Thiếu nguồn GV tiếng Anh dạy tiểu học

Tổng hợpThứ Ba, 25/10/2011 01:49:00 +07:00

Mục tiêu của đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020, cả nước sẽ hoàn thành phổ cập tiếng Anh cho học sinh lớp 3 vào năm 2018-2019.

Theo mục tiêu của đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, cả nước sẽ hoàn thành phổ cập tiếng Anh cho học sinh lớp 3 vào năm 2018-2019. Tuy nhiên, với những khó khăn đang vướng phải hiện nay, nếu không sớm tháo gỡ chúng ta khó có thể hoàn thành mục tiêu trên. Bởi với ngay một TP lớn như TP.HCM, đến nay sau 2 năm thí điểm triển khai chương trình tiếng Anh đại trà, vấn đề đội ngũ giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học vẫn là bài toán khó với các trường.
Không có nguồn tuyển
Thực tế trên, không chỉ khiến Ban giám hiệu các trường TH trên địa bàn TP.HCM đau đầu mà ngay cả với các trường ĐH sư phạm đóng trên địa bàn cũng cảm thấy bối rối vì không làm tròn trách nhiệm: đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Tính đến nay sau hai năm thí điểm chương trình tiếng Anh đại trà cho học sinh TH, TP.HCM mới chỉ có 9 trường được chọn thực hiện thí điểm, cả nước mới chỉ có 72 trường, cũng như chưa có một trường ĐH - CĐ nào có mã ngành tiếng Anh tiểu học làm nhiệm vụ chuyên trách đào tạo giáo viên cho các trường.
Nguồn cung thì không có, trong khi đó yêu cầu chuẩn đối với giáo viên giảng dạy tiếng Anh TH lại khá cao khi Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên phải đạt chuẩn B2 (tương đương 550 điểm TOEFL) và mới đây, khi nhận thấy thực tế khó khăn các trường và địa phương đang phải đối mặt, Bộ GD&ĐT đã đồng ý hạ chuẩn xuống còn mức B1 (tương đương 400 điểm TOEFL) với điều kiện giáo viên cam kết tự bồi dưỡng nâng cao trình độ vào cuối năm học. Tuy nhiên, ghi nhận từ các trường TH trên địa bàn TP.HCM, với chuẩn B1 trên, các trường cũng khó có giáo viên và nguồn giáo viên ổn định nếu không làm tốt công tác chăm lo và hỗ trợ đời sống giáo viên.
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng Trường TH Lê Đình Chinh (Q.11) cái khó nhất trong việc tuyển giáo viên hiện nay ngoài việc các trường sư phạm chưa có nguồn cung, thì mức đãi ngộ dành cho giáo viên tiếng Anh dạy TH thấp cũng là nguyên nhân khiến các trường gặp khó. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên dạy tiếng Anh theo chương trình thí điểm không dạy quá 18 tiết/tuần, tức 72 tiết/tháng. Với mức thù lao khiêm tốn hiện nay, một tiết dạy, giáo viên tiếng Anh chỉ có mức thu nhập từ 20.000-30.000 đồng/tiết dạy, chưa tính các khoản phụ cấp khác (nếu có), tổng thu nhập của một giáo viên tiếng Anh tiểu học chỉ ở mức 1,7 - 2,1 triệu đồng/tháng. Mức thu này là quá khiêm tốn so với mặt bằng đời sống chung của xã hội nên việc giáo viên dạy tiếng Anh bậc TH chưa thu hút được nhân lực là điều có thể hiểu.
Theo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, mỗi năm cả nước cần hơn 6.000 giáo viên tiếng Anh, riêng TP.HCM cần ít nhất 200 đến 300 giáo viên tiếng Anh tiểu học. Tuy nhiên, theo một cán bộ khoa Anh văn đại học Sư phạm TP.HCM thì con số trên hiện nay trường vẫn chưa thể đáp ứng cho các trường vì hồ sơ xin phép mở chuyên ngành tiếng Anh tiểu học vẫn còn chờ Bộ phê duyệt. Vì lẽ đó, trong cảnh “giật gấu- vá vai” như hiện nay, phần lớn giáo viên đứng lớp dạy tiếng Anh trẻ em cho các trường TH trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là từ các khoa Anh văn nói chung của nhiều trường, bổ sung thêm chứng chỉ ngắn hạn về phương pháp dạy tiểu học rồi đứng lớp, chứ giáo viên chuyên bậc học là chưa có.
Học sinh tiểu học hứng thú với giờ học ngoại ngữ 

