Thưởng Tết giáo viên vùng cao: Người được một triệu đồng, người nhận bánh chưng, con gà

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 25/12/2019 12:28:23 +07:00
(VTC News) -

"Giáo viên vùng cao luôn tự động viên nhau bớt nghe, bớt đọc mấy chuyện thưởng Tết của xã hội để đỡ chạnh lòng, cứ thế mà sống, bánh chưng, con gà luộc rồi cũng xong" một giáo viên chia sẻ.

Cao thì 1.000.000 đồng, ít thì hộp bánh 

Thời điểm này, hầu hết giáo viên đều chưa nắm được thông báo của nhà trường về tiền thưởng Tết Âm lịch. Cô giáo Lò Phương Hoa (Văn Chấn, Yên Bái) chia sẻ không quá trông đợi vào tiền thưởng, bởi năm nào cũng như năm nào, nhiều thì được 500.000 đến 1.000.000 đồng/người; còn ít thì cân gạo, con gà.

Với giáo viên vùng cao, đa số tiền thưởng Tết đều tận dụng từ quỹ tiết kiệm chi hàng năm, cộng thêm một chút tiền công đoàn gọi là động viên anh chị em cơ quan cũng chẳng thấm thoát vào đâu so với những đồ cần sắm sửa ngày Tết.

Thưởng Tết giáo viên vùng cao: Người được một triệu đồng, người nhận bánh chưng, con gà - 1

Thưởng Tết của giáo viên vùng cao bao nhiêu năm vẫn cứ “èo uột” (Ảnh minh họa).

Hơn 16 năm thâm niên công tác giáo dục vùng cao, cô Hoa luôn hiểu chuyện thưởng Tết là điều xa xỉ và cũng chẳng ai dám mơ ước nhiều. Nhiều khi thấy người thân trong gia đình đi làm được thưởng lương cao, cô cũng chạnh lòng. Vật giá ngày một leo thang đến chóng mặt nhưng tiền lương vẫn cứ “èo uột”.

Thế nhưng, cô Hoa lúc nào cũng vui vẻ mỗi khi Tết đến. Cô cùng đồng nghiệp luôn động viên nhau "Có tiền nhiều thì ăn Tết to, tiền ít thì ăn Tết nhỏ, khéo co rồi cũng xong cái Tết".

Cùng cảnh ngộ, cô giáo Lương Thị Chung (Chấn Yên, Yên Bái) chia sẻ: “Câu chuyện thưởng Tết không mấy khi được nhắc đến, không phải vì chúng tôi không thích, mà nó quá nhỏ để bàn tới. Năm nào nhiều thì được 1.000.000 đồng, năm nào ít thì 200.000, không có nữa thì cái bánh chưng, ít thịt lợn…”.

Cô Chung tâm sự, giáo viên nào trẻ thì còn có tiền tiết kiệm được từ lương cả năm, nhưng nếu có gia đình thì khó mà dành dụm. “Nào là tiền quần áo cho con, tiền sắm Tết hai bên gia đình, tiền đi lại bên nội, bên ngoại. Có những năm chúng tôi còn nghĩ đến chuyện đón con lên bản ăn Tết. Thế mà chúng tôi vẫn có cái Tết tươm tất”, cô Chung nói.

Khéo chi tiêu lắm mới có thưởng Tết

Câu chuyện tiền lương, thưởng Tết lúc nào cũng là trăn trở với nhiều giáo viên. Bởi trong khi các ngành, nghề khác, người lao động hân hoan với các khoản tiền thưởng cuối năm thì với ngành giáo dục, nhất là hệ thống trường công lập gần như không có "khái niệm thưởng tết".

Theo thầy giáo Lương Văn Hòa (Lai Châu), để có được một khoản tiết kiệm chi mỗi năm rất khó khăn với các trường vùng cao và không phải nơi nào cũng thuận lợi để tiết kiệm được nhiều, có khi lũ lụt phá hoại hết trường lớp, học sinh bỏ học, còn giáo viên phải gồng mình lên để bám trường, bám lớp”.

Năm nào may mắn không có lũ quét qua, trường an toàn thì tiền thưởng Tết cho thầy cô cao, còn không chỉ có chai dầu ăn, hộp mứt Tết… là nhiều.

“Những giáo viên vùng cao luôn tự động viên nhau bớt nghe, bớt đọc mấy chuyện thưởng Tết của xã hội lại để đỡ chạnh lòng. Cứ thế mà sống, cái bánh chưng, con gà luộc rồi cũng xong”, thầy Hòa kể.

Thầy Lê Thế Anh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở dân tộc bán trú Lùng Tám (Hà Giang) cho biết, tiền thưởng Tết theo đúng ngân sách chi thường niên của địa phương rất ít, chỉ gọi là một chút hỗ trợ các thầy cô. Hầu như các trường đều thực hiện tiết kiệm chi và tăng gia sản xuất trong năm học để khi Tết về các thầy cô có thêm tiền thưởng động viên.

Để đảm bảo các thầy cô giáo đều được thưởng và đặc biệt giúp đỡ các cá nhân đặc biệt khó khăn ở xa, trường luôn dự phòng một quỹ riêng dành hỗ trợ các thầy cô.

Ví dụ như những ngày lễ 20/11, 8/3, 20/10… nhẽ ra các thầy cô được tổ chức liên hoan ăn cơm, nhưng trường chỉ nên gói gọn ăn uống đồ ngọt nhẹ nhàng. Cứ mỗi sự kiện lại tối giản chi một chút để đưa tiền vào quỹ chung. Rồi đến cuối năm giáo viên nào cũng được thưởng Tết lớn tính theo thâm niên công tác, số lớp phụ trách và số giờ dạy, phần nào thấy yên tâm công tác hơn rất nhiều, thầy Thế Anh chia sẻ.

Để giám sát việc thực hiện tiền thưởng của cán bộ, nhà giáo, người lao động, từ cuối tháng 11/2019, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gửi công văn về việc tổ chức các hoạt động cho cán bộ nhà giáo, người lao động dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Công văn đề nghị công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo; các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục Việt Nam tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho cán bộ, nhà giáo, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa. Trong đó, cần chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng (tiền hỗ trợ) và các chế độ khác của cán bộ nhà giáo đảm bảo đầy đủ, kịp thời trước Tết Nguyên đán Canh Tý -2020.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn