Thủ tướng đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp hiến kế phát triển đất nước

Đầu TưThứ Bảy, 06/03/2021 15:17:00 +07:00
(VTC News) -

Chiều 6/3, tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau đại hội Đảng XIII, Chính phủ có ý tưởng tổ chức đối thoại về khát vọng 2045, nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến của giới tính hoa, đạc biệt là các trí thức và doanh nhân.

"Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến về đóng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045. Lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp hiến kế phát triển đất nước - 1

Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi tại nơi đây đã chứng kiến giây phút đất nước thống nhất, dân tộc Việt Nam là một. Và thời điểm 2045 cũng chính là mốc tròn 75 năm di nguyện lớn nhất của Bác trở thành hiện thực.

Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng di nguyện lớn thứ hai của người về một Việt Nam vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực. Mục tiêu to lớn, xuyên suốt của chúng ta là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

Để hiện thực hóa ý định này, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo. 

"Bác Hồ đã từng nói mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang. Chính phủ và bản thân tôi mong mỏi tất cả chúng ta, từ cán bộ đảng viên đến người dân, doanh nghiệp, đến những tri thức đều thấm nhuần điều này và có tinh thần như đầu nhiệm kỳ tôi đã báo cáo, chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Đó cũng chính là tinh thần tuyệt vời của chúng ta trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Vì vậy, Thủ tướng đã khởi xướng chương trình “Đối thoại 2045”, sáng kiến này sẽ góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII xác định đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945-2045), Việt Nam sẽ là nước phát triển, có thu nhập cao.

Theo tính toán, quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

Nhiều chuyên gia đánh giá mục tiêu này là một thách thức lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. 

Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức định kỳ, trực tuyến và trực tiếp về nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.

Cuộc đối thoại còn thiếu vắng nhiều trí thức lớn, nhiều doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các cuộc đối thoại 2045 hằng năm với sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nói. 

Tham dự “Đối thoại 2045” hôm nay có khoảng 50 doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn