Thổi lửa cho hạnh phúc

Tổng hợpThứ Hai, 27/02/2012 10:01:00 +07:00

Càng ngày sẽ càng có nhiều ông chồng háo hức trở về nhà hơn sau giờ làm việc ở công sở...

    Khi đến các trung tâm dạy nấu ăn, nhìn các chị em lụi cụi, tôi chợt nghĩ, từ nay, chắc hẳn sẽ có nhiều ông chồng háo hức trở về với bữa ăn gia đình hơn khi biết vợ mình đã dành nhiều thời gian và công sức thế nào cho những món ăn ngon và đầy yêu thương như thế này.

 

 

Giữ lửa yêu thương nhờ cơm lành, canh ngọt

Đến đăng ký học nấu ăn tại trung tâm Quả táo vàng, nhìn những đĩa thức ăn được bày biện đẹp mắt, tôi có cảm giác dễ chịu hẳn. Trung tâm có 4 tầng. Tầng 1 dạy làm bánh. Các tầng còn lại dạy nấu các món Á, Âu, các món ăn gia đình. Lớp nào cũng ríu rít tiếng học viên, tiếng lanh canh của xoong nồi va chạm vào nhau, tiếng dao băm chặt trên thớt… Tất cả quyện vào nhau tạo ra một bản nhạc vui nhộn, ấm cúng.

Anh Nguyễn Mạnh Trung, một giáo viên đang tranh thủ ngồi nghỉ trong lúc chờ học viên mới đến, vui vẻ chia sẻ: “Vừa rồi có một bạn học trò của tôi đến xin thầy kèm riêng cho hai buổi chỉ để học nấu cỗ thôi. Hỏi ra mới biết bạn ấy chuẩn bị cưới. Lần đầu tiên về nhà chồng nên bạn ấy rất lo lắng, muốn gây ấn tượng tốt. Ít ra cũng phải biết nấu vài món cổ truyền cho mẹ chồng còn thắp hương làm lễ. Tâm lý người Á Đông là như thế. Truyền thống gia đình Việt mình xưa nay là thế. Cho nên tôi thấy bạn ấy suy nghĩ như vậy là rất tốt”.

 

Giám đốc Trung tâm Quả táo vàng, anh Nguyễn Anh Sơn - một đầu bếp kỳ cựu đang hướng dẫn một nhóm các bạn sinh viên nấu món sườn chua ngọt. Vừa hướng dẫn cách sơ chế sườn bằng cách luộc sơ qua và nhúng vào nước lạnh để làm sao để thịt mềm mà vẫn dóc xương, anh vừa tiết lộ, “mấy hôm nữa trung tâm cũng sẽ có chương trình hướng dẫn các học viên những món ăn truyền thống vừa đẹp mắt vừa ngon”. Nghe vậy, một số học viên nữ bấm nhau ý chừng nói “sẽ đến học”.

Anh Sơn cho biết thêm, năm 2003 khi trung tâm của anh mới thành lập, lúc đầu rất ít học viên. Nhưng càng về sau này, lượng học viên càng tăng lên. Ban đầu người đi học chủ yếu ở tuổi trung niên nhưng bây giờ, học viên đông nhất lại tập trung các bạn nữ tuổi từ 1986 đến 1988. Đông nhất là các bạn nữ dân văn phòng, tranh thủ sau giờ làm đến trung tâm học nấu ăn để chuẩn bị lấy chồng, đi du học nước ngoài, hoặc đơn giản chỉ là “muốn ăn (ngon) tự lăn vào bếp”.

Chẳng hạn như Thúy, sinh viên năm thứ 3, Đại học Ngoại thương sống trong gia đình có bố và anh trai. Là phụ nữ duy nhất trong nhà nhưng tự thấy mình nấu ăn chán quá nên cô quyết định đi học. Đây là buổi thứ 18 của Thúy và cô đã có thể nấu nhiều các món trong chương trình Bếp gia đình của trung tâm. Một buổi học được 3 món, Thúy lại về nhà nấu lại cho mọi người trong gia đình thưởng thức. Huyền, sinh viên năm thứ 3, Đại học KTQD thì chuẩn bị đi du học Trung Quốc nên cô cũng muốn học để tự nấu ăn cho bản thân trong thời gian xa nhà và nếu có thể còn “khoe tài” nội trợ của con gái Việt Nam với các du học sinh khác nữa.

Trong lớp học cũng có cả học viên nam. Anh Mạnh ngồi lẫn trong một nhóm đồng nghiệp nữ, được Ngân hàng nơi các anh chị làm việc tổ chức cho đi học hóm hỉnh chia sẻ: “Xã hội giờ đã thay đổi rồi. Ở nhà mình, vợ cũng đi làm công việc xã hội, cũng kiếm tiền chẳng thua kém chồng nên mình đi học để chia sẻ công việc nội trợ với vợ. Như thế vợ đỡ vất vả và yêu chồng hơn”. Tuấn, đang là sinh viên ngành du lịch cũng đi học nấu ăn không phải để chuẩn bị… cưới vợ mà vì muốn xin đi làm phụ trong các nhà hàng, khách sạn sau này sẽ thuận tiện hơn cho công việc khi ra trường.

Tuy nhiên, chiếm “thượng phong” trong các trung tâm dạy nấu ăn vẫn là phụ nữ. Bản thân nhiều bạn khi còn trẻ, chưa lập gia đình thì không ý thức được vai trò của việc biết nấu nướng, nội trợ. Nhưng đến khi lấy chồng, sinh con rồi, họ tự nguyện và vui vẻ tìm đến các trung tâm để học với mục đích là nấu được những bữa ăn ngon chăm sóc chồng, con và gia đình bé nhỏ của mình thêm ấm cúng và hạnh phúc hơn.

 

 

Mẹ con “cùng tiến”

Thú vị nhất là trường hợp của cô Hoàng Hà, sinh năm 1955, một bác sĩ của bệnh viện 108 đã nghỉ hưu. Đặc biệt không phải vì cô đã lớn tuổi mà bởi vì cô đến lớp cùng với cô con gái rượu. Cô Hà và Yến - con gái cô đã học ở trung tâm hơn ba tháng, đã kết thúc khóa học nấu các món Á cơ bản, nâng cao và hiện tại hai mẹ con đang học một khóa học làm bánh kéo dài 10 buổi.

Vừa khéo léo tách lòng đỏ, lòng trắng trứng gà ra hai bát khác nhau, cô Hà vừa chia sẻ: “Má cô từng là nữ sinh Đồng Khánh, nổi tiếng khéo tay hay làm. Má là người dạy cô nấu nướng. Ở nhà cô cũng biết nấu ăn nhưng đi học thì biết kiến thức cơ bản hơn”. Yến, con gái cô Hà sinh năm 1989 được về nước nghỉ một năm trước khi quay lại Úc học tiếp bằng thạc sĩ chuyên ngành Marketing. Ở nước ngoài thi thoảng cô lại gọi về hỏi mẹ cách nấu món xôi, nấu tôm hùm như thế nào. Thấy con gái ở xa, không thạo nấu nướng cũng vất vả nên khi Yến về nước cô Hà “rủ” con cùng đi học. “Cả hai mẹ con cùng đi học bao giờ cũng vui hơn chứ đi một mình thì nhiều khi Yến ngại. Mẹ nghỉ, nó cũng nghỉ theo”, cô Hà kể về cô con gái rượu với giọng trách yêu.

Cô Hà khoe, cô còn một cô con gái lớn đang làm quản lý nhân sự ở một ngân hàng sắp tới cũng sẽ theo mẹ và em gái đến trung tâm học chương trình Bếp gia đình. Cô quan niệm “không phải cứ học đàn là phải thành nhạc sĩ. Nấu nướng cũng thế, không nhất thiết phải nấu ăn ngon như đầu bếp nhưng ít ra phải biết nấu nướng để chăm sóc tốt hơn cho con cái, cho gia đình”.

Tuy là mẹ của hai cô con gái, luôn khuyến khích các con học và phát huy năng lực của mình trong sự nghiệp nhưng cô Hà cũng có suy nghĩ rất “phụ nữ”: “Con gái cô giỏi chuyên môn nhưng nấu nướng kém thì vẫn phải đi học. Khi có gia đình rồi, tự nó sẽ thấy việc biết nấu ăn là cần thiết. Đàn ông có vợ rồi vẫn có thể đi ra ngoài hàng ăn cơ mà, nhưng nếu người vợ khéo nấu nướng thì sẽ kéo được chồng về nhà”.

Với suy nghĩ ấy, hàng tuần cứ ba buổi thứ 3, 5, 7, cô Hà và con gái lại chăm chỉ đến lớp học. Rảnh thì đi cùng nhau nhưng cũng có khi hai mẹ con chỉ gặp nhau ở lớp học như hai người “bạn học”. Cô kể, “đi học thế này hai mẹ con gắn bó với nhau hơn hẳn. Thích nhất là những lúc học ở lớp xong, về nhà hai mẹ con lại cùng nhau lụi cụi làm bánh và cùng thưởng thức”.

