Thói xấu của bóng đá Việt Nam: Thua đồng nghĩa với bán độ

Thể thaoThứ Bảy, 13/12/2014 01:39:00 +07:00

Việt Nam bán độ luôn là suy nghĩ đầu tiên của VFF cũng như người hâm mộ sau mỗi trận thua của đội tuyển Việt Nam

(VTC News) - Thay vì ngồi lại mổ xẻ rút kinh nghiệm, bóng đá Việt Nam từ nhiều năm nay đã mặc định, cứ sau một trận thua là sẽ nghi ngờ cầu thủ bán độ.

Chuyện nghi ngờ ĐT Việt Nam bán độ sau mỗi lần thua cuộc không còn là điều hiếm. Cách đây 2 năm, cũng trong khuôn khổ AFF Cup, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng rời giải ngay sau vòng bảng. Khi ấy, dư luận rộ lên tin đồn "Tuyển Việt Nam bán độ".
Cách bóng đá Việt Nam đón nhận thất bại luôn khiến dư luận nảy sinh suy nghĩ tiêu cực 
Đỉnh điểm của những sự nghi ngờ là việc ông Lê Hùng Dũng (khi đó còn là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính) gây sốc với tiết lộ: VFF đã lập danh sách các cầu thủ có thái độ thi đấu thiếu tích cực tại AFF Cup và sẽ vĩnh viễn không gọi họ vào ĐTQG. 

Lời ông Dũng chẳng khác nào việc hé lộ danh tính cụ thể những cầu thủ bán độ. Chẳng cần biết ai nằm trong “danh sách đen”, mà cứ nhìn vào những đợt tập trung đội tuyển sắp tới, cầu thủ nào không được gọi là chắc chắn đó sẽ là người "nhúng chàm".

Cũng bởi cái “danh sách đen” mà Công Vinh bị nghi lên ngờ xuống vì anh là cầu thủ có phong độ không tốt ở giải đó. Sự thực sau đó thì cầu thủ người xứ Nghệ vẫn lên tuyển đều tại vòng loại Asian Cup 2015 và thậm chí vừa cùng ĐT Việt Nam đá AFF Cup 2014. 

Bản "danh sách đen" đó rốt cuộc gồm những ai, hay thực sự nó có tồn tại hay không, rốt cuộc chẳng ai biết. Vấn đề là cách tiếp nhận thất bại của VFF và những người có trách nhiệm luôn khiến dư luận nảy sinh những tiêu cực.

Video bàn thua đáng ngờ của Việt Nam
Mới đây nhất là tại SEA Games 27, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc thi đấu như mơ ngủ và bị loại sớm ngay vòng bảng. Thành tích 10 năm liên tiếp góp mặt ở bán kết của ĐT Việt Nam chấm dứt, cùng với đó là nghi án bán độ được xới lên.

Những Văn Quyết, Phi Sơn, Hồng Quân, Minh Tuấn, Tiến Thành... khi ấy cũng lao đao vì những nghi ngờ và đồn đoán. VFF không nói thẳng ra như Chủ tịch Lê Hùng Dũng lần này nhưng tương lai của họ cũng toàn một màu xám xịt.

Chỉ đến khi HLV Hoàng Văn Phúc nhận hết trách nhiệm về mình, câu chuyện mới tạm lắng xuống. Nhưng nổi cộm lên trên tất cả vẫn là văn hóa "đổ lỗi" cho các cầu thủ sau mỗi thất bại.

Dường như sau mỗi trận thua lịch sử là vấn đề về tư tưởng của cầu thủ lại được đặt ra. Không một ai (dám) tin vào việc ĐT Việt Nam thua là do năng lực, do thiếu may mắn, hoặc do sai lầm cá nhân. Đó là hậu quả của quá nhiều bê bối từ trong quá khứ, bắt đầu từ vụ bán độ nổi tiếng tại Bacolod ở SEA Games 23.

Trong một năm mà bóng đá Việt Nam có quá nhiều vụ bán độ như trường hợp của V.Ninh Bình hay Đồng Nai, thì người ta cực kỳ nhạy cảm với những trận cầu bất thường. 

Video những pha bỏ lỡ của ĐT Việt Nam 
Real Madrid từng thua sốc 0-5 trước Barca ngay trên sân nhà, nhưng họ không bao giờ bị nghi bán độ. Lý do là bởi văn hóa này chưa hình thành tại đấy. Ngược lại, ĐT Việt Nam thua Malaysia 2-4 lại rất dễ quy kết vào việc bán độ. Nguyên do rất đơn giản, thói xấu này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người làm bóng đá nước nhà.

ĐT Việt Nam có bán độ hay không, các cầu thủ có vấn đề về tư tưởng hay không là chuyện hậu xét. Nhưng rõ ràng, chuyện nghi ngờ những người đổ cả máu vì màu cờ sắc áo  không phải là điều có thể nói ra dễ dàng, đặc biệt là sau một trận thua choáng váng như trước Malaysia.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn