Zentangle đi tìm ẩn số cho mỗi bức vẽ

Tổng hợpThứ Hai, 12/08/2013 12:18:00 +07:00

...Đó là những họa tiết lặp đi lặp lại, những nét biết không hề được định trước và sự sáng tạo không bị áp lực bởi sự kỳ vọng hay mong đợi.

Khi workshop zentangle lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, người ta mới biết có một loại hình vẽ "nguệch ngoạc" mà bất cứ ai - không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp đều có thể làm, hay thậm chí đã từng làm mà không hay biết. Đó là những họa tiết lặp đi lặp lại, những nét biết không hề được định trước và sự sáng tạo không bị áp lực bởi sự kỳ vọng hay mong đợi.

 

Zentangle - Khởi đầu từ vô thức
Tháng 7 vừa qua tại Madake bar, một workshop với chủ đề Thôi Miên do trung tâm eNAME Art Center tổ chức đã khiến nhiều người vô cùng thích thú. Và cũng từ đây nhiều người mới biết hóa ra có một loại hình nghệ thuật vẽ nguệch ngoạc được gọi là Zentangle. Phương Mad Meo- cô gái cá tính và trẻ trung sinh năm 1988 là nhân vật chính của workshop và chị Vương Bích Ngọc- người dẫn dắt và tổ chức chương trình này cũng hoàn toàn bị bất ngờ bởi sự thành công vượt ngoài mong đợi của sự kiện. Bản thân họ cũng chỉ coi đây như một sự thử nghiệm, một cuộc chơi nhưng ngay trong đêm diễn, nhiều khán giả đã bị tác động rất mạnh và thậm chí họ vẽ ngay lập tức trên ipad và trên smartphone để giải tỏa cao trào cảm xúc tự thân.
Theo www.zentangle.com, thuật ngữ “Zentangle” được đặt ra bởi Maria Thomas và Rick Roberts. Khi Maria mô tả với với Rick trạng thái tâm trí hoàn toàn tự do, hạnh phúc không lo lắng bất cứ điều gì, không bị chi phối bởi thời gian, không gian trong lúc cô tập trung vào các bản thảo, Rick nói với Maria rằng, cô vừa trải qua cảm giác Thiền. Họ đã đặt cho nó cái tên Zentangle (Zen có nghĩa là thiền) và tin rằng, cuộc sống của con người là một hình thức nghệ thuật, trong đó Zentangle là một phép ẩn dụ thanh lịch.

 

Đôi khi chúng ta “tiện tay” vẽ nguệch ngoạc những nét đơn giản trong lúc lơ đãng, bút ghi lại những gì chạy thoáng qua trí óc một cách vô thức. Zentangle không thực sự là vẽ nguệch ngoạc theo cách đó nhưng chúng được tạo ra tương tự như vậy. Quy tắc của Zen là… không có quy tắc nào cả. Ở đó, sự sáng tạo là thứ giới hạn duy nhất, không được lập trình trước và không bị cản trở bởi sự chờ đợi rằng kết quả phải như thế này hay như thế khác. Mỗi một tác phẩm cuối cùng của Zentangle đều là một ẩn số mà người vẽ phải đi đến cùng để khám phá ra nó.
Zen không quan tâm tới bố cục. Nó là sự lặp đi lặp lại của các họa tiết. Trong quá trình lặp đi lặp lại đó, người vẽ cảm thấy được thư giãn hoàn toàn, một số người mô tả nó giống như trạng thái thiền. Đầu óc hoàn toàn tỉnh táo cho phép cây bút đi đến nơi mà nó muốn đi. Ngoài Zentangle còn có Zendoodle. Rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa hai loại hình cùng là vẽ “nguệch ngoạc” này. Thậm chí có ý kiến cho rằng, Zendoodle chẳng qua là một sự gọi khác đi để tránh vi phạm bản quyền với Zentangle. 
Cái hay nhất của Zentangle là, chúng ta không cần phải là họa sĩ mới vẽ được. Ban đầu nhìn vào một bức Zen, người ta có cảm giác sao nó lại có thể phức tạp như thế này nhưng khi quan sát cách chúng được thực hiện thì thấy hóa ra nó rất đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể vẽ, không có nghệ thuật hay phi nghệ thuật, không có xấu đẹp, không có khen chê ở đây. Tất cả đều được tôn trọng vì nó phản ánh cảm xúc, tâm trạng, thậm chí là tính cách và những gì thuộc về bên trong người vẽ ra nó. Phương Mad Meo chia sẻ, “niềm vui tự nó đến trong quá trình vẽ chứ không nằm ở kết quả”. 

