Thành tựu của Việt Nam về quyền con người trong dân sự và chính trị

Tin nhanh 24hThứ Hai, 23/11/2020 11:39:00 +07:00
(VTC News) -

Từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người ở vị trí cao, các quyền con người được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp từ trước đến nay.

Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt ở vị trí cao nhiệm vụ bảo đảm quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Trên tinh thần đó, các quyền con người đã được khẳng định rõ trong các bản Hiến pháp từ khi lập nước đến nay. Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam 1946 mới chỉ gồm có 70 Điều, nhưng đã dành cho việc quy định các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân đến 18 điều và được trình bày tập trung tại một chương: “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân” và đặt trang trọng ở vị trí ưu tiên, ngay tại Chương II.

Hiến pháp 1959 là bước phát triển hơn nữa so với Hiến pháp 1946 với 21 điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Hiến pháp 1980 là Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất, kế thừa và phát huy tinh thần của hai Hiến pháp trước, với 29 điều quy định cụ thể về các quyền của công dân.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, là Hiến pháp của công cuộc đổi mới, đã khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân..." (Điều 2); “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” (Điều 50).

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa nội dung quyền con người quy định trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 sửa đổi, cũng như nội dung quyền con người theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966. 

Trong số này, có những đạo luật quan trọng, trực tiếp liên quan đến lĩnh vực dân sự chính trị như: Luật tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân... 

Trong quá trình xây dựng và trước khi thông qua Hiến pháp và các đạo luật quan trọng, dự thảo các văn bản đều được công bố rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp trên. 

Bằng việc tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội

Việt Nam chủ trương xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhà nước Việt Nam thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. 

Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn.  Thông qua bầu cử, người dân tự lựa chọn ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.  Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.

Hiến pháp Việt Nam nêu rõ: nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Thành tựu của Việt Nam về quyền con người trong dân sự và chính trị - 1

Bà con dân tộc Hà Nhì, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu đi bầu cử trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Trong những năm qua, hoạt động và vai trò của Quốc hội ngày càng được tăng cường. Đại biểu Quốc hội là những đại diện trực tiếp của nhân dân ở mọi tầng lớp, mọi giới, họ là các nhà hoạt động chính trị, xã hội, trí thức, công nhân, nông dân, giới tu hành và đại diện của các dân tộc ít người. 

Quốc hội đã thực hiện một cách hiệu quả công tác lập pháp và giám sát của mình. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn các thành viên Chính phủ đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào thực chất và có tác dụng như diễn đàn để người dân thông qua đại biểu của mình chất vấn cách thức điều hành của Chính phủ, đặc biệt đối với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức. 

Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc thực thi các quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ.

Thủ tướng ban hành Nghị định số 29 ngày 11/5/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường và Nghị định số 71 ngày 8/9/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan. Các quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; vị trí làm chủ của người lao động ở cơ sở không ngừng được nâng cao.

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; việc giải quyết số vụ khiếu nại, tố cáo của người dân ngày càng có hiệu quả hơn.

Theo quy định, các cơ quan Chính phủ phải tiếp dân, nghe dân trình bày và giải đáp cho dân, đồng thời phải tổ chức kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân. 

Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ về việc thi hành Luật Báo chí cũng quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được ý kiến, kiến nghị phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển hay đăng, phát trên báo, người đứng đầu cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội hữu quan phải thông báo cho cơ quan báo chí biết tình hình giải quyết vụ việc.

Pháp luật cũng quy định việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp