Thành nhà Hồ và chuyến tác nghiệp của PV VTC

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 02:19:00 +07:00

… Những hình dung đơn giản về Thành nhà Hồ của tôi dần dần được thay thế bằng những câu chuyện lịch sử ly kỳ, hấp dẫn…

17h (giờ Việt Nam) ngày 27/6/2011, phiên họp 35 của Ủy ban Di sản thế giới họp tại Paris (Pháp) đã quyết định công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới khiến những người con đất Việt đều nức lòng. Riêng tôi cảm thấy vô cùng tò mò. Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu qua sách vở, báo đài, qua những người bạn… Những hình dung đơn giản về Thành nhà Hồ của tôi dần dần được thay thế bằng những câu chuyện lịch sử ly kỳ, hấp dẫn…

 

 

Đoàn làm phim chúng tôi dự kiến đi từ Hà Nội vào huyện Vĩnh Lộc quay phim rồi trở ra thành phố Thanh Hóa phỏng vấn lãnh đạo tỉnh. Nhưng rất may, khi chúng tôi vừa đặt chân tới đất xứ Thanh cũng đúng lúc UBND tỉnh tổ chức họp bàn kế hoạch để chính thức trung tuần tháng 6/2012 đón nhận Bằng Di sản văn hóa Thế giới. Như một nhà thuyết trình tài ba, Ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh say sưa trả lời phỏng vấn chúng tôi lý do tại sao Thành được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Với tư cách là Trưởng đoàn tham dự cuộc họp lần thứ 35 Ủy ban di sản thế giới tại Pháp, ông đã vô cùng tự hào khi chứng kiến người nước ngoài trầm trồ thán phục về sự tài hoa của những người thợ Việt Nam. Bằng bàn tay khéo léo, họ đã sắp xếp theo cách thủ công những tảng đá nặng vài tấn với nhau mà không cần chất kết dính. Đặc biệt, những người dân nước bạn đã vô cùng ngưỡng mộ khi cùng một cách thức xây dựng như thế những nghệ nhân đất Việt lại có ghép và tạo ra những mái vòm uốn cong trên các cửa ra vào thành. Cho đến bây giờ, sau hơn 600 năm đầy biến động của lịch sử và tự nhiên, những thành tựu kiến trúc đó vẫn tồn tại và trường tồn...

 

Lần theo những kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa, đoàn làm phim chúng tôi tìm về xã Vĩnh Tiến – quê gốc của một trong những triều đại ngắn ngủi nhưng đặc biệt nhất Đại Việt. Đang giữa mùa thu, cả một khoảng không gian phủ nắng màu mơ thật quyến rũ. Nhìn từ cửa chính Nam tới các cửa Bắc, Tây, Đông, những cánh đồng lúa trải dài hai bên đường xa hút tầm mắt. Cảnh đẹp nhưng lượng khách biết để tới tham quan vẫn còn rất hạn chế. Có lẽ hiểu những thắc mắc trong lòng tôi nên anh Nguyễn Văn Khôi vui vẻ bắt chuyện: “Nếu đến đây chỉ để ngắm nhìn mấy bức tường thành bằng đá và bốn vòm cửa có lẽ không đủ thỏa lòng cho du khách. Họ đến chắc khó quay lại lần hai. Chính vì thế chúng tôi đã có những kế hoạch về một quần thể du lịch lịch sử…”. Anh Khôi cho tôi xem một bản thảo chưa được công bố. Đó là tập hợp những địa điểm được quy hoạch trong quần thể di tích lịch sử xung quanh  Thành nhà Hồ như: Chùa Giáng, Hang Năng, Đền thờ nàng Bình Khương, Đền Trần Khát Chân, Phủ Trịnh vv…Tất cả sẽ được quy hoạch để trở thành những tuyến du lịch tâm linh mà bất kỳ ai đặt chân tới cũng không thể quên…

Tiếp tục tìm hiểu về việc xây thành và kiến trúc nghệ thuật thành nhà Hồ, chúng tôi tìm đến tiến sỹ Triệu Thế Hùng. Anh đã có nhiều năm là giảng viên trường đại học văn hóa Hà Nội, Đại học SP nghệ thuật Trung ương… Anh cũng là thành viên của nhiều công trình Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Văn hóa dân gian, giáo dục nghệ thuật. Anh cho biết không thể nhớ đã bao nhiêu lần anh tìm về Thành nhà Hồ để nghiên cứu. Đã có nhiêu đêm anh thức trắng để quan sát và cố gắng “chứng kiến những yếu tố tâm linh” mà các cụ già ở đó kể lại. Giờ đây trên cương vị mới, là Vụ Phó Vụ văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Văn phòng Quốc Hội nhưng anh vẫn một mình phóng xe về Thanh Hóa để nghiên cứu thêm về yếu tố kiến trúc và phong thủy của tòa thành. Những câu chuyện anh kể đã phần nào giúp tôi hiểu được để có một tòa thành như thế Hồ Quý Ly cùng với triều thần và các con trai ông  đã phải vất vả như thế nào. Tôi đã không thể kể hết trong phóng sự bằng hình ảnh của mình những chi tiết đặc biệt ấy, bởi đó là những câu chuyện mang tính… huyền thoại, có chút… liêu trai kỳ lạ. Đó là Bí ẩn xây dựng thành nhà Hồ…

 

 

Thưa ông, Thành nhà Hồ có những nét đặc biệt gì so với những di sản khác đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới?

 

TS Triệu Thế Hùng: Thành nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung thời kỳ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á. Tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình và cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á. Nổi bật nhất là một quần thể kiến trúc giữa một cảnh quan thiên nhiên, minh chứng cho sự phát triển nở rộ của tân Nho giáo thực hành cuối thế kỷ 14 của Việt Nam. Khi đó tư tưởng này đã lan rộng khắp Đông Á và trở thành một triết lý có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc cai trị trong khu vực.

 

Thưa ông, Thành nhà Hồ là một kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đây cũng là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới, ông có thể nói rõ hơn về giá trị kiến trúc và lịch sử của công trình này?

TS Triệu Thế Hùng: Thành nhà Hồ là một kinh thành được xây dựng bằng đá lớn có một không hai trong lịch sử kinh thành Việt Nam và khu vực. Trong số các kinh thành của Việt Nam, vật liệu đá được sử dụng chủ yếu từ thời Lê trở đi và thường có kích thước khiêm tốn. Các vòng tường thành của các kinh thành thời kỳ sớm chủ yếu là đắp bằng đất, kể cả thành Cổ Loa. Vào thời kỳ muộn hơn, đá cũng được sử dụng cho việc xây dựng tường thành, tiêu biểu là Thành nhà Mạc, nhưng các khối đá thường không có hình thù vuông vức và kích thước đều nhỏ bé. Gạch trở nên phổ biến hơn, chúng được sử dụng xây cho hai vòng thành của Thăng long và được sử dụng cho cả ba vòng thành Huế.

Trung Quốc có truyền thống sử dụng đá trong kiến trúc từ lâu đời, đặc biệt với những công trình vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành. Mặc dầu thế, cho đến tận thế kỷ 14, truyền thống xây dựng kinh đô của Trung Quốc vẫn sử dụng kỹ thuật tường đất nện là chủ yếu để xây dựng những vòng tường thành đồ sộ. Ở các thời kỳ muộn hơn, vòng tường ngoài đôi khi được xây bằng gạch ở lớp mặt tường. Các vòng tường nhỏ hơn và nói chung được xây dựng với các tường trát vữa hay tường mái vòm có trụ đỡ. Hình ảnh gần gũi nhất với thành Nhà Hồ về hình thức một tòa thành có các bức tường xây bằng đá lớn và có các cửa vòm cuốn là phủ Tĩnh Giang vương (Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây), được xây dựng năm 1392, gần như cùng thời với Thành Nhà Hồ. Tuy nhiên tính chất chỉ là một vương phủ đã phần nào hạn chế quy mô của tòa thành này. Các khối đá xây dựng ở đây kém xa về kích thước so với thành nhà Hồ. Di tích thành nhà Hồ có giá trị nổi bật bởi khả năng huy động nhân lực, vận dụng sáng tạo các công nghệ khai thác, vận chuyển và lắp đặt hoàn hảo các khối đá khổng lồ trong một thời gian thi công rất ngắn. Các di vật còn lại như bia đá, dấu tích con đường Cống đá và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian xung quanh khu vực thành nhà Hồ về cách vận chuyển và xây lắp các khối đá lớn, cho thấy công trình này thể hiện sự kết tinh của nhiều truyền thống xây dựng khác nhau. Trong bối cảnh đó, thành Nhà Hồ góp phần nghiên cứu và khôi phục lại các giá trị truyền thống này ở khu vực Châu Á.

Vâng xin cảm ơn Ông!

Xin mời đón xem phóng sự về những câu chuyện kỳ bí của Thành nhà Hồ trên kênh VTC1 – Đài truyền hình Kỹ thuật Số VTC ./.


BTV Nguyễn Xuân Phú (kể), Khánh Toàn (ghi)


Bình luận
vtcnews.vn