 

Phương Mad Meo gần như là người đầu tiên đưa vẽ Zentangle trở thành “một thứ gì đó” được mọi người biết đến tại workshop vừa qua cũng bắt đầu vẽ nguệch ngoạc từ rất sớm, ban đầu từ chỗ nguệch ngoạc một cách vô thức không kiểm soát cho đến vẽ có ý thức. Một ngày, cô chia sẻ những bức tranh “rối rắm” và có vẻ như vô nghĩa của mình trên một diễn đàn nọ và được “tặng” cho cái tên Zentangle lúc ấy Phương mới biết trên đời tồn tại một thứ “vẽ vời” như thế. Chị Vương Bích Ngọc bộc bạch, “khi ngắm những bức Zen của Phương Mad Meo, gần như ngay lập tức tôi bị hấp dẫn và nghĩ, cần phải làm gì đó với nó, cần phải để mọi người biết đến nó và vì thế tôi bàn với Phương làm một workshop nho nhỏ để thử nghiệm, thất bại thì có làm sao. Thật không ngờ khi chúng tôi đăng thông tin tuyển người tham gia trên facebook thì số người đăng ký đông quá sức tưởng tượng. Mọi người đều tò mò và thích thú với Zen”. 

Cuộc sống là nghệ thuật, tất cả mọi người là nghệ sĩ
Trước buổi trình diễn vẽ Zentangle, một lớp học được tổ chức, người dạy chính là Phương Mad Meo. Bài tập bắt đầu bằng việc vẽ chân dung, mỗi người vẽ một nét rồi đổi cho người khác cho đến khi bức tranh hoàn thiện. 

 

Bài tập thứ hai là hai người bắt cặp với nhau, càng không quen nhau càng tốt. Khi gặp, hai người chỉ chào nhau bằng mắt để kết nối với nhau, giảm thiểu tối đa giao tiếp bằng ngôn ngữ. Phương Mad Meo giải thích, lời nói phá hỏng cảm giác rất nhiều, nhất là khi mình đặt tên cho cảm xúc của mình thì ngay lập tức mình sẽ bị lệ thuộc vào nó. Bài tập bắt đầu bằng việc người thứ nhất vẽ một nét ngẫu nhiên rồi đưa cho người thứ hai. Người thứ hai trước hết phải quan sát, cảm nhận sau đó mới dùng chính nét vẽ đầu tiên làm cảm hứng để vẽ tiếp. Nguyên tắc là người vẽ sau không được phép xóa, phá hỏng hoặc lơ là nét vẽ của người trước. Việc giao tiếp hoàn toàn qua nét bút và đôi khi sự hòa hợp, hiểu nhau của hai con người xa lạ được thể hiện đầy ngạc nhiên không chỉ trên giấy mà còn ngoài đời thực. 
Qua bức tranh, người xem cũng có thể nhận biết được cảm xúc, tâm trạng, tính cách của người vẽ. Có những bức vẽ đơn ta có thể nhìn thấy rất nhiều đường nét không thống nhất, đứt đoạn, rối rắm cho thấy tâm trạng xáo trộn, có sự giằng xé trong nội tâm người vẽ mà ngay cả bản thân họ cũng không chấp nhận họ. Lại có những bức vẽ đôi, hai người vẽ mà như một cho thấy sự hòa hợp và sự chấp nhận nhau của họ rất cao.
Phương Mad Meo cho biết, mọi người được tự do hoàn toàn khi vẽ. Ban đầu sự tự do đó khiến nhiều người cảm thấy bối rối vì không biết bắt đầu như thế nào, nhưng dường như bản năng khiến họ tự tìm được cách thích nghi, trải nghiệm cảm giác được giải phóng. Và chỉ sau hai bài tập, mọi người bắt đầu tự nhiên hơn, họ chơi một cách cởi mở, không suy nghĩ, họ vẽ nguệch ngoạc những nét đơn giản, một cách tự nhiên. Việc đưa mắt theo những nét bút không định trước liên tục đưa họ sang những suy nghĩ mới, trải nghiệm mới, sự sáng tạo mới. Zen cũng mang lại cho người ta những bài học triết lý sâu sắc từ những luật chơi tưởng như dễ dãi. Việc không dùng tẩy trong khi sáng tạo Zen cũng như trong cuộc sống khiến bạn khám phá ra đằng sau những sai lầm, nó có thể là nền tảng tốt cho bản thân đưa ta đến những bước ngoặt, những bất ngờ thú vị mới.

 

Một buổi chiều tôi hẹn gặp Phương Mad Meo. Đó là một cô gái có mái tóc tém, kính cận, dáng dấp thể thao tràn đầy sức sống. Phương Mad Meo đi xe đạp đến, tóc dính mồ hôi bết hai bên thái dương, miệng nói và khi cười đôi mắt dường như chẳng còn biết có ai trên đời nữa. Xem Phương chuyển động theo nhạc trong đêm trình diễn Zentangle vừa qua, ai cũng nghĩ cô gái này xuất thân là dân làm nghệ thuật nhưng có ai biết đâu kỳ thực, Phương học Đầu tư tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhưng vốn tự nhận mình “điên” nên Phương luôn đi chệch khỏi con đường mình đã học để rồi đến một ngày đẹp giời, cô không hiểu bằng cách nào mình lại xuất hiện ở “lãnh địa” hoàn toàn mới, xa lạ với mường tượng của mình trước đây.
Phương kể, “em có thói quen vẽ nguệch ngoạc từ lâu lắm rồi, em vẽ triền miên bất kể lúc nào, cổ tay và cánh tay lúc nào cũng chi chít các hoa văn. Những khi vẽ như vậy là lúc em cảm thấy thoải mái dễ chịu nhất. Mãi sau này em mới biết đó là liều thuốc hữu hiệu khi ta quá bí bách, stress”. Vốn là người sống thiên về cảm xúc, Phương đồng thời thích ngắm nghía và quan sát biểu hiện xúc cảm của mọi người. Đó là lý do mà Phương xin làm trợ lý cho các khóa học “Điên” và “Thoát xác” tại Life Art. Đây là những khóa học giúp mọi người giải phóng cơ thể, bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên. Hàng ngày đứng trong góc lớp quan sát mọi người, Phương cảm thấy đây đúng là công việc mà mình đã chờ đợi, “đó là được làm việc với cảm xúc của người khác, của mình. Mình có thể Điên mà không phải lo sợ điều gì, không sợ ai phán xét, có thể giải phóng mọi giác quan của mình mà không ảnh hưởng tới người khác”. Có lẽ đó cũng là lý do, Phương Mad Meo đã đưa Zentangle đến với tất cả mọi người. 

 

Phương bảo, “nhiều người hỏi em vẽ Zen để làm gì? Từ kinh nghiệm bản thân, vẽ Zen mang lại cho em một sự thư giãn tuyệt vời. Mình không đặt bất cứ một mục tiêu nào cho kết quả của nó, nghĩa là mình chơi hết mình với trực giác của mình, với cảm giác bên trong của mình. Rồi vẽ một thời gian, em nhận ra không chỉ có thế đâu, bởi vì mình không chịu bất cứ một sự phán xét nào nên khi vẽ Zen, bạn có thể thử mọi thứ, bạn không phải tính toán hình này phải đi với hình kia, đường nét này phải đi với đường nét kia mới thật hợp, bạn kết hợp mọi thứ một cách ngẫu hứng và lâu dần nó tạo ra một thói quen sáng tạo không bị gò bó, giới hạn khi làm việc. Và tất nhiên, nó là một cách xả stress. Bởi vì chúng ta không phán xét, nghĩa là ta không nghĩ ngợi gì, không tính toán, đắn đo gì, ta có thể lặp đi lặp lại một họa tiết, một nét vẽ. Nhờ được giải phóng, ta chế ngự được sự nóng giận, tiết chế được cảm xúc”.
Tại buổi trình diễn Zentangle, nhiều khán giả đã bày tỏ sự thích thú và ngạc nhiên vì hóa ra bấy lâu nay, một việc mình làm tưởng như vô nghĩa là vẽ nguệch ngoạc, vẽ vớ vẩn hóa ra lại có những ý nghĩa riêng độc đáo của nó. Nhiều hình vẽ Zen đã trở thành cảm hứng cho những người mê tattoo (xăm nghệ thuật) hay vẽ henna (vẽ trên cơ thể bằng một loại bột từ vỏ cây của Ấn Độ). Ngay cả bản thân người viết bài này cũng có phần cảm thấy vô cùng thú vị và nảy sinh trong đầu ý nghĩ luôn mang theo bên người một cuốn sổ để có thể vẽ “vớ vẩn” bất cứ lúc nào mình muốn. 

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn