Thủ tướng họp với TP.HCM tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế-xã hội

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 16/04/2023 12:12:00 +07:00

Tại buổi họp, Thủ tướng lắng nghe những trao đổi về giải pháp thúc đẩy TP.HCM phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, xã hội của cả nước.

Sáng 16/4, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà...

Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình phát triển KT-XH quý I năm 2023, xử lý những kiến nghị và trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững... 

Thủ tướng họp với TP.HCM tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế-xã hội - 1

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Thành phố phát triển hay khó khăn có ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của cả nước. Chính vì thế, Chính phủ thường xuyên có các cuộc làm việc với TP để cùng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng cho biết, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế suy giảm; các nước thực hiện chính sách thắt chặt; thị trường co hẹp; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá nguyên nhiên liệu tăng; Trung Quốc mở cửa trở lại bên cạnh tạo cơ hội, còn tăng sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam… Trong khi đó, trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế bộc lộ sâu sắc hơn sau đại dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng, cuộc làm việc này của Thường trực Chính phủ với TP.HCM nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế -xã hội của TP, nhất là trong khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19; đưa ra giải pháp chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội của TP; rà soát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, thông tư mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển; kiểm điểm sự phối hợp giữa TP với các bộ, ngành Trung ương và các nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Từ đầu năm đến giờ, sau hơn 3 tháng chúng ta ban hành rất nhiều nghị quyết, nghị định, các thông tư để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội của đất nước, những chính sách đó đã vào TP.HCM được chưa". 

Theo Thủ tướng: "Phải xem xét tiếp những chính sách chúng ta đã ban hành thì thực chất là đi thẳng vào cuộc sống chưa, quá trình tổ chức vận hành còn vướng mắc cái gì, cần phải bổ sung, hoàn thiện, điều chỉnh cái gì cho phù hợp với tình hình. Sự phối hợp giữa TP với Chính phủ, phối hợp giữa thành phố với các bộ, ngành cần phải rút kinh nghiệm gì, cần phải điều chỉnh gì, thúc đẩy cái gì để chúng ta làm tốt hơn".

Thủ tướng họp với TP.HCM tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế-xã hội - 2

Buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2022, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03%; đóng góp 15,6% GDP, đứng thứ nhất trong 63 tỉnh thành cả nước.

Trong quý I năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng dương 0,7%, trong đó một số ngành có mức tăng trưởng khá như dịch vụ, lưu trú ăn uống tăng 24,24%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, riêng công nghiệp và dịch vụ chiếm 86,3%. Thu NSNN đạt gần 125 nghìn tỷ, đạt 26,6% dự toán năm.

Tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện tăng 19,4%.

Ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có kiến nghị về Đề án ban hành Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14; kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; kiến nghị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu công ty VEC đẩy nhanh tiến độ lập Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành; kiến nghị các bộ, địa phương hỗ trợ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Vành đai 2 (nút giao Gò Dưa) đến đường Vành đai 3 đồng bộ với đoạn tuyến đường dẫn trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

(Nguồn: Báo điện tử VOV)
Bình luận
vtcnews.vn