Bầu Kiên: Sẵn sàng bỏ kinh doanh, làm bóng đá

Thể thaoThứ Năm, 09/02/2012 04:50:00 +07:00

(VTC News)- Bầu Kiên tiết lộ 5 khúc mắc trong bản hợp đồng giữa VFF với AVG mà ông đề nghị thanh tra Bộ làm rõ.

(VTC News)-  Bản quyền truyền hình là vấn đề được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Và khi chưa có công văn trả lời chính thức từ kết quả của đoàn thanh tra thì mọi chuyện vẫn chưa ngã  ngũ.

PV: Về vấn để bản quyền truyền hình, đến giờ, VPF có thêm ý kiến gì không ?

Bầu Kiên: Tôi thì không định đôi co, bởi đã có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng cũng như sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, chúng ta chờ đợi quyết định của những người có thẩm quyền. Kể cả  tôi sai, tôi cũng sẵn sàng thực hiện kết luận của nhữnng người có thẩm quyền.

Còn vì sao tôi chọn Bản quyền truyền hình như là việc cần phải làm. Bởi tôi cũng như HĐQT thấy rằng đây là vấn đề liên quan đến tương lai của Bóng đá Việt Nam, đến quyền lợi trực tiếp của giới thông tin truyền thông. Tôi biết áp lực việc này là rất lớn. Nhưng tôi không ngại và không sợ áp lực. Tôi sẵn sàng làm đến cùng, làm đến nơi đến chốn. Giống như tôi nói với anh em trong thường trực HĐQT, tôi có thể bỏ kinh doanh để đi đến cùng với bóng đá.

Việc chúng tôi làm là vì mục đích rất đàng hoàng, không vì bất kể cá nhân ai, không vì đánh bóng tên tuổi ông Kiên hay đánh bóng tên tuổi bất cứ ai. Vấn đề truyền hình là rất lớn và áp lực lên lãnh đạo cũng rất lớn....

VPF muốn hợp tác, nhưng...

PV: Xin ông Kiên cho biết ông đã cung cấp những "tài liệu mật" nào cho đoàn thanh tra của Bộ ?

Bầu Kiên: Tôi khẳng định không có bất cứ thông tin nào gọi là mật cả. Tôi sẵn sàng công khai những gì mà tôi đã nói với đoàn thanh tra.

1. Đề nghị đoàn thanh tra kiểm tra xem công ty An Viên có trụ sở tại Khánh Hòa có đủ thẩm quyền để kí, mua Bản quyền truyền hình để bán cho các đài truyền hình hay không? Vì tôi thấy trong giấy phép  đăng kí kinh doanh của công ty An Viên vào ngày trước khi kí hợp đồng cũng như giấy đăng kí thay đổi gần đây có mâu thuẫn giữa mã số kinh doanh so với giấy phép đăng kí kinh doanh. Nếu căn cứ mã số kinh doanh,  thì theo quyết định của Thủ tướng chính phủ và quyết định của Bộ Kế hoạch Đầu tư về danh mục ngành nghề kinh doanh thì An Viên không được quyền mua và bán Bản quyền truyền hình. Trong mã số này, An Viên chỉ được quyền môi giới bản quyền truyền hình (giới thiệu người mua với người bán).

12.  2. Với giấy phép đăng kí kinh doanh của An Viên hiện có, thì căn cứ vào luật báo chí năm 1989, sửa đổi năm 1999, điều 1 và điều 17, An Viên có phải là cơ quan báo chí hay không? ....Theo tìm hiểu của tôi thì công ty truyền thông An Viên không phải là cơ quan báo chí.

3. Liên đoàn bóng đá Việt Nam khi kí hợp đồng này có đủ thẩm quyền hay không khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của đại diện có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Vì theo như văn bản VFF gửi cho chúng tôi thì hợp đồng này được BCH VFF thông qua tại hội nghị ở Nha Trang có một số đại diện CLB tham gia nhưng những thứ liên quan đến tiền bạc, quyền lợi kinh tế, phải được sự chấp thuận bằng văn bản của đại diện có thẩm quyền của tất cả các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Theo luật thể thao thì bản hợp đồng có phù hợp và đúng chức năng hay chưa ?

4. VTV có được tham vấn trước khi VFF kí hợp đồng với AVG hay không ?... VFF kí với AVG không thông qua đấu thầu, không thông qua chào giá cạnh tranh, không tạo điều kiện cho VTV, là chưa thỏa đáng.

5. Theo thông tin tôi được biết trong hợp đồng giữa An Viên và VFF có 2 điều khoản. Thứ nhất, trách nhiệm của VFF là phải thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì hợp đồng mới có hiệu lực. Liên quan đến trách nhiệm của An Viên cũng có một điều khoản tương tự, phải thông qua các cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực. Cho đến giờ này, tôi chưa nhận được hay xem bất cứ văn bản nào của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tính hợp đồng giữa VFF và An Viên.

PV:  Nếu kết luận thanh tra chỉ ra VPF đã sai thì VPF giải quyết thế nào ?

Kết luận ấy có thể tâm phục, khẩu phục, mọi bên có trách nhiệm phải thi hành. Hoặc nếu như còn chưa rõ thì chúng ta có thể yêu cầu chính Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch tổ chức đoàn phúc tra. Nếu như VPF vẫn chưa thấy thỏa mãn thì có thể kiến nghị lên Tổng cục thanh tra Chính phủ. Kể cả sau khi tất cả các quyết định thanh tra vẫn chưa thỏa mãn thì nơi giải quyết cuối cùng là Tòa án.

Nếu như chúng tôi thấy rằng hợp đồng đó được công nhận mà vẫn chưa thỏa đáng thì các CLB có thể triệu tập, đề nghị Liên đoàn bóng đá VN tổ chức đại hội bất thường để xem xét vấn đề này. Và trong hợp đồng nào cũng có điều khoản thanh lý, trong trường hợp ấy, nếu như các CLB có tiếng nói đồng thuận, tôi cho rằng VFF sẽ phải xem xét.

Hiện nay, bước cuối cùng là chúng tôi có thể đề nghị đại hội liên đoàn bất thường để xem xét  tổng thể các vấn đề của bóng đá Việt Nam.

Nhưng đó là những việc có thể làm chứ không phải việc VPF mong muốn làm. Chúng tôi muốn mọi việc được giải quyết nhẹ nhàng, êm đẹp ,để các bên cùng có lợi. Nhưng chúng tôi biết cần thế nào để làm đến cùng. Có làm hay không thì còn phụ thuộc ý kiến chủ tịch 28 CLB, các thành viên Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Chúng tôi đã bàn nhau rất kĩ và biết sẽ hành động hết sức vào thời điểm nào và cách làm như thế nào.

Nhạc Dương- Chu Đức



Bình luận
vtcnews.vn