Tìm giải pháp 'cứu' doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình trong làn sóng COVID-19

Thị trườngThứ Ba, 02/11/2021 08:17:00 +07:00
(VTC News) -

Từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình như “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lần thứ tư.

Trong hai năm 2020-2021 là những năm đầy khó khăn và khó đoán định của các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình.

Anh Trần Văn Nam, Phó giám đốc công ty quảng cáo Phương Nam, quận Nam Từ Liêm cho biết, tính đến hết tháng 11, doanh thu quảng cáo, lợi nhuận của đơn vị ở mức thấp nhất trong 10 năm, kể từ khi doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động. Nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm là do tác động từ đại dịch COVID-19 khiến sức cầu yếu.

“Hầu hết các doanh nghiệp, nhà xản xuất, cửa hàng kinh doanh đều chịu tác động của đại dịch COVID-19. Doanh thu sụt giảm buộc các đơn vị, doanh nghiệp phải cắt giảm biển bảng quảng cáo và truyền thông truyền thống để chuyển đổi sang truyền thông trên môi trường mạng xã hội”, anh Nam nói.

Tìm giải pháp 'cứu' doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình trong làn sóng COVID-19 - 1

Việc cắt giảm chi phí truyền thông, quảng cáo của các doanh nghiệp, nhà hàng gây khó khăn lớn đến các cơ sở quảng cáo, truyền thông.

Dẫn chứng về việc cắt giảm kinh phí làm biển bảng quảng cáo, truyền thông, anh Nguyễn Văn Trung, chủ cửa hàng bún chả Hà Thành, ở CT1-2, khu đô thị Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết, ngay khi xây dựng chuỗi cửa hàng, chúng tôi đã lên phương án kinh phí dành cho truyền thông, quảng cáo, bán hàng online là 600 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đầu tư biển bảng khoảng hơn 100 triệu thì dịch COVID-19 bùng phát.

"Lượng khách hàng sụt giảm đến 60%, trong khi kinh phí thuê nhà, thuê nhân công, đầu tư cơ sở hạ tầng không thể cắt giảm được. Do vậy chúng tôi xét thấy cần cắt giảm kinh phí truyền thông. Vì có cắt giảm kinh phí truyền thông cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, anh Trung nói.

Cũng gặp khó khăn là hoạt động sản xuất các chương trình truyền hình của anh Phùng Thế Anh, Phó giám đốc công ty truyền thông Nông nghiệp xanh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Các hoạt động đều tạm dừng vì dịch bệnh, đối tác cắt giảm hợp đồng hoặt cắt giảm kinh phí, trong khi đó doanh nghiệp đã phải đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng Studio, mua sắm máy móc, phương tiện tác nghiệp, dựng hình…

“Chúng tôi mong rằng Chính phủ, các bộ ngành sớm áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình như những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác để cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn…”, anh Thế Anh kiến nghị.

Theo một số chuyên gia truyền thông, trong bối cảnh hiện nay Chính phủ, nhất là Bộ thông tin và Truyền thông nên có những chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp truyền thông, không để các doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo, doanh nghiệp truyền hình cố gắng sống “qua ngày đoạn tháng”. Cần nhìn rõ cứu trợ không phải để “hà hơi thổi ngạt” mà chính là đầu tư cho tương lai.

Bởi các công ty quảng cáo, truyền thông, truyền hình có vai trò nhất định trong việc bảo đảm các mục tiêu phát triển các doanh nghiệp, hiện đại hóa và làm đẹp cho môi trường xã hội, xây dựng hình ảnh cho các địa phương, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình cần có sự cam kết trong việc nâng tầm dịch vụ và tạo động lực cho phát triển của các doanh nghiệp, đơn vị khác và góp phần cùng với cả nước xây dựng bức tranh toàn cảnh của xã hội có nhiều thay đổi tích cực sau khi đại dịch kết thúc.

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Tín hiệu tích cực là trong “làn sóng” dịch COVID-19 lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cũng rất chủ động ứng phó với dịch COVID-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn.

Tìm giải pháp 'cứu' doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình trong làn sóng COVID-19 - 2

Nên xác định quảng cáo, truyền thông, truyền hình có vai trò nhất định trong việc bảo đảm các mục tiêu phát triển các doanh nghiệp, hiện đại hóa và làm đẹp cho môi trường xã hội để có sự hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp này.

Nhiều khó khăn tích tụ đến nay đã trở thành vấn đề của ngành truyền thông, quảng cáo và đòi hỏi phải có sự vào cuộc của địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cũng như ý kiến tham vấn của chuyên gia kinh tế. Các gói hỗ trợ từ trước đến nay là cần thiết nhưng chỉ mang tính ngắn hạn, thậm chí chưa đến được với các doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình. Do đó, cần tính toán đến biên độ phục hồi cụ thể chứ không nên tiếp tục duy trì tư duy “giải cứu”. 

Một chuyên gia nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau gần 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19, tình hình của doanh nghiệp và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời. Trước thực trạng này, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình và người lao động cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển thay vì mục tiêu hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm một năm trước.

“Chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt phá vươn lên, lên nắm bắt cơ hội kinh doanh”, chuyên gia này cho biết.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn