Thế giới 24h:Tổng thống Obama bị cấm dùng iPhone

Thế giớiThứ Năm, 05/12/2013 05:05:00 +07:00

(VTC News) – Tổng thống Mỹ Obama không được phép sử dụng iPhone, Mỹ lo ngại về vùng ADIZ của Trung Quốc là những tin đáng chú ý ngày 5/11.

(VTC News) – Tổng thống Mỹ Obama không được phép sử dụng iPhone, Mỹ lo ngại về vùng ADIZ của Trung Quốc là những tin đáng chú ý ngày 5/11.

Tổng thống Mỹ không được phép dùng iPhone

Trong cuộc trò chuyện với nhóm thanh niên cổ động chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama tiết lộ, ông không được phép sử dụng iPhone mà chỉ dùng chiếc điện thoại BlackBerry quen thuộc. “Tôi không được phép xài iPhone vì lý do an ninh”.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Obama chỉ được sử dụng điện thoại BlackBerry với tính năng đặc biệt để Cơ quan mật vụ Mỹ có thể bảo vệ ông mọi lúc mọi nơi, tránh trường hợp bị lần theo dấu vết nếu điện thoại bị xâm nhập.

Obama
Tổng thống Obama không được phép sử dụng iPhone 
Không chỉ Tổng thống Obama không được sử dụng iPhone vì lý do an ninh mà Thủ tướng Đức và các quan chức cấp cao cũng bị cấm dùng dòng điện thoại này. Ngày 21/11, hai Đảng Dân chủ Tự do (CDU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Đức ra nguyên tắc “khẩn cấp” về điện thoại di động cho Thủ tướng và các quan chức cấp cao.

Theo nguyên tắc này, chính trị gia Đức chỉ được thực hiện cuộc gọi trên điện thoại đã mã hóa, đồng nghĩa với những điện thoại chưa được bảo vệ sẽ bị loại trừ. Như vậy, iPhone của Apple cũng không được phép sử dụng trong liên lạc chính thức.

Văn phòng Liên bang về An toàn thông tin Đức (BSI) đã thảo luận với lãnh đạo về vấn đề này và điện thoại chỉ nên được sử dụng nếu được BSI phê duyệt. Phần mềm của BSI không tương thích với iPhone nên sản phẩm từ Apple sẽ bắt đầu bị loại khỏi Quốc hội Đức.

Bộ Quốc phòng Mỹ cắt giảm nhân viên


Ngày 4/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel công bố kế hoạch cắt giảm 20% nhân lực của Bộ này để tiết kiệm 1 tỷ USD trong ngân sách giai đoạn 2014-2019.

Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cắt 2.400 nhân viên dân sự và chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ cắt giảm 200 nhân viên. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc tiết kiệm ngân sách của Bộ Quốc phòng là cắt giảm hợp đồng với các công ty tư nhân. Việc cắt giảm các nhân viên dân sự sẽ chỉ chiếm một phần nhở trong kế hoạch cắt giảm này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel 
Bộ Quốc phòng là một trong những cơ quan lớn nhất của Mỹ, với ngân sách hàng năm tới hơn 500 tỷ USD, và lực lượng lao động dân sự khoảng 800.000 người. Tuy nhiên, Bộ này đang phải cắt giảm chi tiêu trong điều kiện ngân sách mới. Theo đạo luật kiểm soát ngân sách, Bộ Quốc phòng Mỹ bị cắt giảm 40 tỷ USD trong năm ngân sách năm 2013, kết thúc ngày 30/9 vừa qua.

Tình báo Mỹ theo dõi gần 5 tỷ điện thoại di động/ngày


Tờ Washington Post đưa tin, cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi vị trí của gần 5 tỷ máy điện thoại di động ở nước ngoài mỗi ngày, bao gồm cả những máy thuộc về công dân Mỹ ở hải ngoại. Các dữ liệu này cho thấy NSA có thể dõi theo các di chuyển của hầu hết mọi điện thoại di động trên thế giới và vạch ra các mối quan hệ của người dùng điện thoại di động.
NSA nghe lén
NSA theo dõi gần 5 tỷ điện thoại di động/ngày 
Tờ báo này cũng cho biết 1 chương trình vi tính có năng lực phân tích cực mạnh tên là CO-TRAVELER đã “nuốt” trọn dữ liệu của hàng tỷ người mà họ không hề hay biết, dựng lại các mẫu quan hệ giữa những người này thông qua di chuyển của điện thoại của họ. Điều này có thể làm lộ một nghi phạm khủng bố chưa được biết trước đó.

Chương trình vi tính này được nói rất rõ trong các tài liệu mà cựu chuyên gia vi tính của NSA Edward Snowden tiết lộ cho tờ báo Mỹ nói trên. Shawn Turner, phát ngôn viên của Cục Giám đốc Tình báo Quốc gia từ chối bình luận về báo cáo nói trên.

Mỹ “lo ngại” về tuyên bố ADIZ của Trung Quốc

Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 4/12 tại Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đây, ông Joe Biden đã tỏ ý “lo ngại sâu sắc” về việc thiết lập Khu vực nhận diện phòng không mà ngày 23/11 vừa qua Trung Quốc tuyên bố.
Joe Biden Tập cận bình
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đây là thông tin được một quan chức Chính phủ cao cấp Mỹ tiết lộ. Cũng theo quan chức này, Phó Tổng thống Joe Biden cũng thẳng thừng không thừa nhận Khu vực nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc vẫn bảo vệ lập trường của mình và tiếp tục những “hoạt động cần thiết” tại Khu vực nhận diện phòng không.

Chính phủ Thái Lan kêu gọi lãnh đạo biểu tình đầu hàng


Ngày 4/12, chính phủ Thái Lan kêu gọi lãnh đạo cuộc biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban đầu hàng, để mở đường cho các cuộc đàm phán. Trước đó, ông Suthep bị Tòa án Hình sự Thái Lan phát lệnh truy nã vì tội nổi loạn và phản quốc. Nếu bị kết án, ông có thể chịu mức án tử hình hoặc chung thân. Tuy nhiên, ông Suthep từ chối nộp mình cho cảnh sát.

Theo ông Surarong - Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, những quan chức liên quan ông Suthep, cựu nghị sỹ Đảng Dân chủ, cũng có thể phải đối mặt với mức án 15 năm tù giam.
Suthep Thaugsuban
Lãnh đạo cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban 
Thời gian gần đây, phong trào chống chính phủ rầm rộ với những cuộc biểu tình lớn nhất ở thủ đô Bangkok kể từ năm 2010. Người biểu tình muốn lật đổ chính phủ do bà Yingluck Shinawatra lãnh đạo, vì cáo buộc bà dùng ảnh hưởng của mình để có những ưu ái đối với anh trai là cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ, ông Suthep còn yêu cầu lập lại toàn bộ hệ thống pháp luật, thành lập “Hội đồng Nhân dân” gồm đại diện của mọi tầng lớp xã hội và một thủ tướng lâm thời do hoàng gia bổ nhiệm. Bác bỏ đề xuất này, ông Surapong nói, chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của lãnh đạo biểu tình nhưng phải “nằm trong phạm vi hiến pháp và dân chủ”.

Ấn Độ trục vớt tàu ngầm sau vụ nổ nghiêm trọng nhất


Hải quân Ấn Độ đang lên kế hoạch trục vớt xác tàu ngầm Sindhurakshak và đưa nó vận hành trở lại. Tàu ngầm INS Sindhurakshak phát nổ và chìm ngay tại cảng vào ngày 14/8 khiến 18 thuỷ thủ thiệt mạng. Chiếc tàu cũng từng gặp sự cố trong một vụ nổ chết người khác hồi năm 2010.
tàu ngầm ấn độ
Ấn Độ lên kế hoạch trục vớt xác tàu ngầm Sindhurakshak  
Đô đốc D.K. Joshi cho biết, quá trình lựa chọn nhà thầu cho công tác trục vớt tàu đang được tiến hành. Hải quân Ấn Độ cũng sẽ kiểm tra tình trạng con tàu sau khi nó nổi lên và hy vọng có thể sửa chữa để đưa tàu vào lại biên chế. Bên cạnh đó, các mối quan ngại về vũ khí trên tàu cũng được loại bỏ khi ông cho biết hiện tại vũ khí trên tàu vẫn trong tình trạng ổn định.

Vụ nổ của tàu ngầm INS Sindhurakshak là tai nạn nghiêm trọng nhất mà hạm đội tàu ngầm Ấn Độ từng hứng chịu trong 47 năm qua.

Trung Quốc: Cấm xe công, đóng cửa trường học vì quá ô nhiễm

Trung tâm Khí tượng Quốc gia hôm 4/12 đặt cảnh báo màu vàng về mức độ ô nhiễm khói và sương mù bao phủ khắp các tỉnh như Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, TP Thượng Hải và Thiên Tân. Cảnh báo màu vàng là mức cao thứ ba trong hệ thống cảnh báo 4 cấp.
trung quốc ô nhiễm
Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng
Mức độ ô nhiễm tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông trở nên tồi tệ đến “nghiêm trọng” khiến chính quyền phải thắt chặt các biện pháp giảm ô nhiễm như cấm đốt than trong các nồi hơi, khu vực xây dựng và giới hạn sử dụng xe công.

Bên cạnh đó, đốt lá, rác thải, nướng thịt ngoài trời cũng bị cấm. Nhiều trường phải đóng cửa, các hoạt động ngoài trời cũng phải hủy bỏ, theo tuyên bố của chính quyền các tỉnh. Trong khi đó, ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, mức độ ô nhiễm cũng đã lên tới báo động đỏ (mức cao nhất) khiến thành phố phải thắt chặt lại các biện pháp giảm ô nhiễm tại các khu công nghiệp.

Tùy Phong(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn