Tàu ngầm xuất sang Malaysia sẽ được bảo hộ với điều kiện gì?

Thời sựThứ Hai, 04/08/2014 07:15:00 +07:00

(VTC News) - PGS.TS Trần Văn Hải cho biết, để được pháp luật bảo hộ thì tàu ngầm của Kỹ sư Phan Bội Trân phải đạt được một số yêu cầu cụ thể.

(VTC News) - PGS.TS Trần Văn Hải cho biết, để được pháp luật bảo hộ thì tàu ngầm của Kỹ sư Phan Bội Trân phải đạt được một số yêu cầu cụ thể.

Thời gian gần đây, thông tin về việc Malaysia đặt mua 5 chiếc tàu ngầm mini do Kỹ sư Phan Bội Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) chế tạo đã gây sự chú ý của dư luận.

Năm 2010, chiếc tàu ngầm Yết Kiêu đầu tiên đã được chạy thử thành công tại bể bơi của Học viện Hải quân. Từ đó đến nay, không rõ vì lý do gì mà sáng chế này của ông Phan Bội Trân chưa được kiểm định, cấp bằng sáng chế và được đưa vào sử dụng thực tiễn tại nước ta.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Hải – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

- Thưa ông, được biết ông là người nghiên cứu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông đánh giá thế nào về việc Kỹ sư Phan Bội Trân sáng chế ra những chiếc tàu ngầm?

Tôi rất khâm phục tinh thần lao động, khả năng sáng tạo của Kỹ sư Phan Bội Trân. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, Kỹ Sư Phan Bội Trân đã sáng chế ra những chiếc tàu ngầm như chúng ta đã biết. Nếu tàu ngầm này được pháp luật bảo hộ thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

- Vậy để được bảo hộ thì tàu ngầm do kỹ sư Phan Bội Trân chế tạo phải đạt những điều kiện như thế nào?

Để sáng chế của Kỹ sư Phan Bội Trân được bảo hộ thông qua hình thức được cấp Bằng độc quyền sáng chế, thì cần thỏa mãn điều kiện cần: Kỹ sư Phan Bội Trân có nộp hồ sơ yêu cầu bảo hộ, điều kiện đủ: được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế.

 Nếu không được pháp luật bảo hộ thì chiếc tàu ngầm này vẫn có thể lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, việc lưu thông này chỉ được giới hạn trong phạm vi các quốc gia không cấp Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho giải pháp kỹ thuật tương tự.

Một sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đạt đủ 3 tiêu chí, gồm: thứ nhất là tính mới; thứ hai là trình độ sáng tạo và thứ ba là khả năng áp dụng công nghiệp. Nếu chỉ thiếu một trong ba tiêu chí đã nêu thì sẽ không được Bằng độc quyền sáng chế.

Nói cách khác, để được cấp Bằng độc quyền sáng chế thì tàu ngầm của kỹ sư Phan Bội Trân phải đáp ứng tiêu chí đầu tiên là có tính mới so với thế giới. Tôi xin nhấn mạnh tính mới so với thế giới. 

Về tiêu chí thứ hai, có thể hiểu rằng giải pháp kỹ thuật do Kỹ sư Phan Bội Trân đề xuất phải là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Cuối cùng, tàu ngầm này phải có khả năng áp dụng công nghiệp.

Theo tôi biết thì tàu ngầm Yết Kiêu có khả năng áp dụng công nghiệp. Vì thực tế, Kỹ sư Phan Bội Trân đã cho sản xuất một loạt gồm 4 – 5 chiếc tàu chứ không phải chỉ có 1 chiếc.

Trong trường hợp tàu ngầm của Kỹ sư Phan Bội Trân không được cấp Bằng độc quyền sáng chế thì vẫn có một cơ hội khác để tàu ngầm được bảo hộ. Đó là việc bảo hộ thông qua cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Để được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, tàu ngầm Yết Kiêu cũng phải đáp ứng tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Tuy nhiên, nếu như yêu cầu để cấp Bằng độc quyền sáng chế là phải xem xét tới “trình độ sáng tạo” thì điều kiện để được bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp là “tính sáng tạo”.

- Theo ông, tại sao những chiếc tàu ngầm của kỹ sư Phan Bội Trân chưa được cấp bằng sáng chế cũng như bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?

Việc cấp Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhận. Tôi chưa có thông tin về việc Kỹ sư Phan Bội Trân đã nộp hồ sơ yêu cầu bảo hộ cho hay chưa? 

Cục Sở hữu trí tuệ có văn phòng đại diện tại TP.HCM, Kỹ sư Phan Bội Trân có thể gặp văn phòng đại diện để được hướng dẫn các thủ tục yêu cầu bảo hộ.

- Điều gì sẽ xảy ra nếu tàu ngầm do kỹ sư Phan Bội Trân chế tạo không được cấp bằng Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?

Nếu những chiếc tàu này chưa được cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp thì vẫn có thể lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, việc lưu thông này chỉ được giới hạn trong phạm vi các quốc gia không cấp Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho giải pháp kỹ thuật mà Kỹ sư Phan Bội Trân đề xuất.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn