Tình Già

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 02:13:00 +07:00

Ông bà ngoại tôi sống ở một huyện lị của một tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Ngày xưa, ông bà lên đó sinh sống, làm kinh tế mới...

HTML clipboard

Ông bà ngoại tôi sống ở một huyện lị của một tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Ngày xưa, ông bà lên đó sinh sống, làm kinh tế mới. Về sau, nhiều lần muốn trở về quê thăm lại họ hàng thì lại già yếu quá, sợ đi mà không đến được nơi. Cách đây 4 năm, bà tôi mất để lại ông lủi thủi một mình. Ông buồn lắm, nhưng bản tính vô tư và vui vẻ, cứ chiều chiều ông lại lững thững ra phía sau vườn, chăm chăm bón bón mấy cái cây, cái hoa, quét cái sân, nhặt nhạnh cành cây khô làm củi. Vừa làm, ông vừa lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ, câu hát cũ. Bố mẹ tôi muốn đón ông lên thành phố để tiện chăm sóc nhưng ông từ chối. Ông bảo, "Bố không để mẹ ở một mình được". Cả nhà lặng đi, biết rằng, ông vẫn nhớ bà lắm.

Khi bà còn sống, ông bà rất yêu thương và chiều chuộng nhau. Không đứa con nào chăm sóc ông bà khéo bằng ông bà tự chăm sóc nhau. Ông hóm hỉnh, hay trêu chọc bà còn bà thì hay trách khéo làm ông mủi lòng. Mỗi lần, bố mẹ tôi đón ông lên thành phố chơi, ông thường bảo: "Cho bố về thôi, bố ở đây đã được 10 ngày, 2 tiếng, 18 phút rồi". Còn bà ở nhà thì gọi điện trách "Chồng gì mà bỏ vợ đi những bao nhiêu ngày mà không biết đường về", khiến bố mẹ và chú dì tôi "choáng", không ngờ "ông bà già mà còn tình cảm mặn nồng như vợ chồng son thế".

 

Chuyện của ông bà khiến tôi chợt nhớ đã đọc được một bài viết cảm động này của nhà báo H. V trên trang web cá nhân của anh. Câu chuyện này đã có lần tôi được nghe chính anh kể lại. Xin mạn phép được trích dẫn nguyên văn:

"Chuyện xảy ra cách đây khá nhiều năm. Ngày ấy tôi còn trẻ, làm ở một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu. Công ty nhập bộ máy nghiền sàng đá do Nga sản xuất về Cảng Hải Phòng. Đó là những chiếc xe tự hành khổng lồ, những bộ nghiền, sàng cùng nhiều phụ kiện lỉnh kỉnh, để cũng phải kín một góc sân vận động, trong khi người đi nhận chỉ có một mình tôi. Sau cả một ngày nhiêu khê ngoài cảng, chuyển được hàng vào kho đã gần 7 giờ tối. Chuẩn bị về Hà Nội tôi mới chợt nhớ tới ủy thác của một đồng nghiệp trong công ty, nhờ chuyển ngay một món tiền tới tận tay người bà con đang cần gấp. Trời bắt đầu mưa lâm thâm. Tôi ngồi co ro trên xe ôm, vòng vèo khá lâu trên những con phố hẹp, hơi tối. Thành phố với người đi lướt qua có vẻ nhỏ, nhưng càng đi càng thấy rộng ?

Nơi tôi cần tìm là một căn nhà cấp 4, đã xuống cấp. Mùi ẩm mốc gây cảm giác cũ kỹ, trì trệ. Trên tường treo tấm ảnh một thanh niên cao lớn, gương mặt nghiêm nghị, mặc võ phục, tay cầm một thanh đại đao. Bên dưới có nhiều bằng khen, huy chương. Gia chủ cho biết, đấy là người con trai lớn, vốn là một vận động viên võ thuật đã giải nghệ vì chấn thương, nay đang đi lao động xuất khẩu. Món tiền tôi mang tới hóa ra là của thanh niên này gửi từ nước ngoài về giúp gia đình. Cả nhà luôn miệng cảm ơn tôi nhiệt tình và kiên quyết giữ tôi lại ăn cơm. Người chồng lôi ra một bình rượu ngâm cá ngựa lẫn sao biển và khăng khăng bảo là tôi khinh thường anh ấy nếu không uống với nhau dăm ba chén. Chị vợ chạy ù ra phố, chẳng mấy chốc bê về một túi đầy những sò huyết, tôm, ghẹ và một mâm rau sống. Chuyện cà kê thế nào hóa ra anh lại có họ xa với thông gia nhà ông anh con bác gái tôi ! Bữa rượu ngẫu nhiên trở nên thân tình.

Chợt có tiếng đàn violin văng vẳng từ phía nhà hàng xóm. Không biết vì men rượu hay đêm mưa phùn gió rét căm căm mà tôi thấy tiếng đàn ngấm đến thế. Hình như đó là một bản nhạc của Mozart. Người chơi không thật điêu luyện, giai điệu đôi lúc bị ngắt quãng, nhưng vẫn trào lên một cảm giác da diết nhớ nhung, trìu mến, kiên nhẫn thì thầm an ủi, vỗ về âu yến. Lại có chút bất lực của người đứng trước biển rộng khi hoàng hôn xuống và những cánh buồm đang dần khuất sau đường chân trời.

Thấy tôi chăm chú lắng nghe, chị chủ nhà chép miệng : "Lại đến giờ đàn rồi". – "Ai chơi đàn ban đêm thế, chị?" – "À, ông lão hàng xóm …"

Khổ…, chồng làm nhạc công, vợ làm diễn viên phụ của một đoàn ca nhạc. Họ sống khép kín, bình yên bên nhau cho dù không có con và kinh tế rất khiêm tốn. Hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy trong nhà họ có chuyện điều tiếng. Họ như những người khách của khu lao động lầm lụi này.

Bỗng nhiên người vợ đổ bệnh. Sau một cơn cảm nặng, bà bị liệt nửa người, cả ngày nằm không nói. Nhưng cứ hễ màn đêm buông xuống là bà bắt đầu chửi. Đầu tiên bà chửi ông nhạc công, sau đến người quen, đồng nghiệp, hàng xóm... Nảy đâu ra cái bệnh oái oăm thế ! Ông nhạc công phải bỏ tất cả các suất diễn đêm, ở nhà chăm sóc vợ. Sáng sáng ông gõ cửa từng nhà để xin lỗi với thái độ bối rối tới mức khổ sở. Một lần, ông mở hộp đàn, định dạo qua vài đường cho đỡ nhớ nghề. Điều kỳ lạ bỗng xảy ra, bà vợ thôi không chửi nữa, nằm yên lặng nghe ông đàn. Nhưng cứ hễ tiếng đàn ngừng là bà lại lẩm bẩm, đập chân tay thình thịch. Từ ấy, đêm đêm thay vì chịu đựng tiếng chửi, hàng xóm lại được nghe tiếng đàn.

 

Thấy tình hình sáng sủa hơn, ông nhạc công thu âm bản nhạc, định bụng đêm xuống bật lên cho vợ nghe để mình có thời gian quay lại sàn diễn. Nhưng với những người điên, vô thức của họ thường rất tỉnh táo. Nghe tiếng "nhạc mạ lại" phát ra từ băng cassette, bà vợ lại bắt đầu chửi ầm ĩ, người ta nghe thấy những từ như "lừa đảo", "đồ rởm", "nhạc đểu"… Khổ thân ông lão lại phải lôi cây vĩ cầm ra và đích thân đàn. Chuyện cứ thế kéo dài đã được gần một năm.

"Ông lão sẽ phải đàn suốt đêm ư ?" – Tôi ái ngại. "Cũng còn tùy, đàn đến khi nào bà lão ngủ thì thôi…"

Đêm hôm ấy vì quá chén nên tôi không kịp về Hà Nội. Tôi nằm thao thức trên chiếc giường lạ, trong một ngôi nhà lạ, lắng nghe tiếng đàn kỳ lạ, kiên nhẫn như sợi chỉ xâu hết đêm này sang đêm khác… nghĩ về thân phận, nỗi khổ cũng như niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ và những điều kỳ diệu mà âm nhạc có thể mang đến.

Nhiều năm sau, tôi trở lại ngôi nhà này thêm một lần và được biết hai vợ chồng người nghệ sĩ già không còn nữa. Bà đi trước ông độ 2 tháng. Sau ngày bà mất, hình như đêm nào ông cũng vẫn đàn, như lúc bà còn sống. Cho đến một ngày người ta không nghe thấy tiếng đàn nữa..."

Đọc xong thấy cảm động cho mối tình già của ông bà ngoại tôi. Những ngày bà tôi mất, ông thường đặt bên cạnh mình bộ quần áo của bà. Mỗi lúc ngủ dậy, ông thường tự tay gấp gọn chăn màn và vuốt bộ quần áo cho phẳng phiu, cẩn thận như thể trước đây ông vẫn thường chải mái tóc thưa cho bà. Năm nay, ông đã 85 tuổi. Cũng lại sắp đến ngày giỗ bà. Ông không nói ra nhưng cả nhà đều biết, ông mong gặp bà lắm. Người ta vẫn bảo, không có gì bền chặt hơn tình già và không có nỗi cô đơn nào lớn hơn khi mối tình ấy âm dương cách biệt.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn