Gặp hậu duệ cha đẻ chú Tễu

Tổng hợpThứ Năm, 20/12/2012 02:42:00 +07:00

Phan Thanh Liêm đã quyết định mở một nhà hát múa rối tại gia, nơi khách đến để khám phá một loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc của người Việt.

“Có rất nhiều người muốn tìm hiểu về nghề múa rối truyền thống. Mình là người có nghề mà không làm thì ai làm? Vả lại, nếu không làm dần dần múa rối sẽ mai một, sẽ mất đi chẳng ai còn biết đến nó nữa”, nghĩ vậy và anh Phan Thanh Liêm đã quyết định mở một nhà hát múa rối tại gia, nơi khách đến để khám phá một loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc của người Việt.

Nhà hát múa rối mini độc đáo tại gia

Ngôi nhà của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nằm sâu trong con ngõ nhỏ hẹp đi từ phố Xã Đàn vào. Thấy đường vào ngoắt ngoéo khó nhớ, tôi hỏi anh: Đường vào khó nhớ thế này thì khách tìm làm sao hả anh?. Anh Liêm cười: Không lo, lúc nào cũng có người dẫn vào.

 
Từ khi mở cái nhà hát múa rối mini tại gia này, anh Liêm tập trung hẳn vào công việc ở đây, vừa là giám đốc, vừa là hướng dẫn viên, vừa là nghệ sĩ, vừa kiêm nghệ nhân làm rối, thậm chí cả… dẫn đường cho khách. Nhà hát của anh còn mới nên chưa có nhiều khách lắm, nhưng cứ túc tắc vậy cũng sống được và sống vui. Vui vì được làm đúng cái nghề làm rối mà ở Nam Định, 7 đời nhà anh vẫn làm.

Cụ thân sinh ra anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người đã làm ra chú Tễu (hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Louvre - Pháp). Ông cũng chính là cha đẻ của sân khấu thủy đình lưu động trong múa rối nước. Bản thân anh Liêm cũng đã từng đi theo cha biểu diễn ở nhiều nơi, qua quan sát và trải nghiệm mới có kinh nghiệm mà xây dựng một nhà hát múa rối như ngày hôm nay.

Nhà anh Liêm rộng áng chừng hơn 30m2, chia làm 4 tầng. Đến nhà anh, ngay từ cửa chính nhìn đâu cũng thấy rối, cái đang tạc dở, cái đang phơi, cái đã hoàn thiện. Anh tiếp khách ở tầng 2, phòng treo nhiều ảnh và tư liệu nhất. Tầng 3 là nơi giới thiệu về kỹ thuật cũng như các công đoạn để làm ra một con rối. Tầng 4 là nơi đặt sân khấu biểu diễn.

 
Khác với khi đến các nhà hát múa rối lớn, ở đây khách không chỉ được xem, mà còn được nghe, được chạm vào con rối, được chèo hẳn vào trong bể thử biểu diễn và khám phá tất cả các công đoạn để tạo ra một con rối. Anh Liêm cho biết, từ lâu anh đã có ý tưởng xây dựng nhà hát múa rối mini này. “Có rất nhiều người muốn tìm hiểu về nghề múa rối truyền thống. Mình là người có nghề mà không làm thì ai làm? Vả lại, nếu không làm dần dần múa rối sẽ mai một, sẽ mất đi chẳng ai còn biết đến nó nữa”, anh nói. Chính vì vậy, anh mong muốn xây dựng một mô hình du lịch khám phá rối nước khép kín ngay tại gia đình.

Nghĩ là làm. Anh cải tạo lại tầng 4 của gia đình, trước là nơi giặt và phơi phóng quần áo thành một cái nhà hát thu nhỏ. Ban đầu chỉ ai biết mới đến xem. Mãi tới gần đây anh mới đầu tư “nâng cấp” trang trí sân khấu có mái đình đỏ, bể nước hình bán nguyệt quây bằng tôn, có cây đa, khóm tre vàng.

 
“Nhà hát” của anh có thể đón 15 khách trong một buổi biểu diễn, nếu là trẻ con thì có thể đông hơn, có trang bị điều hòa, quạt đầy đủ… Thông thường một buổi biểu diễn cần nhiều nghệ sĩ nhưng vì sân khấu nhỏ, lại có một mình nên anh sáng tạo bằng cách dùng đế xốp hoặc bọt biển và dùng sào thay cho dây để con rối nhẹ hơn, một mình anh có thể điều khiển nhiều con rối một lúc mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng.

Xây dựng từ lâu nhưng mãi đến năm nay anh Liêm mới chính thức giới thiệu nhà hát tại gia của mình thông qua các công ty du lịch. Báo chí biết cũng đến đưa tin. Nhờ đó, có nhiều khách nước ngoài tìm đến anh. Khác với các nhà hát lớn, rạp của anh tiếp khách theo yêu cầu. Nghĩa là khách gọi lúc nào anh biểu diễn phục vụ lúc đó. Một tour bao gồm nói chuyện với nghệ nhân, tìm hiểu về nghệ thuật rối nước truyền thống tại tầng 2. Sau đó, lên tầng 4 xem biểu diễn trong vòng 30 phút. Khách có thể trực tiếp vào bể thử điều khiển con rối. Xem xong, xuống tầng 3 anh Liêm sẽ giới thiệu các công đoạn để tạo ra một con rối như thế nào.

Ngoài các trò cổ truyền thống, anh Liêm còn diễn những trò cách tân được khán giả vô cùng thích thú chẳng hạn như trò đua xe máy, ô tô. Anh tâm sự, con rối vô tri, vô giác, nó chỉ có một vài động tác cơ bản vì thế muốn cách tân nội dung hiện đại hơn cũng bị hạn chế nhiều. Sắp tới đây tôi cũng đưa vấn đề môi trường vào các trò diễn để cho phong phú và có tính thời sự. Nhưng các kỹ thuật biểu diễn rối vẫn là kỹ thuật truyền thống.

 
Vì là nhà hát mini nên sân khấu của anh Liêm phải tối giản nhiều thứ để mỗi lần đi lưu diễn, có thể tháo lắp sân khấu nhanh chóng. Tuy vậy, anh có một sân khấu lưu động riêng luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường. Không có dàn nhạc như các phường rối lớn, ngay cả âm nhạc anh cũng phải thu sẵn vào băng đĩa mang theo. Anh bảo, mình đi diễn lưu động mà quá nhiều đồ đạc cồng kềnh thì không thể đủ chi phí để chi trả. Vì thế mỗi lần đi diễn là phải “ép cân” cho cái sân khấu của mình chỉ còn lại khoảng 100kg là vừa đẹp.

Với 100kg ấy, 10 năm qua, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã mang rối nước chu du nhiều tỉnh trong nước và nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tháng 4-2008, anh đã được tổ chức múa rối thế giới UNIMA kết nạp làm thành viên.

Muốn yêu phải hiểu

Khách của anh Liêm chủ yếu là khách quốc tế nhưng thi thoảng cũng có đoàn khách Việt Nam. Anh Liêm khoe, vừa rồi có một nhóm các cháu học sinh giỏi được thầy cô cho đến xem diễn rối nước, lũ trẻ xem xong được nghịch con rối thì thích thú lắm . Anh tâm còn sự, có nhiều bữa đi diễn lưu động cho các trường mầm non vào những dịp lễ Trung thu, tết… nhìn bọn trẻ khuôn mặt háo hức làm mình vui lây quên cả mệt. Nói rồi anh cười buồn :“Rối nước bây giờ chỉ hấp dẫn với các bé mẫu giáo và khách nước ngoài. Ngay như cậu cả nhà này đang học lớp 6, ban đầu cũng thích lắm nhưng chẳng hiểu có lần đi học bị ai cười vì bố làm rối mà giờ nó không thích rối nữa. Được cậu thứ 2 cũng mê rối lắm, không biết lớn lên thì ra sao”.

 
Anh bảo, bản thân anh, tuổi thơ lớn lên giữa những con rối nên từ tấm bé đã hiểu và yêu thích con rối, vì vậy, muốn bất kì ai hiểu và yêu rối như mình cũng phải giải thích cho họ hiểu vì sao có loại hình rối nước, con rối được làm ra sao, kỹ thuật biểu diễn như thế nào… Được tận mắt nhìn, tận tay cầm chắc chắn họ sẽ thích thú hơn nhiều so với việc chỉ xem diễn không thôi. Đó cũng là lý do vì sao anh có ý tưởng làm mô hình dulịch khám phá nghệ thuật rối nước này.

“Thế những lúc không có khách, anh làm gì?”, tôi hỏi. “Làm những con rối này”, anh chắp tay sau lưng nhìn một vòng xung quanh những cô tiên, chú tễu, mục đồng cưỡi trâu… bày la liệt chung quanh. Quả thật, những lúc không có khách anh Liêm vẫn lọ mọ làm con rối để bán. Thấy tôi tò mò, xoay ngang xoay ngửa con rối trên tay, anh giải thích tỉ mỉ, con rối bây giờ được làm từ gỗ sung. Gỗ sung có ưu điểm nhẹ, đóng đinh không vỡ nhưng phải cái ngâm dưới nước nhanh mục. Ngày xưa các cụ chủ yếu dùng gỗ mít và gỗ xoan, nhưng hai loại gỗ này nặng, làm những con rối nhỏ thì cầm được chứ loại rối to thì phải dùng miếng bọt biển hoặc xốp làm đế để dễ nổi.

 
Con rối nhìn đơn giản vậy mà để làm lại mất nhiều thời gian. Ban đầu phải đục đẽo, làm chân, tay rời. Sau phải bổ đầu, bổ bụng đục rỗng để lắp dây, đồng thời cho nhanh khô và nhẹ. Gỗ phải chọn gỗ già, sau khi lấy về phải làm luôn từ lúc còn tươi vì để khô rất khó làm. Sau khi đục xong phải mang phơi khô. Xung quanh cái chuyện phơi con rối cũng khá phức tạp. Con rối phải được phơi trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Nếu nóng quá nó sẽ bị méo, biến dạng, lạnh quá thì có khi đến cả tháng cũng chưa khô. Muốn nhanh có thể sấy rối bằng bếp than nhưng sấy vừa phải nếu không sẽ cong vênh.

Con rối sau khi được tạc xong phải dùng sơn trộn với đất và mùn cưa để bó vào những rãnh, mạch, chỗ sứt sẹo cho mịn để sơn cho nhẵn. Đất lại phải lấy đất phù sa sông Hồng sau khi mang về lọc cho thật kỳ mịn mới được. Đợi sau khi khô thì sơn rối mà sơn cũng phải sơn nhiều nước rồi mới vẽ mắt mũi miệng. Anh Liêm cho biết, các con rối bây giờ có màu sắc sực sỡ hơn ngày trước. Kỳ công như thế nên mỗi con rối phải mất cả tháng mới xong. Khách nghe và xem anh làm con rối thì lấy làm thích lắm vì xem múa rối thì xem rồi nhưng đây quả là lần đầu được chứng kiến tận mắt nghệ nhân làm một con rối như thế nào.

Đang nói chuyện thì anh Liêm có điện thoại. Anh quay sang bảo, có khách đặt tới xem em ạ. “Tốt quá, thế này thì anh sống thoải mái bằng nghề nhỉ?”, tôi hỏi. “Nếu khách đến thường xuyên thì thu nhập cũng tốt còn nếu không tôi vẫn làm rối để sống. Nói chung, tôi vẫn sống được bằng nghề”. Anh Liêm vui vẻ khoe, hiện giờ anh đã có khách báo sẽ đến vào dịp tết năm nay, lại có khách đặt vào tháng 11 năm sau. Khách đến lúc nào anh sẽ phục vụ lúc ấy không kể ngày lễ tết. Với anh, được diễn, được giới thiệu về rối nước Việt Nam cho mọi người đã là vui rồi. Mà có khi, còn vui hơn cả tết ấy chứ.

Hà Trang

Bình luận
vtcnews.vn