Vì sao MU, Barca hay thua trên sân khách?

Thể thaoThứ Bảy, 08/10/2011 04:00:00 +07:00

Cũng luật lệ như thế, cũng những cầu thủ như thế và kích cỡ khung thành không thay đổi, vậy tại sao chơi trên sân khách luôn khó khăn hơn?

Cũng luật lệ như thế, cũng những cầu thủ như thế và kích cỡ khung thành không thay đổi, vậy tại sao chơi trên sân khách luôn khó khăn hơn? Đó thực sự là một bí ẩn làm đau đầu ngay cả những huấn luyện viên vĩ đại nhất.

Barcelona chỉ thắng được một lần duy nhất trên sân khách ở tất cả các vòng loại trực tiếp Champions League dưới thời Pep Guardiola. Manchester United (M.U) có số trận thắng sân khách bằng đội rớt hạng Blackpool ở mùa giải trước và Leeds từng có mùa không thắng nổi trận nào khi xa nhà.

Sức ép khủng khiếp từ các khán đài có thể khiến những ngôi sao lớn như
Wayne Rooney chùn bước - Ảnh Getty

Bình luận trước trận chung kết Champions League mùa giải trước, M.U gặp Barcelona ở sân trung lập Wembley, Sir Bobby Charlton thử giải thích tại sao các cầu thủ thấy thoải mái hơn trên sân nhà: “Tôi thường được hỏi tại sao ưu thế sân nhà lại quan trọng đến thế. Tất nhiên đám đông khán giả có vai trò lớn. Nhưng không chỉ thế. Cũng giống như bạn được ở trong chính ngôi nhà mình vậy. Bạn biết chính xác mọi thứ ở đâu và bạn đang đứng đâu trong đống đồ đạc”. Đó rõ ràng là cách giải thích dễ hiểu về việc tại sao các cầu thủ chơi hay hơn hẳn trước các khán giả nhà, nhưng liệu mọi chuyện có đơn giản thế không?

Không ở đâu bằng ở nhà

Jose Mourinho không bao giờ là một huấn luyện viên nhàm chán trong phòng họp báo, và một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông là về thành tích trên sân nhà. “Ai cũng biết rằng Mourinho không thua trận ở Stamford Bridge. Thành tích của tôi trên sân nhà là bất bại, thật đáng kinh ngạc”, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha nói trước khi Inter Milan của ông loại Chelsea ngay tại Stamford Bridge ở Champions League năm 2010.

Trong hơn ba năm ở Chelsea, quả thật Mourinho không thua trận nào trên sân nhà. Còn đáng khâm phục hơn, từ ngày 23/2/2002 đến ngày 11/4/2011, tất cả các đội bóng mà Mourinho dẫn dắt bất bại trên sân nhà, kéo dài chín năm và 150 trận liên tiếp, cho đến khi Sporting Gijon của huấn luyện viên Preciado rời Bernabeu với chiến thắng 1-0 đầy bất ngờ.

Không ở đâu bằng ở nhà

Như Charlton đã giải thích, thành tích đáng gờm trên sân nhà không phải là điều gì mới mẻ và mặc dù Old Trafford đã thay đổi rất nhiều sau những lần cải tạo lớn, lợi thế có được từ việc chơi ở chỗ sào huyệt của mình vẫn thế.

“Được chơi trên sân nhà giúp cho bạn có được những lợi thế không ngờ tới, chẳng hạn như việc định vị sân bóng luôn dễ dàng hơn rất nhiều”, Charlton nhớ lại. “Ở thời của tôi, đó là những ống khói nhà máy có thể nhìn thấy từ sân bóng. Với những người không quen, chúng là những vật thể lộn xộn chỉ làm rối mắt, nhưng với chúng tôi, nó giúp xác định đường chuyền sắp tới sẽ có độ khó ra sao, cú sút cần nhắm vào góc nào và quả tạt phải được thực hiện ở đâu”.


Trong các cuộc thi cá chọi, người ta luôn yêu cầu hai con cá phải được thả vào cùng một chậu nước trung lập, chứ không chấp nhận việc thả con cá này sang chậu nuôi con kia, hay ngược lại. Ưu thế sân nhà trong bóng đá có lẽ cũng giống như thế, khi đội khách thường lạ lẫm với gần như tất cả những gì trên sân.

Tottenham có thể làm chứng cho điều nói trên trong trận làm khách của họ trên sân cỏ nhân tạo của đối thủ Thụy Sĩ Young Boys tại Bern ở vòng sơ loại Champions League mùa trước. Đại diện Premier League bị dẫn trước 3-0 chỉ sau 28 phút! “Tôi cho rằng Spurs đã thua trận từ trước khi trọng tài thổi còi khai cuộc. Chúng tôi đã thắng tất cả các trận sân nhà ở Europa League, và đá ở đó, đối với chúng tôi, quen thuộc như trong một buổi tập”, hậu vệ phải của Young Boys Scott Sutter bình luận.


Yếu tố tâm lý

Bóng đá được chơi trong không gian mở, nhưng ở đẳng cấp cao lại đòi hỏi sự tập trung không kém một giải cờ vua cho các đại kiện tướng. Thế nên, bạn không cần phải là Sigmund Freud mới nhận ra rằng những tiếng la hét trên khán đài, sự thoải mái quá mức của đối thủ và đương nhiên, nỗi lo sợ cũng như cảm giác bị trọng tài xử ép, tất cả những điều liên hệ mật thiết với sân nhà hay sân khách, có ảnh hưởng quan trọng không kém các tính toán về lực lượng.

“Trước khi trở lại với Premier League, Hull đã không chơi ở hạng cao nhất suốt 104 năm và chúng tôi rất lo lắng”, cựu huấn luyện viên Hull Phil Brown nhận xét. “Đó là một cảm giác đầy sợ hãi. Chúng tôi không tin nổi là mình có thể thắng trận khi xa nhà”. Thế nhưng, bốn trong năm trận đầu tiên của Hull ở Premier League mùa 2008-2009 đã kết thúc bằng chiến thắng, khi đội bóng của Brown lần lượt đánh bại Newcastle, Arsenal, Tottenham và West Brom. Trận thua duy nhất của họ là trước M.U với tỉ số 3-4 ở Old Trafford. Tuy nhiên, kể từ đó họ chỉ thắng thêm được một trận khi xa sân nhà KC trong nhiệm kỳ của Brown, người mất việc vào tháng 3/2009.

Khi chuỗi trận không thắng trên sân khách càng kéo dài, gánh nặng tâm lý càng lớn. “Mọi cầu thủ khi ra sân đều nói họ muốn chiến thắng”, chuyên gia khoa học thể thao David Brown ở Viện nghiên cứu thần kinh thể thao nói. “Nhưng tâm trí họ lại nói khác. Mọi cầu thủ đều biết rằng sẽ khó thắng hơn khi chơi ở sân khách, và cho dù họ có thích hay không, điều đó ảnh hưởng đến lối chơi của họ”.

Steve McClaren cũng là nạn nhân của hội chứng sân khách vốn gây ra những ảnh hưởng hết sức nặng nề cho ĐT Anh

Giai đoạn ngắn ngủi huấn luyện viên Steve McClaren dẫn dắt tuyển Anh được nhớ đến nhiều nhất bởi hình ảnh ông đứng bên ngoài sân, tay cầm một chiếc ô dưới trời mưa tầm tã và vẻ mặt thất thần chứng kiến đội bóng của ông bị Croatia chặn lại ở vòng loại EURO 2008. Trong khi thất bại đó để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người hâm mộ, cũng cần nhắc lại rằng nếu không có trận hòa tai hại ở Israel hay thất bại đáng trách tại Nga, đội bóng của McClaren đã đến được Áo và Thụy Sĩ khá dễ dàng.

Nhà tâm lý học thể thao Bill Beswick làm việc cùng tuyển Anh khi đó và có thể là người hiểu rõ nhất về ảnh hưởng của việc chơi trên sân khách với các cầu thủ và toàn đội bóng. “Một phần quan trọng của bóng đá là chuẩn bị cho các trận đấu tiếp theo, cho bối cảnh môi trường của toàn bộ trận đấu đó”, Beswick phân tích.

“Trong những tình huống quyết định ở bóng đá đỉnh cao, chỉ cần 1% thiếu tập trung, 100% bạn sẽ thất bại. Chơi bóng trong một môi trường xa lạ, xa nhà, ở một kỳ World Cup khác biệt về thời tiết và múi giờ, di chuyển đến một sân bóng mới, và những điều tương tự, là thách thức rất lớn với sự tập trung của các cầu thủ”.


Nếu có câu lạc bộ nào có thể lấy ra làm ví dụ về những nỗi thất vọng kéo dài khi chơi trên sân khách, thì đó là Celtic của Scotland. Đội bóng thành phố Glasgow đã thua 21 trong 22 trận họ xa nhà ở Champions League. Michael Grant, nhà báo phụ trách trang bóng đá của tờ Glasgow Herald giải thích rằng chuỗi thành tích tồi tệ đó một phần là do Celtic chơi trên sân nhà quá tốt. “Mỗi khi sân Celtic Park kín chỗ, bầu không khí ở đó luôn thật kinh ngạc. Sự phấn khích đó rõ ràng biến mất trên sân khách”.

Một địch thủ của Celtic về khoản nhất trên sân khách là Fulham. Từ ngày 9/9/2006 đến ngày 12/8/2008, đội chủ sân Craven Cottage không thắng nổi một trận nào ở Premier League khi xa sân nhà bên dòng sông Thames của họ. Fulham đã chơi với đội hình, chiến thuật và nhân sự gần như không thay đổi dù ở Craven Cottage hay khi xa nhà, nhưng chiến thắng vẫn cứ ngoảnh mặt, như thể họ chấp nhận một lời nguyền kỳ quặc nào đó.

“Phòng thay đồ như trong địa ngục”

Vào những năm 1980, các sân bóng nổi tiếng ở Anh như Stamford Bridge, The Den (sân nhà của Millwall) hay Upton Park chắc chắn không phải là nơi dành cho những người yếu tim. “Mặt đất như chuyển động bởi các cổ động viên đồng loạt nhảy dậm chân trên các khán đài”, cựu trung vệ Chelsea Colin Pates nhớ lại. “Khi tôi bước về phía cuối sân, gần những khán đài khi đó còn có hàng rào, tôi có thể ngửi thấy mùi bia rượu nồng nặc từ các khán giả như đang phát điên”.

Phòng thay đồ cũng là một phần của "nghịch lý" sân nhà- sân khách

Thêm vào đó, lợi thế sân nhà đồng nghĩa với việc đội chủ nhà muốn bố thí cho các vị khách thứ gì trong phòng thay đồ, thì họ đành phải chấp nhận. “Không ánh sáng, không đèn, không cửa sổ, cứ như trong địa ngục vậy”, Eamon Dunphy, cựu tuyển thủ Ireland nay chuyển sang làm bình luận viên, nhớ lại. “Phòng tắm thật khủng khiếp. Rồi khi bạn bước ra sân thì là họ, Millwall, phía sau là những cổ động viên điên loạn. Họ lao vào bạn trên sân, và cả trên khán đài”.

Tuy nhiên, ngay cả như thế vẫn còn tử tế chán so với một số trận đấu của các đội tuyển quốc gia. “Tôi từng khoác áo tuyển Mỹ đến chơi ở El Salvador, nơi cổ động viên thoải mái chạy xuống sân”, McBride, có 96 trận khoác áo đội tuyển quốc gia, nói. “Chúng tôi phải vừa đá vừa lo tránh những túi nhựa đựng nước tiểu họ ném vào chúng tôi từ khán đài, và những cục pin to đến mức có thể làm bạn bất tỉnh nhân sự. Với tôi ở Anh còn lịch sự chán”.

Millwall bất bại từ năm 1964 tới 1967, nhưng sự thật là họ, cùng với Chelsea và West Ham, cứ lên rồi lại xuống hạng liên tục trong những năm 1980 và đầu 1990 cho thấy sân nhà không chắc bảo đảm thành công. Còn El Salvador? Họ đã không vượt qua vòng loại World Cup suốt từ năm 1982.

Trọng tài là cổ động viên đội chủ nhà?

Năm 2007, nhà nghiên cứu Ryan Boyko của Đại học Harvard, Mỹ đã tiến hành theo dõi hơn 5.000 trận đấu ở Premier League liên quan tới hơn 50 trọng tài bắt chính. Những mô hình chạy hồi quy phức tạp của Boyko cho thấy cứ có thêm 10.000 cổ động viên trên sân, lợi thế cho đội chủ nhà thông qua trọng tài tăng thêm tương ứng với 0,1 bàn thắng. Nó cũng cho thấy quả thực có những trọng tài bị ảnh hưởng bởi yếu tố sân nhà. “Cá nhân các trọng tài và số lượng khán giả là những biến tác động có ý nghĩa thống kê đối với tỉ số”, Boyko cho biết. “Để đảm bảo các trận đấu diễn ra công bằng, lý tưởng nhất là các trọng tài phải không bị ảnh hưởng bởi khán giả”.

Xuất sắc như Collina cũng bị nghi ngờ thiên vị cho đội chủ nhà trong một số trận đấu tại Serie A

Những đội bóng yếu hơn chắc chắn sẽ ủng hộ mạnh mẽ lập luận đó. Ngoài ra, nghiên cứu của Boyko được củng cố bởi một công trình khác, mới hơn, thực hiện năm 2010 bởi hai tác giả người Mỹ khác, Jon Wertheim và Tobias Moskowitz, trong cuốn sách Scorecasting (Dự đoán tỉ số). “Chúng tôi phát hiện ra rằng có sự sai biệt trong các quyết định của trọng tài khi họ bắt các trận đấu của cùng một đội trên sân nhà và sân khách. Đám đông khán giả càng lớn, thì sai biệt càng lớn”, Wertheim nói.

Theo TTVH Cuối tuần
Bình luận
vtcnews.vn