trọng bởi mỗi ý kiến đại biểu là khác nhau. Cái gì cũng đưa ra Quốc hội quyết thì lại thành ra không quan trọng. Quy trình chuẩn bị, thẩm tra luật cần có sự tham gia rộng hơn của nhân dân, các nhà khoa học để đi đến quyết định chính xác.

Công tác giám sát cũng phải tổ chức tốt nhất, người giám sát phải có năng lực, trình độ và giám sát phải đưa về các ủy ban. Đại biểu Quốc hội có quyền giám sát từ trung ương tới địa phương chứ không phải chỉ giám sát vấn đề ở địa phương của mình.

- Chủ tịch nhận định thế nào về cơ hội cũng như thách thức đối với quá trình đổi mới Quốc hội trong tình hình hiện nay?

- Chúng ta có thuận lợi, chính là sự kế thừa của 12 khóa Quốc hội. Quốc hội khóa trước đã tiến hành 10 chuyên đề và giờ gần như có sản phẩm. Quốc hội khóa này có 1/3 đại biểu chuyên trách, 2/3 đại biểu có kinh nghiệm nằm ở các ngành. Những thuận lợi này nếu nắm bắt được sẽ thành cơ hội.

Đổi mới hoạt động của Quốc hội không phải là đổi mới chức năng, nhiệm vụ mà là đổi mới cách làm để hoạt động này hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Quốc hội có 500 người, nên phải tập trung vào đại biểu và tạo điều kiện cho họ phối hợp được tốt nhất. Các đại biểu phải gắn với ủy ban của mình thì mới làm được luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Lực lượng đổi mới chính là đại biểu, các đoàn đại biểu, cơ quan quốc hội, Thường vụ quốc hội.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


Theo VnExpress


Bình luận
vtcnews.vn