Tết của du học sinh

Giáo dụcThứ Năm, 19/02/2015 10:27:00 +07:00

Xa quê hương, phải tập trung học tập, song mỗi khi Tết cổ truyền đến, các du học sinh lại cố gắng dành chút thời gian để làm mâm cỗ đón giao thừa với bánh chưng

Xa quê hương, phải tập trung học tập, song mỗi khi Tết cổ truyền đến, các du học sinh lại cố gắng dành chút thời gian để làm mâm cỗ đón giao thừa với bánh chưng, giò chả, nem rán... Nhiều bạn khéo tay làm cả cành đào giả, câu đối Tết.

Nước Nga là nơi có nhiều học viên quân sự được Bộ Quốc phòng gửi sang đào tạo. Nguyễn Ngọc Đạt, ĐH Hải quân Baltic đóng tại thành phố Kaliningrad kể, dù đã sang năm thứ năm nhưng không sao quên được cái Tết đầu tiên ở trời Âu.

Lần đầu bước chân lên đất nước Nga vào tháng 11, Đạt cùng bạn bè phải tập trung học tiếng cho tốt nên không có thời gian chuẩn bị Tết tươm tất như bây giờ. Đêm giao thừa năm đầu tiên xa xứ, bố mẹ gọi điện sang chúc mừng năm mới, nghe mẹ khóc, Đạt rơm rớm nước mắt và tắt di động nguyên một ngày, không dám nghe máy của người thân vì sợ không kiềm chế được nỗi nhớ nhà. 

Ngày Tết cổ truyền, Nguyễn Ngọc Đạt, ĐH Hải quân Baltic, cùng các bạn lại làm cành đào giả. Ảnh: NVCC

Trong sinh hoạt, học viên chủ yếu dùng đồ quân nhu, không có nhiều dụng cụ, cũng không được thoải mái ra ngoài mua sắm đồ như sinh viên dân sự. Cách Tết cổ truyền mấy ngày, Đạt và đồng đội vừa tranh thủ học, vừa chuẩn bị làm cành mai, đào giả cho có không khí quê. 

Giữa trời đông tuyết trắng, mấy học viên đi nhặt cành phong, bạch dương để làm nhánh, đính hoa đào bằng nhựa, trang trí thêm bóng đèn nhấp nháy. Để có hoa trang trí, Đạt nhờ người nhà mua vào dịp Tết, đến kỳ nghỉ hè về Việt Nam thì mang sang. Để làm câu đối, một bạn khéo tay tạo kiểu chữ trên máy tính rồi in ra, nhuộm mực đỏ và dán lên tường.

Ngày cuối cùng của năm cũ, nhóm học viên Việt Nam ở ĐH Hải quân Baltic mỗi người một việc, người dọn phòng, người bày mâm ngũ quả, đi siêu thị mua gạo nếp về nấu xôi. Chiều 30 Tết, bếp ăn của học viên bắt đầu đỏ lửa. Nhà trường cho mượn bếp một buổi để nấu ăn nhưng phải giữ vệ sinh thật sạch sẽ. Những chàng lính trẻ thi nhau chế biến xôi, giò, thịt đông, thịt gà quay mật ong. “Món nào không biết nấu, bọn em gọi điện nhờ sự trợ giúp của người thân ở Việt Nam. Tiếc nhất là không có lá dong để gói bánh chưng nên phải nấu xôi thay thế. Ở những thành phố nhiều người Việt sinh sống, các bạn trường khác còn đặt được cả bánh chưng sinh viên dân sự làm”, Đạt cho hay.

Xa Việt Nam 3 năm, Nguyễn Văn Vương (học viên năm 3 ĐH Hải quân Baltic) nhớ nhất là không khí se se lạnh của ngày xuân quê hương, bên này nhìn ra ngoài trời chỉ thấy bao la tuyết trắng. Vương thèm các món ăn Việt Nam và mùi hương mẹ thắp ngày Tết. Sau giờ lên lớp, cậu thường ngồi nhớ lại giờ ở nhà bố đang gói bánh chưng, mẹ mang gà đi biếu ông bà nội ngoại, còn anh em Vương cùng nhau quét vôi lại nhà để đón năm mới.

Các học viên được nghỉ Tết 2-3 ngày, người thì ở trường đàn hát, tổ chức trò chơi, còn Vương thì háo hức đi theo đàn anh khóa trên đến nhà người Việt sống gần trường để chúc Tết. Học nơi đất khách quê người, Vương hay nhớ nhà, rất thèm nói chuyện với đồng hương. “Thành phố này ít người Việt sinh sống, bọn em ra đường nhìn thấy người Việt mình thì mừng lắm, thường nhận ra và bắt chuyện làm quen”, Vương cho biết.

Du học sinh tại Pháp Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (áo cam ở giữa) và các bạn bè tụ tập cùng nhau làm mâm cỗ tất niên mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: NVCC.

Đã 3 năm Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (21 tuổi, ĐH Paris 1 Panthéon - Sorbonne, thành phố Paris, Pháp) không được đón Tết cổ truyền bên gia đình. Ở Pháp mỗi đợt gần Tết Việt Nam, trời lại có tuyết lạnh khiến Thủy Tiên càng thêm nhớ nhà. Cô nhớ giây phút sum vầy bên mâm cỗ giao thừa với người thân, nhớ không khí thoáng đãng của thủ đô Hà Nội ngày mùng 1 Tết... 

Tết đầu tiên xa quê hương, sáng mùng 1, Tiên phải dậy sớm đi học lúc trời còn chưa sáng. "Đến lớp, em buồn tủi và phát khóc, nhưng sau đó lại phải bình tĩnh để trải qua cả ngày mệt mỏi ở trường. Tối về, em gọi điện cho gia đình nhưng không dám khóc mà chỉ chúc bố mẹ ăn Tết vui vẻ, dặn em gái lấy hộ tiền lì xì. Đến lúc dập máy rồi, em mới cho phép bản thân sướt mướt một xíu, rồi lại lao vào học tiếp", Tiên kể.

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp năm nào cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán với các hoạt động như làm bánh chưng, liên hoan văn nghệ... và Tiên đều tham gia. Cô cùng một số bạn thân còn tụ tập làm bữa tất niên và đi tới Thiền viện Trúc Lâm ở gần Paris thắp hương. Dịp Tết 2 năm trước, Tiên cùng nhóm bạn hành hương, tổ chức sự kiện, giới thiệu gian hàng để phổ biến các hoạt động ngày Tết cổ truyền Việt Nam đến người dân nước bạn. 

Tại Mỹ, Trần Việt Linh (ĐH Washington and Lee) và nhiều du học sinh Việt Nam cũng tất bật với bài vở trong dịp Tết cổ truyền dân tộc. Khi về phòng nói chuyện với gia đình hoặc vào Facebook thấy bạn bè ở nhà chia sẻ không khí Tết, Việt Linh mới thấy nhớ nhà, bao kỷ niệm vui năm mới bên người thân lại ùa về.

"Tối 30 ở Việt Nam năm vừa rồi là vào buổi sáng ngày thường ở Mỹ. Hôm đó em đã nghỉ học để đón giao thừa với gia đình. 10h sáng ở Mỹ (22h đêm ở Việt Nam), em gọi điện và xem Táo quân qua truyền hình online cùng bố mẹ. Giao thừa đến, em chúc Tết ông bà, bố mẹ. Mẹ và em trai đã khóc rất nhiều khi nghe lời nhắn nhủ từ xa của em. Đó là Tết đầu tiên không có em ở nhà cùng gia đình", Việt Linh kể.

Chàng trai Hà Nội này và một số bạn Việt Nam cùng trường đã tổ chức một bữa tất niên với đầy đủ bánh chưng, bánh tét được nhờ mua từ trước. Họ đã nấu những món ăn cổ truyền ngày Tết như: xôi gà, nem rán, phở… Riêng Linh thì làm thêm món sườn xào chua ngọt mà Tết năm nào em cũng được mẹ nấu cho.

Trần Việt Linh (ĐH Washington and Lee, Mỹ) đã có 2 cái Tết xa nhà. Ảnh: NVCC.

Tại Nhật và Singapore, các du học sinh người Việt Nam ở khu vực gần nhau cũng quây quần trong dịp Tết cổ truyền để liên hoan và cùng nhắc lại kỷ niệm Tết ở quê nhà. "Tối giao thừa, khoảng 10 anh chị em người Việt học tập và làm việc ở Nhật đã tụ tập ăn uống vui vẻ, nhưng hôm sau vẫn phải dậy sớm đi học. Dịp đó, đa số chúng mình đều bị cảm cúm vì mùa đông lạnh quá nhưng lúc gọi điện về chúc Tết gia đình, vẫn phải nói là khỏe để bố mẹ yên tâm", Trọng Dũng, du học thạc sĩ tại ĐH Tổng hợp Tokai, đã 3 năm đón Tết xa nhà nói.

Những giao thừa xa quê đã giúp các du học sinh trưởng thành hơn và thêm yêu thương, gắn bó với quê hương, biết trân quý những ngày Tết được ở bên gia đình. "Tết này, em cùng các bạn sẽ cố gắng sắp xếp một mâm cỗ nhỏ, dù không đáng là bao nhưng cũng đủ làm những người con xa quê thấy hạnh phúc và nhớ về quê nhà", Thủy Tiên (ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne) nói.

Nguồn: VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn