Tiếng Việt 1 chi chít 'sạn': Hội đồng thẩm định sách có vô can?

Diễn đànThứ Ba, 13/10/2020 12:31:46 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia giáo dục nêu nguyên nhân sách Tiếng Việt 1 nhiều sạn trước khi sử dụng rộng rãi và đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này.

Tại buổi toạ đàm trên kênh VOV1 - Đại Tiếng nói Việt Nam mới đây, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều chi chít sạn là do quá trình dạy thử nghiệm chưa đầy đủ và không được kiểm chứng rõ ràng.

Ông nhắc lại lần thay đổi sách năm 2000, trước khi đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới, Bộ GD&ĐT chỉ định một số địa phương dùng thử nghiệm sách. Trải qua 2 năm thử nghiệm và chỉnh sửa, bộ sách khi ấy mới được đưa vào sử dụng đại trà cho học sinh toàn quốc.

Tuy nhiên, hiện nay khi chúng ta thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa, công tác thử nghiệm được đưa về cho các nhà xuất bản và nhóm tác giả chủ động thực hiện. Việc thử nghiệm này bị hạn chế vì chỉ dạy ở một vài lớp học với một vài bài dạy trong cả bộ sách, rất khó để đánh giá chất lượng thực sự.

Việc thực nghiệm sách giáo khoa lần này chỉ diễn ra quy mô hẹp, thời gian ngắn. Đồng thời, đứng sau các tác giả sách là các công ty cổ phần, không có điều kiện tổ chức thực nghiệm khoa học giáo dục. Cũng theo chuyên gia giáo dục, quá trình thực nghiệm còn quá nhiều điểm bất cập, thiếu tính khách quan, dẫn đến tính trạng sách nhiều sạn.

Về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm khi để bộ sách nhiều sạn như vậy đưa vào dạy học đại trà, TS Lê Thống Nhất cho rằng, căn cứ Điều 32, Luật Giáo dục sửa đổi quy định, toàn bộ nội dung và chất lượng sách giáo khoa mới sẽ do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chịu trách nhiệm, không có quy định nào nói đến việc nhóm tác giả hay chủ biên bộ sách chịu trách nhiệm.

"Trách nhiệm để xảy ra sai sót thuộc về Hội đồng thẩm định. Nếu đã có Hội đồng thẩm định mà tác giả vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm là sai", vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

Ông lý giải, vấn đề ở đây không phải nội dung bài học phù hợp thấp hay cao, mà trẻ lớp một gặp những từ ngữ khó hiểu, thậm chí phụ huynh phải đi tra từ điển mới biết thì rõ ràng điều đó đúng nhưng không phù hợp. Như vậy, sách Tiếng Việt 1- bộ sách Cánh diều chưa đảm bảo về mặt chất lượng của quy định sách giáo khoa. Hội đồng thẩm định sách cũng chưa làm hết trách nhiệm.

Tiếng Việt 1 chi chít 'sạn': Hội đồng thẩm định sách có vô can? - 1

Tiến sĩ Lê Thống Nhất. (Ảnh: Kênh 14)

TS Lê Thống Nhất cho rằng, vốn dĩ chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều chuyên gia đánh giá là nặng rồi nên nhiều người kỳ vọng sách giáo khoa sẽ nhẹ nhàng theo các hướng tiếp cận. Đặc biệt, đây năm đầu tiên đổi mới, chương trình học lớp 1 càng phải nhẹ nhàng.

Ngoài phần nội dung đọc hiểu Tiếng Việt 1 thì học sinh lớp 1 còn có phần nghe hiểu. Nhóm tác giả hoàn toàn có thể đưa các bài đồng dao, ca dao tục ngữ nhẹ nhàng để học sinh tiếp thu kiến thức. Chính bởi tác giả quá xem trọng việc đọc hiểu nên để xảy việc sắp xếp các truyện ngắn nhiều sạn và chưa phù hợp.

Chúng ta nên bình tĩnh lắng nghe ý kiến từ dư luận, điều chỉnh từ từ và không gây phản ứng quá mạnh trong xã hội và xáo trộn trong việc học tập.

Bác bỏ quan điểm trên, GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt  nêu quan điểm, hội đồng đã chỉ ra những điểm sai, bắt buộc nhóm tác giả phải sửa, và họ đã thực hiện, tất cả được ghi rõ trong biên bản.

Ngoài ra, hội đồng cũng đưa ra khuyến cáo về những chi tiết nội dung có mức phù hợp không cao nhưng nhóm tác giả không chỉnh sửa. Do đó, trách nhiệm này thuộc về tác giả sách.

"Hội đồng thẩm định chỉ chịu trách nhiệm về vấn đề đúng, sai của sách giáo khoa. Việc tác giả từ chối sửa theo khuyến cáo là quyền của họ, không thuộc trách nhiệm của hội đồng thẩm định", ông nhấn mạnh.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn