Thủ tướng: Khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản đang có tại doanh nghiệp nhà nước

Chính trịChủ Nhật, 03/03/2024 11:09:00 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng yêu cầu phải có các giải pháp để khai thác hiệu quả hơn nữa tài sản, nguồn vốn rất lớn đang có tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là giải pháp đầu tư.

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu, sáng 3/3.

Hội nghị bàn các công việc liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2024 và các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng dự cuộc gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng dự cuộc gặp mặt các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Chúng ta chỉ còn 2 năm để thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ này và 2024 là năm tăng tốc phát triển. Chủ đề điều hành được Chính phủ xác định "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình liên quan phát triển doanh nghiệp nhà nước, những thuận lợi và khó khăn hiện nay. 

Bên cạnh đó, cần làm mới các động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để doanh nghiệp nhà nước đi đầu, dẫn dắt, định hướng, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát huy tối đa khả năng của các doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước về 3 nội dung lớn (về quản trị, con người, bộ máy; về sử dụng nguồn vốn; về chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào); cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nhau phát triển chứ không triệt tiêu lẫn nhau; làm tốt hơn nữa việc tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội.

Phân tích thêm về nội dung tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng lấy ví dụ việc tích cực trao đổi với các đối tác liên quan của Nhật Bản và Kuwait để đi đến thống nhất các nội dung tái cấu trúc dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đầu tư hơn 9 tỷ USD nhưng đến nay vẫn lỗ lũy kế lớn.

"Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng các đồng chí để giao nguồn vốn, tài sản rất lớn thì phải làm thế nào để không phụ lòng tin đó. Những gì đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa, những gì chưa được thì khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp nhà nước với động lực mới, khí thế mới, cùng tiến bộ với cả nước, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh khó khăn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, 2023 là năm khó khăn chung của thế giới, trong đó có Việt Nam và các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Nguyên nhân được xác định hậu quả COVID-19 kéo dài, các cuộc xung đột, cạnh tranh chiến lược gay gắt, chính sách tiền tệ nhiều nước thay đổi, lạm phát tăng cao, cầu giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy.

Mặt khác, Việt Nam là nước đang phát triển, xuất phát điểm thấp, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu, sức cạnh tranh còn hạn chế nhưng độ mở cao, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong vòng kiểm soát; quy mô nền kinh tế tăng lên khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 4.300 USD; quốc phòng, an ninh được giữ vững; uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn