Bảo tồn di sản văn hóa và bức tranh nhiều điểm tối

Tổng hợpThứ Hai, 12/08/2013 09:12:00 +07:00

Việc những bê bối trong lĩnh vực quản lý di sản diễn ra dồn dập là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn và phát huy di sản.

Đầu năm 2012, dư luận xôn xao trước thông tin nhà chùa tự ý hạ giải gác Khánh và nhà Tổ tại Khu di tích cấp Quốc gia chùa Trăm Gian. Đến tháng 5/2013, người ta lại ngỡ ngàng khi Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột “ra tối hậu thư” gửi tới lãnh đạo Hà Nội và các cơ quan liên quan đề nghị trùng tu, tôn tạo chùa vì di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng và có nhấn mạnh là nếu không được giải quyết kịp thời, nhà chùa sẽ “tự xử”. Tiếp sau đó, người dân Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) đồng loạt gửi đơn xin trả lại danh hiệu di tích cấp Quốc gia. Đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều những điểm nóng đầy buồn bã của bảo tồn di sản văn hóa thời gian vừa qua.

Việc những bê bối trong lĩnh vực quản lý di sản diễn ra dồn dập là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn và phát huy di sản. Ai cũng biết rằng công tác bảo tồn di sản đang chứa đựng những tồn đọng và mâu thuẫn khó giải quyết, tuy nhiên quả thực rất khó để có thể chỉ đích danh nguyên nhân chính của vấn đề. Ngay cả khi đã chỉ ra rồi, việc có giải quyết được triệt để mâu thuẫn hay không, câu trả lời vẫn còn để ngỏ…

 

Bức tranh bảo tồn di sản nhiều điểm tối
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch Hà Nội vừa qua, vấn đề bảo tồn và phát triển di sản gắn với lợi ích của người dân như thế nào trở thành chủ đề được quan tâm hơn cả. Có lẽ chưa khi nào, vấn đề về di sản lại nóng như thời gian qua, khi hàng loạt di sản xuống cấp nghiêm trọng không được trùng tu, bảo tồn hay việc người dân thể hiện thái độ không mặn mà, thậm chí chối bỏ di sản. 
Câu chuyện buồn của những người dân làng cổ Đường Lâm là một trong những bài học đau xót về thất bại trong công tác bảo tồn di sản. Những lá đơn đầy bức xúc yêu cầu “được” trả lại danh hiệu – vốn là mơ ước và kết quả từ không biết bao nhiêu nỗ lực của tập thể, để thực hiện một mong muốn vô cùng giản dị: sửa nhà, đảm bảo cuộc sống đã phần nào cho thấy sự thiếu quan tâm của lãnh đạo địa phương, chậm trễ trong công tác quy hoạch, thiếu tầm nhìn trong công tác tham mưu và dự báo. Thiếu sót này không những đe dọa đến sự tồn tại của di tích mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. 
Trong khi lẽ ra, di sản phải được bảo tồn và phát huy đúng với giá trị của nó và người dân - những chủ nhân đích thực của di sản phải là những người đầu tiên được hưởng lợi. Từ đây, không thể không nhìn vào hiện thực rằng: nếu những bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển di sản không được chấn chỉnh kịp thời thì những vấn đề xâm hại di tích, mâu thuẫn bảo tồn sẽ tiếp tục là tâm điểm của dư luận. Chẳng có gì là lạ khi lại có những làng cổ Đường Lâm thứ hai, thứ ba nữa xin “được” trả lại danh hiệu…

 

Có lẽ, cần làm rõ khái niệm về “chuẩn” trong bảo tồn di sản, để thấy được sự “lệch chuẩn” là như thế nào. “Chuẩn” trong việc bảo tồn di sản văn hóa là phải xử lý được hài hòa giữa văn hóa và kinh tế. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chính là hỗ trợ cho sự phát triển, nếu cộng đồng hiểu rõ điều này, họ sẽ sẵn sàng tham gia. Cộng đồng ở đây là ai: chính là các cấp quản lý, doanh nhân, khách du lịch… và quan trọng nhất là người dân sống tại nơi có di sản văn hóa. 
Một trong những yếu tố khiến công tác bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn khi triển khai, đó là việc có không ít những suy nghĩ sai lầm về ý nghĩa của việc UNESCO cấp bằng công nhận danh hiệu di sản. Vẫn còn có những tưởng tượng trên mây cho rằng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá đồng nghĩa với việc được tôn vinh, được gắn huân chương vào đó. Thậm chí, có người phát biểu rằng một di sản được UNESCO công nhận là tương đương với hàng vài chục tỷ. Đó là sai lầm rất lớn. “Khi các di sản của các quốc gia được quốc tế công nhận, quốc gia đó phải gánh một trách nhiệm nặng nề hơn, đầu tư nhiều hơn, phải có chính sách tốt hơn để gìn giữ di sản không phải cho dân tộc mình mà cho cả thế giới. Như vậy, chúng ta đang nhận lấy một trách nhiệm cao hơn, lớn hơn, chứ không phải chỉ ngồi đó mà hãnh diện rằng chúng ta nhiều huân chương” - PGS TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng cục Di sản, Phó chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ.

 

Vẫn có cơ sở để lạc quan…
Khi mọi sự chú ý đều tập trung vào những yếu kém của công tác bảo tồn di sản, một câu hỏi được đặt ra là: Vậy bảo tồn di sản nên được tiến hành như thế nào để thật đúng và trúng?
Thực tế, không quá khó khăn để có thể vạch ra những bước đi đúng của công tác bảo tồn di sản, dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những bài học trước. Một trong những việc cần làm của các nhà quản lý, đó là cần phải khiến cộng đồng có cái nhìn đúng về tầm quan trọng của di sản, khoanh vùng để bảo tồn. Trước ý kiến cho rằng việc khoanh vùng đối với từng khu vực để bảo tồn là cứng nhắc và không hợp lý, ông Đặng Văn Bài lại tích cực ủng hộ điều này: “Việc khoanh vùng thành khu vực 1 hay khu vực 2 xuất phát từ đặc thù và những giá trị tiêu biểu của di sản. 
Việc người ta cần nâng tầm như vậy đó là ở toàn nhân loại đều làm chứ không riêng Việt Nam. Tôi phải nêu lên ví dụ về trường hợp của phố cổ Hội An người ta cũng khoanh vùng và đã bảo vệ được, phát huy được. Mọi người cho rằng đó là việc máy móc nhưng thực tế không phải vậy, đó là điều kiện cần và đủ để di sản được bảo vệ và tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống đương đại”. Tuy nhiên, cũng theo ông Bài thì vướng mắc nằm ở chỗ nguyên tắc ứng dụng cho từng vùng là như thế nào để phù hợp với điều kiện của vùng đó. Đó là bài toán khó mà chúng ta phải giải.
Nhắc đến bảo tồn, người ta cũng hay nhắc tới cụm từ “bảo tồn nguyên trạng”. Tuy nhiên, theo GS TS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên viện trưởng viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc Gia HN, Phó chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thì bảo tồn nguyên trạng là việc vô cùng khó trong hoàn cảnh nhiều di sản tại Việt Nam: “Các di tích văn hóa muốn giữ lại cho đời nay, đời sau và phát huy giá trị của nó thì mặc nhiên người ta phải tính tới việc bảo tồn nguyên trạng. Thế nhưng, phải bảo tồn nguyên trạng cái gì, hay những di tích nào? Chứ nếu bây giờ mà bảo tồn nguyên trạng một làng cổ thì tôi e rằng chúng ta không làm được”. Theo ông Ngọc, làng là một khái niệm sống, trong một ngôi làng có thể chứa đựng vài yếu tố cổ được lưu lại, còn làng hiện nay thì phải gọi là làng hiện đại.
Mọi điều kiện cũng phải thay đổi để thích nghi. Giả sử như ở làng cổ, người dân không được dùng internet hoặc phải dùng đèn dầu thay đèn điện vì đó không phải là cổ? Sau khi phân tích, ông Ngọc thiên về ý kiến nên khoanh vùng bảo tồn thật gọn, còn việc bảo tồn nguyên trạng một làng cổ thì có lẽ chỉ trừ khi biến ngôi làng đó trở thành một… bảo tàng làng.

 

Trở lại câu chuyện thực tế của làng cổ Đường Lâm, ông Đặng Văn Bài có nghiêm túc kiểm điểm và đưa ra thiếu sót của phía nhà quản lý. Ông Bài cũng “hiến kế”: “Bên cạnh ban quản lý, cần có một ban đại diện ở làng cổ Đường Lâm với tư cách trung gian làm nhiệm vụ chuyển tiếp những ý kiến chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời họ cũng lắng nghe ý kiến của cộng đồng, góp thành cái chung để tìm ra giải pháp. Bảo vệ một cơ thể sống như phố cổ Hội An, như làng cổ Đường Lâm thì không thể đứng ngoài cuộc được, chúng ta phải thực hiện quyền dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân cũng phải kiểm tra cả những việc chúng ta làm nữa. Ở câu chuyện làng cổ Đường Lâm, chúng ta đã chưa thực hiện nghiêm được những vấn đề này và vẫn còn nhiều tồn đọng”.
Sau rất nhiều những ví dụ buồn, ông Đặng Văn Bài vẫn tích cực ủng hộ và bảo vệ tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản: “Các quốc gia trên thế giới khát khao vì được góp mặt trong cộng đồng thế giới để làm cho kho tàng di sản văn hóa thế giới ngày càng phong phú hơn. Xếp hạng di tích không phải chỉ là nhãn mác, không phải chỉ là tôn vinh mà trước hết là làm cho quốc gia ấy, từ Nguyên thủ cho tới cộng đồng nhân dân nhận thức sâu sắc hơn giá trị di sản văn hóa ấy cho việc phát triển, tức là nâng cao nhận thức xã hội. Thứ hai, hành động sau xếp hạng mới là quan trọng, chứ vinh quang và tự hào chỉ là một phần nào đó thôi. Tôi lấy ví dụ: nếu không kịp thời xếp hạng núi Sam, Châu Đốc thì có lẽ bây giờ không còn núi Sam nữa rồi mà thay bằng đống vật liệu xây dựng. Nếu không xếp hạng Tràng An thì có lẽ giờ Tràng An cũng biến thành xi măng hết cả. Nếu đã xếp hạng mà bị vi phạm, chúng ta còn có cơ sở đấu tranh và xử lý vi phạm, còn nếu chưa xếp hạng thì sẽ chẳng làm được gì. Rõ ràng, việc xếp hạng có tác dụng giống như một khung pháp lý quy trách nhiệm với cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ di sản”.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đang có một cơ sở để dự báo về sự sáng sủa của bức tranh bảo tồn di sản. Dù rằng, còn nhiều chông gai và không ít những khó khăn trước mắt nhưng nếu cân bằng được hai cán cân lợi ích giữa các cấp quản lý và lợi ích dân sinh, chẳng có lý do gì để người dân mất đi quyền được hy vọng…

Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn