Tháng Khuyến mại Hà Nội: Hoài nghi chất lượng

Kinh tếThứ Tư, 02/11/2011 12:56:00 +07:00

(VTC News) - Tháng khuyến mại (TKM) được kì vọng như là một “cú huých” để kích thích sức mua, tăng trưởng doanh thu cho các DN.

(VTC News) - Tháng khuyến mại (TKM) được kì vọng như là một “cú huých” để kích thích sức mua, tăng trưởng doanh thu cho các DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình này vẫn đơn điệu, cũng có ý kiến vẫn băn khoăn về chất lượng khuyến mại.

Kì vọng tháng khuyến lớn mãi nhiều

 

Tháng Khuyến mại Hà Nội được ban tổ chức kì vọng là một chương trình khuyến mại lớn, thu hút nhiều sức mua. Thực tế ngay trong ngày đầu của TKM, tất cả các trung tâm điện máy, siêu thị đều đã chuẩn bị chương trình này rất công phu, kĩ lưỡng.

 

Theo nhận định của một số trung tâm điện máy, năm nay, lặm phát gia tăng, người dân thắt chặt chi tiêu, nên doanh thu của các trung tâm này từ đầu năm đến nay giảm đáng kể. TKM được coi là thời điểm mua sắm lí tưởng của người dân, và cũng là thời điểm các siêu thị điện máy tăng doanh thu trong những tháng cuối năm.

 
 

Đại diện siêu thị điện máy Mediamart cho biết, trong TKM, siêu thị này sẽ giảm giá từ 30 – 50% cho tất cả các mặt hàng. Cùng tranh đua với các trung tâm điện máy, siêu thị tổng hợp Sài Gòn Coop mart ở Hà Đông (Hà Nội) cũng đã chuẩn bị số lượng hàng trong cả TKM là 30 tỉ đồng, trong đó 2 ngày vàng, số lượng hàng hóa chuẩn bị lên tới 5 tỉ đồng. Các siêu thị khác cũng đã có những mức giảm từ 5 đến 30% trong tổng số 20% mặt hàng được bày bán, riêng trong 2 ngày vàng, đều có mức giảm sâu từ 30 – 50%.


1000 điểm bán hàng của hơn 200 DN tham gia khuyến mại trong tháng 11/2011 đã làm cho không khí mua sắm tại Thủ đô trở thành ngày hội lớn. Ngoài chương trình do Sở Công thương Hà Nội phát động, các DN đã xây dựng thêm nhiều chương trình khác cũng không kém phần hấp dẫn để tăng cường khuyến mại. Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn được đặt ra, liệu Sở Công thương có đủ “sức” để quản lí được chương trình ngày một “phình to” này, liệu có đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng không bị lợi dụng?

 

Hoài nghi chất lượng

 

Dù đã được chuẩn bị khá kỹ càng, tuy nhiên với doanh số tăng mà lợi nhuận giảm, đã khiến không ít khách hàng có nghi ngờ về chất lượng khuyến mại. Trong TKM năm 2010, dù ban tổ chức đã phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng để kiểm tra, nhưng cũng vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải bàn.

 

Đó là chưa kể đến việc người tiêu dùng giờ đã quen với các hình thức khuyến mại của các siêu thị lớn. Ở góc độ kinh doanh, để thu hút được khách hàng, các siêu thị, trung tâm lớn đã đưa ra những thông tin khuyến mại “khủng” để cạnh tranh. Tuy nhiên thông tin đưa ra lại mập mờ, nói quá, khiến không ít khách hàng phàn nàn về chất lượng khuyến mại. Như vậy, từ ý nghĩa tích cực, khuyến mại lại trở nên nhàm chán và dẫn tới thái độ hững hờ của khách hàng đối với chương trình khuyến mại nói chung và TMK nói riêng.

 

Chị Loan ở Cầu Giấy cho biết, trong TKM năm ngoái, chị thấy 1 cửa hàng kính mắt trên đường Láng Hạ có treo logo TKM, đang có nhu cầu mua kính mắt, chị liền ghé vào tìm mua. Nhưng khi xem kệ kính khuyến mại giảm giá từ 5 – 30%, chị thấy thất vọng tràn trề, những loại kính được khuyến mại toàn là hàng lỗi mốt, hàng cũ. Những chiếc kính hợp thời trang lại không được giảm giá.

 

Anh Trung ở Ngọc Thụy, Long Biên là người từng buôn hàng điện máy cho biết, anh không quan tâm đến khuyến mại, vì nếu khuyến mại càng “khủng” thì đồng nghĩa với chất lượng thấp hoặc là hàng Trung Quốc. Hàng chính hãng không giảm hoặc giảm rất ít. Bởi vậy anh không quan tâm đến hàng khuyến mại và TKM. Có nhu cầu thì mua, chứ không anh không đợi TKM mới mua.

 

Nhiều quy định vẫn làm khó doanh nghiệp

 

Theo ý kiến của nhiều DN lớn tham gia, chương trình khuyến mại năm nay do Sở Công thương Hà Nội phát động còn đơn điệu, một số yêu cầu đặt ra quá dễ dàng nhưng lại có những vấn đề chưa thực sự hợp lý vì thế các DN tham gia cũng gặp không ít những khó khăn.

 

Để tham gia được chương trình, DN chỉ cần có hàng khuyến mại bán trong tháng, giảm giá từ 15% trở lên với ít nhất 20% các mặt hàng đang kinh doanh; phải có 500 mặt hàng giảm giá trong 2 ngày vàng, giảm giá từ 20 – 50% với ít nhất 20% các mặt hàng đang kinh doanh (có đơn giá từ 200.000 đồng trở lên). Như vậy với yêu cầu về số lượng hàng tham gia kinh doanh trong tháng khuyến mại áp dụng đối với những DN lớn như Big C, Co.opmart Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro… thì số lượng này quá nhỏ, chưa thấm vào đâu vì thế những DN này đã tăng số lượng hàng hóa lên, như Co.opmart Sài Gòn tham gia 2.500 mặt hàng, Hapro 25.000 mặt hàng, Big C cũng khuyến mại hàng nghìn mặt hàng…

 

Đại diện của những DN này cho rằng, số lượng mặt hàng lớn như thế này mới có thể phục vụ được một cách tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, cũng có những bất cập mà theo DN kinh doanh tổng hợp họ đang gặp phải đó là mức giảm giá theo quy định.

 

Theo yêu cầu, thì đối với siêu thị tổng hợp quy mô vừa và nhỏ: Trong 2 Ngày Vàng giảm giá từ 20 – 50% với ít nhất 20% số lượng mặt hàng đang kinh doanh và trong đó có ít nhất 20% số lượng các mặt hàng giảm giá phải có giá trị từ 50.000 đồng trở lên.

 

Đối với siêu thị tổng hợp quy mô từ 20.000 mặt hàng trở lên: Trong 2 Ngày Vàng giảm giá từ 20 – 50% với ít nhất 500 mặt hàng đang kinh doanh và trong đó có ít nhất 20% số lượng các mặt hàng giảm giá phải có giá trị từ 50.000 đồng trở lên. Các ngày khác trong TKM: giảm giá từ 15% trở lên với ít nhất 20% các mặt hàng đang kinh doanh và trong đó có ít nhất 20% số lượng các mặt hàng được giảm giá phải có giá trị từ 50.000 đồng trở lên.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Co.opmart Sài Gòn cho rằng, nếu yêu cầu giảm giá 20% số lượng mặt hàng trong tổng số măt hàng kinh doanh tại các siêu thị là không hợp lý.

 

Những siêu thị lớn kinh doanh 20.000 mặt hàng trở lên thì số lượng giảm giá và khuyến mại lên tới 4.000 mặt hàng. Còn với các siêu thị lớn kinh doanh tới 40.000 mặt hàng, thì số lượng hàng giảm giá và khuyến mại lên tới 8.000 mặt hàng. Việc giảm giá từ 15 – 20% các mặt hàng chỉ thích hợp với ngành điện tử, điện máy vì ngành hàng này có giá cao, tuổi thọ sản phẩm lại ngắn. Những sản phẩm tiêu dùng nhanh lợi nhuận thấp, giá rẻ khó có thể giảm tới 20%. Ví dụ, một chai dầu ăn, chỉ có thể giảm từ 2-3.000 đồng đã chiếm tới 5%, mà chai dầu ăn lại không thể giảm tới 15% hay 20% được.

 

Mai Khôi

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn