Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga

Tư liệuThứ Tư, 07/07/2021 07:09:10 +07:00
(VTC News) -

Người Nga hiểu để sẵn sàng đối phó khi có chuyện bất trắc xảy ra ở Bắc Cực, cần chuẩn bị nhiều phương án dự phòng với nhiều tàu phá băng nguyên tử siêu khổng lồ.

Về lý thuyết mà nói, khi Nga hạ thủy 3 con tàu phá băng đề án 22220 là Arktika, Siber và Ural với khả năng phá băng dày 3 mét thì không còn khu vực nào ở biển Bắc Băng Dương, trong bất cứ thời điểm nào trong năm có thể làm khó được họ. Những con tàu trên 35 nghìn tấn này có thể đảm bảo cho tuyến hàng hải biển Bắc thông thoáng trong suốt cả năm.

Tuy nhiên, người Nga vẫn hiểu rằng, khi có chuyện bất trắc xảy ra, tốt nhất là nên có trong tay nhiều phương án dự phòng để sẵn sàng đối phó.

Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga - 1

Tàu phá băng nguyên tử Lider, với kích cỡ vượt cả tàu sân bay của Nga. Dù vài năm trước, phương Tây coi con tàu này là "khoa học viễn tưởng" nhưng hiện tại nó đã được khởi đóng và dự kiến sẽ đi vào phục vụ năm 2027.

To, lớn và bền bỉ hơn

Một trong những giải pháp có thể nghĩ đến đầu tiên chính là đóng mới những con tàu phá băng lớn hơn nữa. Trong khi tàu phá băng lớp Arktika hiện đang phục vụ đã có giãn nước gấp 3 lần những con tàu phá băng lớn nhất của các đối thủ cạnh tranh Bắc Cực với Nga như Mỹ, Phần Lan hay Canada, Nga đã bắt tay vào chế tạo lớp tàu phá băng mới có tên Lider với mức độ hiện đại và năng lực vượt trội hơn nhiều.

Tàu phá băng nguyên tử lớp Lider hiện đang đóng của Nga có giãn nước đầy tải lên tới 71.000 tấn, có nghĩa là lớn hơn cả tàu sân bay duy nhất đang phục vụ trong Hải quân Nga, Admiral Kuznetsov với giãn nước đầy tải 58.000 tấn.

Tất nhiên, đi kèm với con số khổng lồ này là năng lực hoàn toàn áp đảo. Lider được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-400, có công suất nhiệt 315 MW, gần gấp đôi công suất lò RITM-200 trên tàu Arktika, cho phép cung cấp tới 120 MW công suất thực cho 4 chân vịt của tàu. Nó có khả năng phá lớp băng dày 4,3 mét ở tốc độ 2 hải lý/ giờ (3,7 km/h).

Trên thực tế, lớp băng tại các tuyến hải hành truyền thống trên biển Bắc Băng Dương chưa bao giờ dày đến mức đó nên thông số này vượt quá mức cần thiết.

Mặc dù vậy, đây không phải là điều gì gây lãng phí. Với lớp băng dày 2,1 mét, Lider có thể phá với tốc độ 12 hải lý/h (22,5 km/h), tương đương tốc độ hải hành trên biển của các tàu phá băng các nước phương Tây, hay tốc độ tàu chở hàng, cho phép nó có thể hộ tống tàu chở hàng với tốc độ hành trình tương đương trên biển ấm, giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí đi qua tuyến đường này.

Với bề rộng 50 mét, tàu phá băng lớp Lider có thể mở đường xuyên Bắc Cực cho bất cứ tàu chở hàng cỡ lớn nào, trong bất cứ thời điểm nào trong năm, giúp chúng có thể vượt qua Bắc Băng Dương chỉ trong 10 ngày, giảm hơn phân nửa thời gian so với trước kia. Đồng thời, thời gian phục vụ liên tục trong 8 tháng của nó (và nhiều hơn nếu nhận được tiếp tế nhu yếu phẩm) sẽ khiến con tàu trị giá 2 tỷ đô la Mỹ này của Nga trở thành tượng đài sừng sững đánh dấu ưu thế tuyệt đối của Nga trên Bắc Cực.

Tự thân vận động  

Bên cạnh việc đóng những con tàu phá băng nguyên tử khổng lồ, Liên Xô cũng đã từng tính đến việc đóng những con tàu chở container chạy bằng năng lượng hạt nhân với khả năng tự thân phá băng để có thể độc lập hải hành xuyên Bắc Băng Dương trong mùa đông.

Đây không phải là một ý tưởng quá mới mẻ, cả Mỹ, Đức và Nhật cũng đều đã đóng những con tàu dân sự chạy bằng năng lượng hạt nhân, tuy nhiên, những nước này chỉ dừng lại ở mức độ tàu nghiên cứu (tàu Mutsu của Nhật và Otto Hahn của Đức) hay để quảng bá công nghệ như chiếc Savannah của Mỹ thì Liên Xô đã cho ra lò một người khổng lồ hữu dụng thực thụ, đó là chiếc Sevmorput.

“Người khổng lồ” Sevmorput được hạ thủy năm 1986, có thể được coi là niềm tự hào của nhà máy đóng tàu Zaliv nằm trên bán đảo Crimea với giãn nước đầy tải xấp xỉ 62.000 tấn – cũng vượt qua cả tàu sân bay Admiral Kuznetsov với khả năng chuyên chở tới 1.328 container loại 20 feet, hay hơn 22.000 tấn hàng hóa trong một chuyến hải hành. Không những thế, với thiết kế mũi phá băng, Sevmorput còn có thể tự vượt qua lớp băng dày tới 1 mét, giúp nó có khả năng hài hành độc lập mà không cần tới sự hỗ trợ của tàu phá băng trong mùa đông Bắc Cực.

Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga - 2

Sevmorput, con tàu vận tải khổng lồ, tương đương tàu sân bay với khả năng phá băng giúp nó có thể đơn lẻ hoạt động được trên vùng biển Bắc cực.

Trong khoảng thời gian đầu sau khi đóng, Sevmorput đã được cử đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó đã có vài chuyến tới Việt Nam như một thành tựu công nghệ Liên Xô.

Sau đó, với chiều dài 260 mét, rộng 32,2 mét; kích cỡ khổng lồ của Sevmorput đã khiến con tàu bị bỏ bê và suýt nữa bị tháo dỡ trong thời kỳ kinh tế khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ. Đã có giai đoạn mã hiệu của tàu đã bị loại khỏi danh sách đang phục vụ chờ tháo dỡ.

Rất may, từ năm 2016, con tàu đã được tân trang và đưa vào phục vụ trở lại với nhiều nhiệm vụ thiết thực hơn như chở cá đông lạnh từ Kamchatka tới Saint Petersburg hay mang theo trạm nghiên cứu Vostok của Nga tới lắp đặt ở Nam Cực.

Tàu chiến phá băng

Cho đến nay, theo thỏa thuận của các nước liên quan, Bắc Cực vẫn là một khu vực phi quân sự cùng khai thác hòa bình. Tuy nhiên, với việc tuyến đường biển phía Bắc ngày càng nhộn nhịp, cùng sự nhòm ngó quyền lợi của các những nước không liên quan như Trung Quốc, việc chuẩn bị cho xung đột tương lai trên vùng biển này cũng không thừa. Tàu tuần tra Bắc Cực lớp Ivan Papanin thuộc đề án 23550 chính là hiện thực hóa giải pháp đó.

Ivan Papanin hiện tại là lớp tàu chiến duy nhất trên thế giới với khả năng phá băng, nó có thể phá lớp băng dày 1,7 mét và tác chiến tại hầu hết địa điểm trên Bắc Cực. Mỗi chiến hạm dài 114 mét với giãn nước 8.500 tấn này được vũ trang 1 hải pháo AK-176MA cỡ nòng 76.2 mm và 8 tên lửa đa năng Kalibr với tầm bắn 660 km (chống hạm) hoặc 2.500 km (hành trình đánh đất) đảm bảo duy trì năng lực tác chiến của Nga không hề kém cạnh so với hải quân vùng biển ấm.

Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga - 3

Chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu tuần tra phá băng đề án 23550, Ivan Papanin hiện đang chạy thử nghiệm.

Đến những giải pháp phi truyền thống

Trong khi những giải pháp như tàu phá băng khổng lồ Lider, tàu chở hàng phá băng Sevmorput hay tàu chiến phá băng Ivan Papanin đều đã có sản phẩm thực tế, trí tưởng tượng của người Nga vẫn chưa đi tới giới hạn. Một trong những ý tưởng cho con đường Bắc Cực chính là tàu ngầm nguyên tử chở hàng.

Ý tưởng sử dụng tàu ngầm chở quân đã được đề cập đến tại Liên Xô từ những năm 1950s để chống lại việc phong tỏa biển hay vận tải hàng qua Bắc Cực, tuy nhiên mọi thứ chỉ dừng lại ở những bản vẽ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ý tưởng này lại được đưa ra, nhưng mục đích lần này là để tận dụng những tàu ngầm nguyên tử đề án 941 (Typhoon, theo cách gọi của phương Tây). Khi đó, cục thiết kế Rubin đã đề xuất tháo dỡ những bệ phóng tên lửa đạn đạo khỏi một số tàu ngầm đề án 941, thay vào đó là khoang chứa hàng, biến nó thành tàu ngầm chở hàng với khả năng chở đến 15.000 tấn hàng hóa cho một chuyến đi. Tất nhiên, ngay cả việc này thì nước Nga đầu thời kỳ hậu Xô viết cũng không có đủ tiền để cung cấp và ý tưởng đã bị gác lại.

Cuối thập niên 2010s đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong đó vấn đề đường ống dẫn khí đốt của Nga bán sang châu Âu cũng khiến lãnh đạo Nga đau đầu. Từ đó, ý tưởng chế tạo một loại tàu ngầm vận tải chở khí đốt lại được đưa ra. Lần này, Cục thiết kế Malakhit, St.Petersburg đã đưa ra một thiết kế hoàn toàn mới có tên Pilgrim. Đó là loại tàu ngầm khổng lồ được thiết kế để chở khí hóa lỏng, với chiều dài 360 mét, rộng 70 mét, giãn nước lên tới 180.000 tấn, Pilgrim khiến loại tàu ngầm lớn nhất hiện nay là đề án 941 Typhoon trở thành “tí hon” khi đặt cạnh.

Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga - 4

Nga dự tính biên chế 4 tàu thuộc đề án 23550 với các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, chống khủng bố và đảm bảo an ninh trên tuyến đường hàng hải phía Bắc của mình.

Theo thiết kế của Cục Malakhit, Pilgrim sẽ được trang bị ít nhất 3 lò phản ứng hạt nhân với công suất đẩy thực không dưới 30 MW mỗi lò, giúp tàu có thể hải hành với tốc độ 17 hải lý/ giờ (31,5 km/h) giúp họ có thể giao khí hóa lỏng cho khách hàng nhanh hơn 30% so với việc sử dụng những con tàu mặt nước chở khí hóa lỏng thông thường.

Dù ngành đóng tàu của Nga chưa bao giờ được coi là mạnh trong số các cường quốc, tuy nhiên, với số lượng cùng chất lượng tàu phá băng hiện nay, cùng những sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai, không thể phủ nhận, trong một tương lai khá xa nữa, Nga vẫn giữ chắc vị thế thống trị Bắc Cực. Họ hoàn toàn có thể biến vị thế này thành lợi ích khi tuyến đường hàng hải phía Bắc sẽ trở thành xương sống trong ngành vận tải biển thế giới trong thời gian không lâu.

Tàu phá băng nguyên tử ở Bắc Cực: Tính toán xa xôi của người Nga - 5

Tàu ngầm vận tải Pilgrim, sản phẩm của Cục Thiết kế Malakhit khiến Typhoon – loại tàu ngầm lớn nhất hiện nay trở nên bé nhỏ khi đặt cạnh.

Tông Hùng
Bình luận
vtcnews.vn