 

Anh Nguyễn Mạnh Trung chia sẻ, trong nhiều năm đi dạy nấu ăn, anh gặp không ít trường hợp mẹ con cùng đi học như cô Hà. Anh kể, lớp học nấu ăn gia đình của anh từng có hai mẹ con. Mẹ tên là Hà, con gái là My. Ban đầu cả lớp đều tưởng đó là hai chị em vì cả hai rất giống nhau, chị Hà lại rất trẻ. Đến một hôm một mình My đến lớp học và buột miệng bảo “hôm nay mẹ em mệt, thầy cho mẹ em nghỉ” thì cả lớp mới vỡ ra. Hỏi mới biết, mẹ của My mới 40 tuổi. Hơn nữa, cả hai đi học cũng tíu tít, trêu đùa như bạn bè nên không ai ngờ đấy là hai mẹ con. Nghĩ đến trường hợp này, anh Trung bật cười vui vẻ. Anh bảo, anh cảm thấy rất vui vì trong lớp mình có những cặp mẹ con “cùng tiến” như thế.

Anh Trung nhớ lại, trong những lớp có cả mẹ cả con cùng đi học có nhiều chuyện rất thú vị. Có cặp mẹ con khi đến lớp cùng không biết chút xíu gì về bếp núc. Nhiều bà mẹ còn chẳng biết đâu là rau thơm, loại rau này là rau gì, ăn như thế nào nên bị con gái trêu đỏ cả mặt. Lại có những bạn đến lớp cùng mẹ mà mặt cứ phụng phịu, hỏi làm sao mới biết là vì con gái đã lớn nên bị mẹ ép phải đi học. Có bạn thì nhát, mẹ phải đi theo để giúp con hòa nhập hơn với cả lớp…

Hầu hết các trường hợp mẹ con cùng đến học đều xuất thân trong các gia đình khá giả có con gái đang ở tuổi lớn. Ngày xưa học nữ công gia chánh đa phần là mẹ truyền lại cho con gái. Nhưng thời đại mới, các bà mẹ bây giờ cũng rất bận rộn nên hầu như họ cũng ít có thời gian hướng dẫn con. Anh Trung quan niệm “theo tôi thì người phụ nữ không cần phải nấu ăn ngon nhưng nên biết nấu. Nếu người phụ nữ không biết nấu ăn thì không thể “giữ lửa” cho gia đình. Bản thân những người phụ nữ cấp tiến là những người thay đổi tư duy để đến lớp học vì nấu ăn cũng là một kỹ năng chăm sóc gia đình”.

 

Trường hợp của Huyền Trang, sinh năm 1991, sinh viên trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường thì đặc biệt hơn một chút. Từ nhỏ Trang đã phải nấu cơm giúp mẹ nên từ lúc nào không biết sở thích nấu nướng đã ngấm vào con người em. Vừa kết thúc chương trình nấu món Á cơ bản, món Á nâng cao, Trang lại tham gia vào lớp làm bánh cùng với mẹ con cô Hà. Là một “tấm gương” điển hình vì sáng học nấu ăn, chiều làm bánh, trong suốt mấy tháng học ở trung tâm Trang chưa từng bỏ một buổi học nào. Động lực khiến Trang chăm chỉ học như vậy lại vô cùng đơn giản là để nấu những bữa ăn thật ngon cho em trai đang học lớp 7 của mình. Ngoài ra, Trang chia sẻ, em cũng muốn sẽ tự mình đứng ra tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ thết đãi các bạn những món ăn do tự tay mình nấu vào dịp Tết. Và thi thoảng, chính Trang lại là người hướng dẫn mẹ cách nấu ăn bằng những gì em đã học được.

Mải nói chuyện một hồi, chị Huyền giáo viên lớp làm bánh mở lò nướng lấy ra chiếc bánh Chocolate nướng cuộn kem và dâu tây thơm phức. Chiếc bánh được cắt ra thành những khoanh vừa phải, đều tăm tắp xắp ra trên đĩa cùng vài cọng rau bạc hà rất đẹp mắt. Đây là buổi cuối cùng của lớp học làm bánh, mẹ con cô Hà và Trang lại hẹn nhau lên học lớp các món Âu cơ bản sẽ khai giảng vào tuần sau.

Ngoài trời nắng đã tắt, một nhóm chị em hình như vừa tan sở tíu tít bước vào lớp học. Đặt túi xách lên bàn, họ đeo tạp dề và chăm chú theo dõi thầy Trung hướng dẫn nấu món mới, ai cũng vui vẻ và háo hức. Hình như, cuộc sống thay đổi, xã hội thay đổi nhưng có những thứ luôn luôn tồn tại như là một lẽ tất yếu của cuộc sống: căn bếp ấm sẽ làm cho gia đình thêm hạnh phúc hơn.

Bài: Hà Trang - Ảnh: Lê Hiếu

Bình luận
vtcnews.vn