Các trường tự bơi
Hiện nay, do khó khăn về nguồn giáo viên nên các trường TH trên địa bàn TP.HCM không còn giải pháp nào khác là lấy nguồn giáo viên từ các trường sư phạm có chuyên ngành ngoại ngữ hoặc tìm nguồn giáo viên thỉnh giảng, đáp ứng yêu cầu và trình độ từ các nơi dưới hình thức thời vụ hay ký hợp đồng từng năm một. Một số nơi vì không tìm được nguồn giáo viên đứng lớp đã phải kết hợp với các Trung tâm ngoại ngữ ký hợp đồng nhờ họ tuyển giáo viên cho.
Tuy nhiên, theo ông Trương Hoàng Mạnh Hùng, cơ sở ngoại ngữ Phan Đình Phùng (Q.3) một trong những đơn vị có hợp đồng cung cấp giáo viên Anh văn cho một số trường tiểu học cho biết: Yêu cầu của các trường khi đặt tìm giáo viên đủ năng lực dạy tiếng Anh tiểu học là rất cao. Vì thế, chúng tôi cũng “đỏ mắt” mới tìm được vài người cho họ. Nhưng với mức thù lao như hiện nay, tôi không dám đảm bảo họ sẽ bám trụ lâu. Bởi với một người giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy được xếp thời khoá biểu dạy hai lớp tiếng Anh tự chọn, tối đa 8 tiết/tuần, với mức thù lao 50.000 đồng/tiết (đã vượt khung quy định của Bộ) thì thu nhập của họ cũng chỉ là 1.600.000 đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, giáo viên giỏi họ sẽ rất dễ bỏ trường nếu tìm được chỗ có thu nhập tốt hơn.
Thầy L.Th.H, hiệu trưởng một trường TH chia sẻ: “Việc triển khai chương trình dạy tiếng Anh ngay từ bậc TH của Bộ GD&ĐT là rất đúng đắn. Tuy nhiên, trước khi triển khai Bộ cần chủ động sẵn nguồn giáo viên cho các trường. Thực tế hiện nay, các trường chỉ tuyển được sinh viên mới ra trường hoặc những người công tác ở lĩnh vực khác, xem dạy học như nghề tay trái kiếm thêm thu nhập họ mới qua dạy, chứ với mức đãi ngộ như hiện nay, để thu hút nguồn lực chất lượng về các trường là điều không dễ. Vì biết không thể trông chờ vào nguồn tuyển nên ngay từ khi triển khai các chương trình dạy tiếng Anh, chúng tôi đã phải rất chủ động trong khâu “ngoại giao” để có được một cơ số giáo viên dạy tiếng Anh cơ bản, chứ nếu không sẽ không thể mở lớp theo chỉ đạo và yêu cầu của phụ huynh”.
Một thực tế hiện nay là các trường TH dạy thí điểm chương trình tiếng Anh đại trà tại TP.HCM chưa có biên chế giáo viên tiếng Anh nên cũng rất khó để thu hút người giỏi về với mức đãi ngộ dưới mức sống tối thiểu như vậy. Các trường “tự bơi” chủ yếu nhờ nguồn giáo viên thời vụ, hợp đồng hoặc nhờ chính mối quan hệ của mình để mà chữa cháy” chờ có nguồn. Thầy Nguyễn Đạt Sử, phó hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của cho biết: Trường hiện có 3 chương trình Anh ngữ dành cho học sinh, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường và chương trình Cambridge (đang triển khai). Tuy nhiên, nhà trường không có biên chế giáo viên Anh văn. Vì vậy không cách nào khác là trường phải thỉnh giảng giáo viên ở ngoài về.
Cô Trần. Ng. V, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3 cũng cho rằng: Việc để các trường “tự bơi” như thế này thì rất khó đảm bảo chất lựợng đào tạo khi không có được nguồn giáo viên thật sự chuẩn chất. Trường chúng tôi hiện có 13 giáo viên có bằng cấp chuyên môn dạy Anh văn, tất cả đều ký hợp đồng một năm. Tuy nhiên nguồn giáo viên này không ổn định và chất lượng không đều. Nhưng vì quá khan hiếm nguồn tuyển, chúng tôi vừa hỗ trợ vừa yêu cầu các cô thường xuyên nâng cao nghiệp vụ. Mặt khác, để giúp thầy cô toàn tâm toàn ý với công tác chuyên môn khi ngân quỹ lương có hạn, nhà trường đặc biệt quan tâm đến các chính sách chăm lo đời sống cho họ, nhằm ổn định nguồn giáo viên đứng lớp. Bởi theo cô, nếu Ban giám hiệu không làm tốt công tác chăm lo, nguy cơ giáo viên nhảy việc sẽ rất cao khi có nơi hậu đãi tốt hơn. 
Đó mới chỉ là thời điểm hiện tại, với số lượng trường triển khai thí điểm các chương trình tiếng Anh còn ít. Trong tương lai, khi các chương trình tiếng Anh như: tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đại trà với yêu cầu thời lượng giảng dạy nhiều hơn, đội ngũ giáo viên lúc ấy sẽ là bài toán cực kỳ nan giải với các trường.

Theo GD&TĐ
Bình luận
vtcnews.vn