Thứ trưởng Bộ Công an: 'Vụ Trịnh Xuân Thanh phải truy tới cùng, không có thời hiệu'

Thời sựThứ Sáu, 04/11/2016 11:44:00 +07:00

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an sẽ truy tới cùng vụ việc sai phạm của Trịnh Xuân Thanh.

Sáng 4/11, bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin về những vụ việc đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.

thuong tuong le quy vuong -2

 Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

- Ngày 3/11, Chánh văn phòng Bộ Công Thương xác nhận thông tin ông Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí PVTex) vắng mặt nhiều ngày qua mà không nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Vinachem. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Về nguyên tắc, người ta có bệnh phải đi chữa.

- Sau vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ Công an có lưu ý hơn về những vụ việc vi phạm tìm phương án ra nước ngoài trốn?

Bây giờ phải hết sức chú ý. Trong bối cảnh hiện nay, công tác điều tra các vụ án kinh tế hết sức khó khăn.

Bây giờ, công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu, thậm chí đi lại thuận lợi một số nước trong khu vực.

Về mặt kiểm soát nhà nước, trong quản lý xuất nhập cảnh chủ yếu quản lý công khai, có cửa khẩu, sân bay, hải cảng qua lại qua biên giới.

Đường biên giới của Việt Nam rất dài, có đường bộ, đường biển, tàu vận tải người ta có thể đi lại dễ dàng.

-  Thưa ông, đối với những đối tượng trong “tầm ngắm” khi liên quan đến các sai phạm thì phải có biện pháp ngăn chặn thế nào?

Mình ngăn thế nào được. Bộ luật Hình sự nêu chỉ có tội khi Tòa án Nhân dân có bản án, bản án có hiệu lực thi hành.

Ngay việc công an muốn bắt giữ người trừ trường hợp bắt quả tang, nếu theo Bộ luật Tố tụng Hình sự mới thì có mỗi đoạn giữ khẩn cấp, sau khi giữ khẩn cấp phải báo cáo với Viện kiểm sát phê chuẩn. Đấy là có những cái rất khó trong điều tra.

 
Tôi muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh sinh ra trong một gia đình đáng quý, truyền thống giờ ông gây ra như vậy thì phải chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương

Hiện nay, quản lý hộ khẩu rất thông thoáng. Người ta có thể đăng ký thường trú chỗ này nhưng tạm trú chỗ khác một thời gian. Chưa nói đến chuyện người ta đi làm ăn. Giờ quản lý dân cư theo Luật Cư trú rất thông thoáng.

Trong bối cảnh này, lực lượng công an rất khó khăn, chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn có hoạt động hình sự thì mới có thể có biện phá quản lý chặt chẽ.

Hiện nay, các đối tượng đa phần là cán bộ công chức, viên chức nhà nước, có trường hợp là Đảng viên thì làm sao có thể tiến hành các biện pháp có thể quản lý được.

- Qua những vụ việc của Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, liệu đang có những khó khăn nào trong việc ngăn chặn đối tượng phạm tội kinh tế bỏ trốn?

Giải pháp về vấn đề này rất khó. Ngay trong luật hình sự của Việt Nam và các nước đều có quy định khác nhau. Đối với Việt Nam đây là tội danh vi phạm Bộ luật Hình sự, nhưng ở nước khác có khi lại quy định khác.

Ngay trong vấn đề tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam với các nước có khác nhau. Chỉ trừ một số nước có hiệp định tương trợ tư pháp thì có thuận lợi. Tuy nhiên, các nước vẫn phải bảo vệ quyền của con người nên việc phối hợp có cái khó.

Trong khi đó, công tác quản lý xuất nhập cảnh còn nhiều bất cập.

Video: Bộ Công an truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh

- Đối với tội phạm lĩnh vực kinh tế, thời gian điều tra dài nhưng trong thời gian đó chúng ta không có biện pháp ngăn chặn khi đối tượng có ý định bỏ trốn, thưa ông?

Không thể gọi thời gian điều tra dài. Vụ Giang Kim đạt là trường hợp điển hình là có quá trình điều tra, nhưng khi trốn thì lực lượng công an vẫn phải có biện pháp tiến hành truy tìm và cuối cùng đã bắt được. Giang Kim Đạt đã đi qua vài nước và bị bắt ở ngay nước giáp ranh với Việt Nam.

- Bộ Công an đã từng đề xuất thay đổi quy trình để ngăn chặn các đối tượng vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn trước thời điểm khởi tố chưa, thưa ông?

Có thể đề xuất một số biện pháp nhưng giờ chưa chứng minh người ta phạm tội có nghĩa là người ta chưa bị khởi tố, phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do khác để cấm người ta được.

Vì như vậy là vi phạm quyền công dân. Người ta chỉ bị hạn chế quyền khi bị pháp luật quy định.

- Việc bắt giữ các đối tượng phạm tội nhưng bỏ trốn ra nước ngoài có gặp khó khăn không, thưa ông?

Khó khăn chứ. Việc bắt giữ một đối tượng ở nước ngoài không dễ.

- Việt Nam và Đức trước đây đã có tương trợ tư pháp nào về hình sự chưa, thưa ông?

Có. Quan hệ của Việt Nam và Đức là tương đối tốt, nói chung phối hợp với các nước trong thực thi pháp luật cơ bản là tốt.

- Đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh thì có quy định thời gian truy nã không, thưa ông?

Bộ luật Hình sự quy định rất rõ có loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Có tội phạm có thời hiệu lệnh truy nã là vô thời hiệu, mà phải truy tới cùng.

Video: Những câu hỏi lớn từ vụ án Trịnh Xuân Thanh

Với trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là truy tới cùng, không có thời hiệu.

Nên viết kêu gọi vận động ông Trịnh Xuân Thanh về nước để hưởng khoan hồng. Đây là bản lĩnh của một con người dám làm, dám chịu. Tôi muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thanh sinh ra trong một gia đình đáng quý, truyền thống giờ ông gây ra như vậy thì phải chịu trách nhiệm.

Luật pháp Việt Nam lượng khoan hồng rất lớn, quan điểm con người Việt Nam rất nhân đạo, còn khó mà lẩn trốn được.

 - Trong trường hợp chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh có đóng vụ án để xét xử trước không, thưa ông?

Tùy theo nội dung vụ án, nếu đủ yếu tố, chứng cứ thì vẫn xử. Tội đến đâu, ai mắc đến đâu, mức độ thế nào, điều tra đến đâu xét xử đến đó. Còn lại, vẫn có thể tách ra để điều tra tiếp.

- Vụ án Trịnh Xuân Thanh có thuộc diện trọng điểm trong năm 2017 không?

Tất nhiên tới đây phải đưa vụ việc này trở thành vụ án trọng điểm để chỉ đạo làm thấu đáo vì dư luận nhân dân đang đặt ra, giải đáp thế nào, có đúng làm thất thoát 3.300 tỷ không hay ít nhiều hơn, cá nhân đối tượng liên đới thế nào, ngoài cố ý làm trái có tư lợi, tham ô, thiếu tinh thần trách nhiệm không…

- Tài sản của ông Trịnh Xuân Thanh đã bị phong tỏa chưa, thưa ông?

Theo quy định của pháp luật thì phải tiến hành kiểm tra và phong tỏa, có thể tài sản của họ, có thể tài sản liên đới kể cả của người thân có liên quan tới vụ án.

- Biệt thự của ông Trịnh Xuân Thanh trên Tam Đảo đã kê biên chưa?

Cái này cơ quan điều tra đang làm để phân tích rõ. Tài sản chung riêng hoặc kể cả người ta bán đi rồi thì không thể kê biên của người khác vào được.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn