Thủ tục hành chính: Còn đụng chạm lợi ích cục bộ

Thời sựThứ Ba, 09/11/2010 03:52:00 +07:00

(VTC News) - Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010.

(VTC News) - Ngày 9/11, Quốc hội (QH) nghe báo cáo giám sát và thảo luận việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Mỗi năm tiết kiệm 5.700 tỷ đồng

Theo báo cáo giám sát của QH, việc thực hiện CCHC giai đoạn 2001 – 2005 có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu công khai, minh bạch và còn là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, tạo kẻ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận đánh giá: Cải cách TTHC còn gặp trở ngại không nhỏ bởi những thói quen quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu (“xin - cho”) và cũng đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan và của cán bộ, công chức 

Để khắc phục tình trạng này, ngày 10/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30) để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, ở cả 4 cấp chính quyền đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án 30 được xem là bước “đột phá” và đạt được những kết quả rõ nét sau 3 năm thực hiện. Đó là đã công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (TTHC) tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kế TTHC.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thiết lập và công bố công khai bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã. Theo đó, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một bộ TTHC cấp xã và một bộ TTHC cấp huyện (từ 10.000 bộ TTHC cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã, và 63 bộ TTHC cấp huyện) để thống nhất thực hiện tại từng địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý theo đúng tiến độ và đạt được chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC được giao. Theo đó, trong tổng số 5.421 TTHC được rà soát, đã kiến nghị để bãi bỏ 480 TTHC, thay thế 192 TTHC, sửa đổi, bổ sung 4.146 TTHC. Ngoài ra, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các phương án đơn giản hóa còn nhằm cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Đã thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước. Theo tính toán, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp mỗi năm 5.700 tỷ đồng (theo con số của Chính phủ).

Cắt – cắt hơn nữa, giảm – giảm mạnh hơn!

ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) ghi nhận những chuyển biến trong công tác CCHC sau khi có Đề án 30. ĐB này còn cho rằng, theo Đề án 30 nếu thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đạt 30 - 37% sẽ giảm được chi phí, về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.

“Đây là số tiền đáng kể để người dân và doanh nghiệp dành cho giải quyết nhu cầu đời sống cho đầu tư và phát triển, sản xuất kinh doanh” – ông Hoàng Thương Lượng nói.

Vẫn theo ĐB Lượng, kết quả thực hiện CCHC thời gian qua mới dừng lại ở “một số kết quả bước đầu” và còn có khoảng cách xa so với đòi hỏi của đời sống, xã hôi.

ĐB Lượng nêu ví dụ: “Mô hình cải CCHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn kém hiệu quả. Điều kiện giúp cho việc thực hiện cơ chế này không được quy định rõ ràng, không ít nơi còn biểu hiện hình thức, nhất là ở cấp xã, đặc biệt ở xã có nhiều khó khăn. Còn tình trạng ở xã bộ phận một cửa có nơi ngồi làm việc ở phòng không có cửa, biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực về thủ tục hành chính đầu tiên ít được phát hiện và chậm được xử lý”.

ĐB Lượng thống nhất với kiến nghị của các ĐBQH với phương châm “cắt – cắt hơn nữa, giảm – giảm mạnh hơn” đối với đối với các TTHC mà theo ông là còn rườm rà, có phần xa rời thực tế.

Bên cạnh đó, ĐB Lượng đề nghị QH trong công tác xây dựng luật, bên cạnh việc tăng tính pháp lý của luật cần quan tâm giảm mức thấp nhất việc giao cho Chính phủ quy định thực hiện nhiều điều trong luật khi QH thông qua, nhất là nội dung liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

“Không thể thiếu phong bì!”

CCHC theo ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) không thể tách rời con người - ở đây được hiểu là cán bộ thi hành công vụ. “Các ĐBQH bày tỏ quan ngại về người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ để được việc. Cán bộ, công chức sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một TTHC trong quy đình CCHC” – bà Hải nói.

Vẫn theo ĐB này, sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ thừa hành nhằm giúp cho người dân, giúp doanh nghiệp vẫn chưa rõ nét, các cơ quan hành chính vẫn chưa xóa bỏ được nhận định cơ quan "hành" là chính đã và đang tồn tại trong suy nghĩ của một bộ phận người dân. “Sự phục vụ tận tụy của những "đầy tớ nhân dân" theo ý kiến của cử tri vẫn còn rất dài và rất xa trong tiến trình CCHC”- ĐB Hải tâm tư.

Đưa ra ý kiến khá gay gắt tại phiên họp, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) thẳng thắn: “Lúc này, chúng ta phải nói thật với nhau là muốn tốt, muốn nhanh thì không thế thiếu phong bì. Chẳng nói đâu xa, chỉ như việc cấp phép xây dựng nhà ở, tôi công nhận là đã giảm nhiều loại giấy tờ nhưng thực tế nếu không có phong bì thì cũng còn lâu mới được cấp phép”.

Lý giải cho việc “không thiếu được phong bì”, ĐB Trần Thị Lộc (Bắc Cạn) cho rằng, với chế độ tiền lương không đảm bảo được cuộc sống thì những cán bộ công chức khó mà từ chối được các hành vi tiêu cực để thu lợi.

Theo ĐB Lộc, thủ tục hành chính nói riêng cũng như các thể chế đều “do con người xây dựng và cũng chính do con người thực hiện”. Do đó vấn đề quan trọng cần thực hiện song song với việc xây dựng các thể chế, thủ tục hành chính thì cần quan tâm và có giải pháp cho việc hoàn thiện các thể chế liên quan đến con người khi tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nghiệp.

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) thẳng thắn: “Dù có nhiều tiến bộ nhưng CCHC vẫn còn nhiều việc chưa làm được về phía người dân. Chúng ta từng bước thực hiện một cửa nhưng cũng đồng thời đang mở ra nhiều cửa khác. Vẫn có hiện tượng cửa quyền, sách nhiễu, các cấp chính quyền đều nhận ra và đã có những giải pháp nhưng chưa đủ mạnh”.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng CCHC trong thời gian tới, ĐB Phạm Thị Hải kiến nghị: Đơn giản hóa thủ tục hành chính không thể chỉ là việc đề ra số thủ tục để kiến nghị hủy bỏ hay sửa đổi, bổ sung mà chính là các thủ tục hành chính phải hết sức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm.

“Cải cách thủ tục hành chính gốc của nó là con người và sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có chuyển biến thật sự trong toàn hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ, thực thi là cán bộ lãnh đạo điều hành” – ĐB Hải nhấn mạnh.

L.V.H

Bình luận
vtcnews.vn