VFF và câu chuyện cũ như... thi đại học

Thể thaoThứ Sáu, 06/07/2012 08:26:00 +07:00

Sau thất bại của đội U 22 Việt Nam tại vòng loại Châu Á, VFF có vẻ như đã đưa ngay ra giải pháp: sẽ cho tập huấn ở Châu Âu. Tưởng có gì mới, chuyện này cũ rích.

Sau thất bại của đội U 22 Việt Nam tại vòng loại Châu Á, VFF có vẻ như đã đưa ngay ra giải pháp: sẽ cho tập huấn ở Châu Âu. Tưởng có gì mới, chuyện này cũ rích.

Còn nhớ trước SEA Games 26 năm ngoái, ông Fanko Goetz từng nài nỉ đến gãy lưỡi VFF về những chuyến tập huấn tại Đức nhưng cuối cùng bị gạt phắt. Lý do, thiếu tiền và không nằm trong kế hoạch.

Bây giờ, BHL về báo cáo sở dĩ chúng ta thua Malaysia là do họ được tập huấn ở Châu Âu. VFF lại lên kế hoạch cho đi.

Bao nhiêu năm rồi, từ đội tuyển lớn cho tới các tuyển trẻ dường như chưa thoát khỏi hình ảnh cái cày mà VFF ra sức đẽo.

Trước thì đẽo theo Thái Lan, gần đây thì đẽo theo Malaysia.

Giờ thì U22 VN không còn là đối thủ của U22 Malaysia.

Chẳng hạn, việc chọn HLV nội hay ngoại. Nếu như không có cái bóng của người Mã bỗng nhiên thành công cả SEA Games lẫn AFF Cup thì những người lãnh đạo nước nhà không thể thông suốt về việc chọn HLV nội ngồi vào ghế HLV trưởng.

Rồi chuyện tập trung dài hạn hay không dài hạn đội tuyển trẻ. Đã có lúc bóng đá Việt Nam cố gắng tập trung dài, nhưng lúc thua, VFF sẵn sàng tuyên bố không tập trung dài hạn nữa. Giờ thấy người ta tập huấn dài hạn, chơi tốt, như Myanmar chẳng hạn, lại tính đến khả năng nuôi gà là đội U 22 cả năm cho chiếc HCV SEA Games năm sau.

Câu chuyện này không khác gì câu chuyện về việc thi Đại học mà bố mẹ cứ “lái” con theo mình theo kiểu chọn thầy, chọn trường hộ con mà lại thiếu sự quan tâm đến khả năng của con mình đến đâu. Nếu như luyện người mà chọn giải pháp lúc thì Ngoại thương, nhưng khi thấy Ngoại thương bị kêu là “chảnh” thì quay sang Kiến trúc thì chắc chắn là trượt vỏ chuối.

Tất cả các giải pháp mà VFF đưa ra cho U 22 lúc này đều mang tính nhất thời mà người ta chưa nhìn thấy hình ảnh nào cho một cuộc cách mạng từ những giải pháp ấy.

Không cần phải liệt kê nhưng để có một đội bóng mạnh, phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản: trò tốt và thầy tốt.

Chỉ có điều “trò” sau vòng loại U 22 Châu Á đã cho thấy không tốt, hoặc chỉ một vài nhân tố tốt. Giải pháp đưa ra, theo quan chức VFF là sẽ đôn nhiều cầu thủ trẻ lên đội tuyển để tích lũy kinh nghiệm. Một quan VFF nói rất hài hước: “Vì bóng đá Việt Nam đã vô địch AFF rồi, trong khi chưa có HCV SEA Games nên cần đầu tư nhiều hơn cho SEA Games”. Biến đội tuyển thành nơi thí nghiệm là một sai lầm lớn và cái tư duy “vì đã từng bắt được cá chép (AFF Cup) nên giờ đầu tư bắt con cá cờ” chỉ làm thụt lùi nên bóng đá.

Vấn đề cần giải quyết là tạo môi trường cho chính các cầu thủ ở sân chơi V.League thì VFF và các CLB chưa tìm được tiếng nói chung.

Thầy giỏi, điều này cần. Cái giỏi ở đây là kinh nghiệm và chuyên môn chứ không phải là câu chuyện bằng cấp khiến VFF phải vội vã thay ông Mai Đức Chung bằng ông Lư Đình Tuấn.

Nói SEA Games năm 2013 tưởng là rất xa, nhưng hóa ra lại rất gần. Cái tương lai mới thực sự là đáng lo.



Song An - Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn