Zippo - Ngọn lửa ‘‘ma lực’’

Tổng hợpThứ Hai, 19/11/2012 08:08:00 +07:00

Họ bỏ tiền, bỏ của để săn tìm, sưu tầm và xem đó như một niềm đam mê của mình.

Xưa kia, ngọn lửa của thần Promete đã mang đến sự thịnh vượng và may mắn cho loài người. Vì thế, không khó hiểu khi ngày nay, con người lại nâng niu, yêu quý những chiếc bật lửa và xem đó là biểu tượng may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Họ bỏ tiền, bỏ của để săn tìm, sưu tầm và xem đó như một niềm đam mê của mình.

Không chỉ để đánh lửa...

Trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, việc sở hữu một “con” zippo sáng loáng trong tay, “châm được lửa ngay cả trong gió bão”, là niềm tự hào của giới trẻ ở Việt Nam, bất kể họ có hút thuốc hay chẳng bao giờ động đến điếu thuốc. Nhiều người mê chơi loại bật lửa độc đáo này thậm chí còn khoa trương so sánh, nếu ngày nay, mẫu điện thoại di động khẳng định “đẳng cấp dân chơi”, thì lúc ấy, giới trẻ thành thị được đánh giá cấp bậc qua cái bật lửa kim loại có nguồn gốc ở cách Việt Nam tận nửa vòng trái đất.

 
So với một chiếc bật lửa gaz chỉ hai ngàn đồng thì zippo thực sự là một món hàng xa xỉ. Tuy nhiên, với những người đã trót mê zippo thì bỏ ra từ vài trăm ngàn cho đến cả chục triệu đồng để mang về nhà một chiếc zippo chỉ dùng để… ngắm là điều bình thường.

Cửa hàng zippo ở 77 Đặng Văn Ngữ từ lâu đã trở thành “lãnh địa” lui tới của dân chơi zippo Hà Nội. Hải “béo”- chủ cửa hàng zippo, đồng thời là hội viên Câu lạc bộ Zippo Hà Nội, nhẹ nhàng kéo cánh cửa tủ đưa ra khoe với chúng tôi những chiếc zippo với đủ kiểu dáng, màu sắc, niên đại… đều do công ty Zippo Mỹ sản xuất.

Như một bản năng tự nhiên của dân nghiền zippo, anh tỉ mỉ giảng giải cho “giới ngoại đạo” như chúng tôi về xuất xứ của những chiếc bật lửa có “ma lực” này. Chiếc zippo đầu tiên ra đời vào năm 1932, hiện đang nằm trong viện bảo tàng gia đình ZippoCase tại Bradford. Đó là một trong hai chiếc zippo quí nhất thế giới cho đến nay. Chiếc còn lại là zippo Signet bằng vàng khối 18 karat mà giá được đăng bán vào khoảng trên dưới 3 ngàn đô la.

 
Ở Việt Nam, zippo dành cho giới bình dân vào khoảng 300 – 700 ngàn. Cái giá quá đắt so với một dụng cụ đánh lửa thông thường nên theo đuổi được niềm đam mê zippo không hề đơn giản. Đối với giới sưu tầm, những chiếc zippo được săn lùng thường có giá từ vài triệu đồng đến trăm triệu, thậm chí… vô giá, tùy theo nhu cầu của người sưu tầm.

Trong cách chơi zippo có thể tạm chia làm ba loại. Thứ nhất là những người sử dụng bật lửa zippo dùng để tạo ra lửa. Thứ hai là những “trick” đam mê múa lửa. Thứ ba là những người thích sưu tập những chủ đề của zippo. Anh Hải cho biết, dân chơi zippo ở Việt Nam cũng có nhiều người sở hữu mấy chục chiếc zippo nhưng chẳng ai dám tự nhận mình là collector (nhà sưu tầm) bởi những collector “thâm niên” thường có đến hàng ngàn chiếc zippo qua tay.

Zippo quý là những chiếc zippo thời chiến hoặc được công ty sản xuất giới hạn. Thông thường, những chiếc zippo quý, hiếm thì ít khi được chủ nhân công khai giá, chủ yếu là do người cần tìm mua biết được và đến tận chủ nhân của nó thỏa thuận giá cả. Một chiếc bật lửa thông thường bán ở Hà Nội có giá khoảng 500-700 nghìn đồng. Đồ độc hơn một chút với những họa tiết trang trí lạ có giá khoảng 2 triệu đồng. “Ít người sưu tầm Zippo tiết lộ giá mua được món hàng độc của mình.

 
Ngay cả trong diễn đàn cũng chỉ truyền miệng nhau rằng ở Việt Nam, có một dân chơi tại Sài Gòn đã chi đến 5.000 USD cho một chiếc zippo vàng khối”, anh Hải kể. Với dân zippo, tiền không phải tất cả và có những chiếc zippo trở nên vô giá là vì thế. Không bán nhưng đôi khi ngẫu hứng, họ sẵn sàng cho không nếu gặp được người thực sự “nặng tình” với chiếc zippo.

Trong giới zippo thì hướng sưu tầm theo chất liệu và phương pháp trang trí là được quan tâm nhiều nhất. Zippo có rất nhiều loại nền khác nhau như xi bóng trơn, xi bóng nhám, sơn nứt, đồng thau, mạ, khảm kim loại quý như vàng, bạc. Bật lửa vàng và bạc cũng chia làm nhiều loại, có thể chỉ là mạ, hoặc khối. Về phương pháp tạo ra họa tiết thì có khắc máy, khắc tay, sơn máy, sơn tay, dùng acid để ăn mòn và lấy đi phần hình nền của tác phẩm, chỉ chừa lại các chi tiết chính. Có những chiếc zippo xù xì, cũ kỹ, nhiều người không am hiểu nhìn thấy chỉ muốn ném đi, nhưng với những người đam mê, thì đó lại là cả gia tài.

Một con zippo “ngon” thì bật một cái là lên lửa ngay, ngọn lửa cháy xanh vàng đẹp, không bị vàng quá, không bị bập bùng do thiếu xăng hay buồng đốt bẩn, bản lề phải chắc chắn, tiếng đóng mở nắp nghe phải giòn tan. Có như thế, dân zippo mới yên tâm đi xe máy 40 km/h mà vẫn có thể châm lửa.

 
Dưới đáy chiếc bật lửa là những ký hiệu để nhận diện những dòng bật lửa cũng như năm sản xuất của chúng. Theo anh Hải, mỗi chiếc zippo do chính hãng sản xuất bao giờ cũng có lưu lại trong catalogue và đăng ký bản quyền. Zippo là sản phẩm được bảo hành miễn phí suốt đời. Bất kỳ khi ai có một chiếc zippo nguyên bản bị hỏng đều có thể gửi về cho chính hãng để sửa chữa.

Linh hồn của người chơi

Trong CLB Zippo Hà Nội, không thể không nhắc đến Hưng “trick”- một tricker có tiếng ở Hà Thành. Mỗi lần cả hội gặp nhau, Hưng lại hào hứng khoe kỹ thuật “phù phép” ngọn lửa bằng cách dùng bàn tay lướt nhẹ qua chiếc zippo đang cháy, lửa tắt. Chụm bàn tay lại và búng năm ngón tay về chiếc zippo, ngọn lửa bùng lên trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người.

Trong các giới thì tricker rẽ sang một nhánh khác, với tài dùng zippo để quẹt lửa bằng những động tác điệu nghệ đẹp mắt, thường gọi là “múa lửa”. Tất nhiên, để được xem là một tricker phải trải qua quá trình luyện trick gian khổ. Khi đạt đến “cảnh giới”, nhiều tricker có thể “múa” zippo giữa các ngón tay, hay quẹt lửa từ nhiều bộ phận trên cơ thể… dùng bàn tay lướt nhẹ qua chiếc zippo đang cháy, lửa tắt.

Có lang thang ở các diễn đàn zippo thì mới biết độ “máu”, độ “điên” của dân chơi zippo. Cubinbh, một thành viên của diễn đàn zippovietnam, vì không dám để chiếc zippo yêu thích đi theo đường bưu điện, đã lặn lội từ Đăk-Lăk xuống TPHCM chỉ để được xách con Venetian Mallboro về. Hay như Huy ziserbeer, thành viên “lão làng” của diễn đàn capheda.vn, một lần lang thang ở Thái Lan, đã moi đến những đồng tiền cuối cùng để tậu zippo, đến độ không còn tiền để về nước. Hay một người chơi khác, có lần vì quá mải mê đeo đuổi một chiếc zippo, anh đã gần như bán hết tất cả những gì giá trị mình có, ngoại trừ… những chiếc zippo.

 
Không chỉ những câu chuyện về người chơi zippo mà bản thân mỗi chiếc bật lửa ấy đã là một câu chuyện văn hóa sinh động. Trên mỗi chiếc zippop đều được khắc lên những hình ảnh địa danh, sự kiện văn hóa, dấu mốc lịch sử… Giá trị của mỗi chiếc zippo đều đi kèm với lai lịch của nó, hay nói đúng hơn là câu chuyện đi kèm với nó.

Vì thế, dân mê zippo thực thụ sẽ phải tìm hiểu rất kỹ nguồn gốc cũng như từng chi tiết chạm khắc trên chiếc bật lửa của mình. Dũng, một dân chơi zippo có thâm niên hơn 5 năm cho biết: “Khi cầm chiếc zippo D -Day, người chơi phải hiểu vanh vách từng chi tiết, từng nhân vật lịch sử trong trận Normandy năm 1944, biết về những vị tướng trong chiến dịch, là de Gaulle, Montgomery, Eisenhower, Bradley… Rồi những chiếc zippo về sự kiện bức tường Berlin, tàu Apollo, chiến tranh Iraq 2003… Tất cả đều đòi hỏi phải tìm tòi nghiên cứu. Nhiều tài liệu chỉ có bản tiếng Anh, họ lại phải dịch ra tiếng Việt để cùng chia sẻ với mọi người”.

Thú chơi zippo không chỉ đơn giản là có trong tay nhiều chiếc bật lửa mà người chơi zippo cũng cần hội tụ đủ 5 yếu tố then chốt. Đầu tiên, là phải có đam mê. Thứ hai là kiến thức. Cho đến tận bây giờ, ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều người chỉ sưu tầm cho vui, thấy cái gì thích là mua, là săn, chứ không chơi một cách có hệ thống, nên có thể họ có nhiều zippo mà không biết trong tay mình đang có cái gì. Thời gian và sự kiên trì cũng là cái mà người sưu tầm zippo cần. Có người sẵn sàng đợi cả 7, 8 tháng trời, dù rất “vật vã”, để có được chiếc zippo đặt mua ở Mỹ. Yếu tố cần thiết thứ tư là tiền bạc.

Tuy mỗi chiếc zippo chỉ có giá từ vài chục tới vài trăm USD, nhưng nếu không dư dả thì cũng khó theo đuổi. Không phải ai cũng sẵn sàng bỏ cả tháng lương ra chỉ để mua một chiếc bật lửa về ngắm. Cuối cùng, nhưng cũng quan trọng nhất, đó là “cái duyên”. Có những chiếc bật lửa quý giá đến với dân zippo theo cách rất ngẫu nhiên. Đôi khi chỉ là mua được qua bà bán đồng nát hay từ một cậu bé đánh dày…

Cứ vào những ngày cuối tuần, gần 40 thành viên chơi zippo của CLB Zippo Hà Nội lại tập trung nhau để bàn luận, giao lưu và kể cho nhau những câu chuyện thú vị về chiếc máy cho lửa. Rất nhiều người, bất kể tuổi tác, giới tính cũng như công việc. Họ đến đây vì cùng chung một đam mê sưu tập những chiếc bật lửa lạ mắt, độc đáo. Họ say sưa kể cho nhau nghe những điều lý thú về bât lửa từ dòng loại, kiểu dáng, xuất xứ tới những nét đặc trưng riêng của từng cái.

Nếu ai đã từng mê mẩn một chiếc zippo thì thật khó để dừng lại. Họ có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ để ngồi lau chùi, thay bấc, tra xăng hoặc đi hết con phố này đến con phố kia để truy lùng những chiếc zippo cũ mà với những người bình thường đó chỉ là một dụng cụ cho lửa. Và đã là dân nghiền thì xác định sẽ có những đêm thức trắng để tham gia đấu giá một “em” zippo nào đó. Chỉ cần chậm một giây thôi cũng có thể phải cắn răng nhìn “người yêu” về tay kẻ khác. 

Một điều đặc biệt, hội zippo đông là thế, mỗi người lại có trong tay không dưới 3 chiếc zippo nhưng không phải ai trong họ cũng biết… hút thuốc. Và nhiều người, trong túi lúc nào cũng lẻng xẻng vài chiếc bật lửa nhưng chỉ để… ngắm. Giá trị của chiếc zippo chính là ngọn lửa không bao giờ tắt trong mọi điều kiện thời tiết, mọi tư thế. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, có những người lặng yên ngồi trong quán vắng, thỉnh thoảng đưa chiếc zippo ra bật nắp “ting… ting” và ngắm nhìn ngọn lửa “ma lực”, ngọn lửa biểu hiện cho sự bền bỉ và khát khao được cháy.

 Thanh Hương

 

 

 

 


Bình luận
vtcnews.vn